Giá vật liệu giảm, thời tiết thuận lợi, đón dâu, rể mới trong mùa cưới…, nhiều lý do để người dân bắt tay vào sửa nhà, dựng nhà trong mùa này. Một ngôi nhà mới được xây lên khang trang, đẹp đẽ, chủ nhà vui là điều tất nhiên, mà chòm xóm cũng vui lây bởi bộ mặt khu phố được cải thiện. Nhưng thực tế, giữa những khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, kiệt hẻm ngoằn ngoèo, nhiều người nghe hàng xóm tính đến chuyện dựng nhà, đã lắc đầu ngao ngán…
Cả nể hóa dở dang
Những giàn giáo được đóng tạm bợ có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào. |
Anh Xuân Hoàng, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhà kề bên đập bỏ hoàn toàn để xây mới, suốt một tuần đầu, anh và vợ cùng 2 đứa con nhỏ phải đùm đề đến “ở trọ” nhà bà con vì không thể chịu nổi tiếng ồn đinh tai nhức óc. Chiều nào đi làm về, hai vợ chồng cũng phải tranh thủ tạt qua nhà, quét dọn bụi, đất đá, kết quả của một ngày đập phá miệt mài… bên nhà hàng xóm. “Mình đi làm thì không sao, chỉ “xót” cho con, nếu để chúng cả ngày hít bụi bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cứ tình trạng này chắc phải gửi con dài dài” - anh Hoàng tâm sự.
Nghĩ là vậy, nhưng chị Mai, anh Hoàng và nhiều người khác thường chỉ chọn giải pháp im lặng khi rơi vào tình trạng này. Đa số đều có chung suy nghĩ: “Thà mình cố một chút chứ nói ra lại mất tình làng nghĩa xóm”. Ngày ngày, ngang qua những ngôi nhà đang thi công, với giàn giáo, vật liệu ngổn ngang, nhiều người chỉ biết tặc lưỡi, nghĩ thầm: “Xây dựng kiểu này thật quá nguy hiểm”, và rồi lại tiếp tục cuộc mưu sinh bận rộn của mình…
Ý thức kém, hậu quả khó lường
Đi một vòng quanh các khu dân cư, sẽ thấy một thực tế là, hầu như không công trình xây dựng nhà ở nào sử dụng những biện pháp che chắn cần thiết, thậm chí là đơn sơ nhất. Nhiều hộ còn lấn chiếm kiệt, hẻm để chất vật liệu, vô tư “rải” gạch, vữa, nước xuống lòng đường, lên mái tôn các nhà lân cận. Người viết bài này đã từng chứng kiến cảnh những công nhân chất đầy gạch trên tấm ván “ọp ẹp” và kéo lên tầng 4 của một ngôi nhà đang xây dở, trong khi đó bên dưới, một nhóm trẻ em vô tư chơi trò bắn bi, không hề biết nguy hiểm đang treo lơ lửng trên đầu.
Trường hợp khác, một em học sinh trong khi cố lách qua những thanh gỗ cũ phía trước ngôi nhà đang tháo dỡ thì phát hiện xe bị lủng lốp do dẫm phải chiếc đinh sắt gỉ nhọn nhô lên từ một miếng gỗ, chợt nghĩ nếu không phải em học sinh đó đi xe đạp mà là cuốc bộ… Dẫu biết đường chật có thể tránh, chiếc lốp xe thủng có thể vá lại, nhưng từ những công trình xây dựng “lộ thiên” như thế, hậu quả có thể còn nặng nề hơn rất nhiều.
Bác P.V.Đ, một tổ trưởng dân phố ở phường Chính Gián cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở người dân trong khu phố phải bảo đảm an toàn khi tiến hành xây dựng nhà cửa, nhưng hôm nào tôi nhắc thì họ thu dọn gọn gàng, hôm sau lại trở về tình trạng cũ. Do chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề này nên tôi và anh em trong tổ rất khó làm việc cũng như thuyết phục mọi người nghe theo”.
Vẫn biết sự thay đổi quan trọng nhất phải bắt đầu từ trong suy nghĩ của mỗi người, nhưng nên chăng trước tiên cần có những quy định cụ thể, thậm chí áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc khi một công trình xây dựng không bảo đảm an toàn, để mọi người đều nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho gia đình và những người xung quanh. Và để những ngôi nhà mới được xây lên, trong niềm vui trọn vẹn của xóm giềng.
Bài và ảnh: NGUYỆT QUẾ