.

Khởi động đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin

.

(ĐNĐT) - “Di chứng chất độc da cam, gồm cả chất dioxin là thực tế hiển nhiên!” - Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” (Mỹ) nhấn mạnh.

Ngày 21-4, tại Đà Nẵng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân, mục tiêu của cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp, chia sẻ các quan điểm, chiến lược cho chương trình hành động sắp tới mà trước mắt là cuộc gặp tiếp theo tại Washington vào tháng 6 tới.

Tiến sĩ Charles Bailey (trái) và bà Tôn Nữ Thị Ninh tại cuộc đối thoại ngày 21-4.

Di chứng chất độc da cam là thực tế hiển nhiên!

Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” của Quỹ Ford (Mỹ) đánh giá, chất độc da cam là vấn đề nhạy cảm trong nhiều thập kỷ qua và gây nhiều tranh cãi giữa Việt Nam và Mỹ. Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng 3 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin sinh ra thế hệ con, cháu bị dị tật bẩm sinh và còn có khả năng di căn sang thế hệ F3.

Đặc biệt, tại Đà Nẵng, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, khảo sát bước đầu cho thấy, có trên 5.000 nạn nhân và người nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 1.400 trẻ em. Ở khu vực sân bay Đà Nẵng, một trong những “điểm nóng” được quân đội Mỹ dùng làm kho chứa và nơi nạp chất độc da cam/dioxin để đi rải ở những nơi khác, hơn 30 năm sau chiến tranh vẫn còn tồn lưu lượng chất độc này rất lớn trong thiên nhiên.

Theo các công trình nghiên cứu được tiến hành từ năm 2000 - 2004 của Bộ Quốc phòng Việt Nam, hàm lượng dioxin trung bình ở sân bay Đà Nẵng khoảng 35ppb TEQ (part per trillion - phần nghìn tỷ), cao gấp 35 lần cho phép đối với đất phi nông nghiệp được quy định ở Mỹ. Ở đây, hàm lượng dioxin trong mẫu đất là cao nhất, lên tới 200ppb TEQ.

Nghiên cứu của Công ty Tư vấn Môi trường Hatfield (Canada) năm 2007 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất trong mẫu đất ở sân bay Đà Nẵng là 365ppb, trong mẫu máu của người dân sống ở khu vực sân bay là 1.220ppt và của hai người khác sống gần khu vực sân bay này khoảng 600ppt, cao hơn nhiều lần so với mức cho phép hàm lượng dioxin trong người của các nước công nghiệp phát triển... Hậu quả là người dân trong khu vực đã và đang phải tiếp tục gánh chịu nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ di chứng của chiến tranh, đặc biệt là căn bệnh ung thư

Ngược lại, Chính phủ Mỹ tuyên bố không có mối liên hệ nào giữa chất độc da cam với vấn đề sức khỏe của các nạn nhân mà do nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nhờ điều luật năm 1991 được thông qua, Chính phủ Mỹ đã cấp các khoản bồi thường và chăm sóc y tế cho gần nửa triệu cựu chiến binh Mỹ đối với hàng chục loại bệnh ung thư và sinh con khuyết tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian phục vụ chiến tranh tại Việt Nam.

Đối với con của các cựu chiến binh, tật nứt đốt sống (spina bifida) được xác định là có liên quan đến việc cha mẹ từng bị phơi nhiễm các chất diệt cỏ. Đối với con của các cựu chiến binh nữ, có thêm 18 loại dị tật bẩm sinh và khuyết tật, bao gồm các bệnh như hở vòm miệng, tim bẩm sinh, chân dị tật bẩm sinh...

“Vậy di chứng này, di chứng chất độc da cam, bao gồm cả chất dioxin là một thực tế hiển nhiên!”, Tiến sĩ Charles Bailey nhấn mạnh. Thế nhưng, từ năm 2004 đến nay, tòa án các cấp của Mỹ đã liên tục bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất diệt cỏ có chứa dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam phải bồi thường thiệt hại.

Trước tình hình đó, tổ chức “Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam/dioxin” của Quỹ Ford đang đóng vai trò trung lập làm việc với cả hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ, nhằm tài trợ các dự án xây dựng lòng tin và tìm cách chủ lưu hóa vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Mỹ. Hiện tổ chức này đã sử dụng 2/3 trong tổng số tiền 17 triệu USD huy động từ đóng góp của Chính phủ Việt Nam, quỹ Bill and Melinda Gates, tổ chức Atlantic Philanthropies, Quỹ US fund for UNICEF và từ Quỹ Ford dành trực tiếp cho các dịch vụ chi phí mà các gia đình Việt Nam đang phải vật lộn, đương đầu khi có con em khuyết tật.

Đề nghị xây dựng Trung tâm hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc hóa học/dioxin miền Trung tại Đà Nẵng

Trong năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã dành ngân sách 782,238 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khám chữa bệnh, tổ chức phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; tư vấn sinh sản và tư vấn di truyền để hạn chế sinh ra những trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó là các hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam cải thiện đời sống tinh thần và vật chất; tẩy độc triệt để tại các vùng nóng như Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát; điều tra phát hiện điểm ô nhiễm mới; có các biện pháp phòng chống nhiễm độc dioxin cho nhân dân sống ở vùng ô nhiễm dioxin…

Cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Chính phủ Mỹ cũng cam kết dành 3 triệu USD giúp Việt Nam xử lý ô nhiễm trong sân bay Đà Nẵng và hỗ trợ người khuyết tật. Vào tháng 10-2008, đã trao nguồn tài trợ đầu tiên (1 triệu USD) cho 3 tổ chức phi chính phủ Mỹ thực hiện cung cấp dịch vụ xã hội cho người khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng, 2 triệu còn lại để khắc phục ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đang có kế hoạch công bố bổ sung 3 triệu USD của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên điều phối viên nhóm đối thoại Việt Nam, mối liên kết giữa phơi nhiễm dioxin và khuyết tật vẫn đang là vấn đề tranh cãi và vẫn phụ thuộc vào các sáng kiến tích cực từ Chính phủ Mỹ.

“Nguời dân và Chính phủ Việt Nam tin rằng, giải pháp cho vấn đề chất độc da cam/dioxin là vấn đề quan trọng và lâu dài để tìm kiếm cái có lợi trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng, cho gia đình và cộng đồng”, bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là tìm ra những biện pháp giải quyết sự ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới hệ sinh thái và con người, như áp dụng khoa học công nghệ nhằm làm sạch những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin, cô lập và tẩy độc môi trường đất, môi trường nước… bằng phương pháp chôn lấp cơ học kết hợp với phương pháp hóa sinh nhằm cân bằng môi trường sinh thái của khu vực bị nhiễm dioxin.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng chính thức đề nghị xây dựng Trung tâm hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc hóa học/dioxin miền Trung tại Đà Nẵng. Trung tâm này cần được đầu tư các trang thiết bị chẩn đoán sớm và can thiệp trong việc chữa trị, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe sinh sản, di truyền cho các nạn nhân.

Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát tình hình, thực trạng về nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, các khu vực bị tác động bởi chất độc da cam/dioxin trên địa bàn thành phố. Xây dựng các chương trình quan trắc, phân tích, kiểm soát ô nhiễm, xử lý và phục hồi môi trường ở vùng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin thông qua các chỉ tiêu môi trường rừng, đất, nước, trầm tích và đa dạng sinh học.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.