Trung tâm Hướng nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh hàng mây tre, văn phòng phẩm ở số 425 Hoàng Diệu-Đà Nẵng do anh Trần Viết Linh, khiếm thị làm Giám đốc đã tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có 52 trường hợp là người bình thường, khoẻ mạnh.
Ông Giám đốc khiếm thị Trần Viết Linh đang kiểm tra công đoạn cho đũa vào bao. |
Ban đầu anh đi học đàn tại Ban quân nhạc Quân khu 5, và bốn năm sau trở thành một tay chơi ghi-ta khá hay. Đến năm 21 tuổi, anh lại xin vào một cơ sở tư nhân, vừa học vừa làm nghề sản xuất đinh. Những ngày đầu, ông chủ trực tiếp hướng dẫn, mỗi khi ông cho nguyên liệu vào máy sẽ tạo nên tiếng “cạch”, anh Linh nghe tiếng “cạch” thì đẩy cần dập xuống, máy sẽ cho ra hai chiếc đinh. Đẩy cần dập thì nặng hơn, còn cho nguyên liệu vào lỗ thì mỏi lưng hơn. Một lần, ông chủ nói với Linh: Làm với người khác thì được thay đổi, còn làm với cậu phải ngồi miết thế này nên mỏi lưng quá. Thế là, anh Linh quyết làm được công đoạn cho nguyên liệu vào lỗ máy. Những lúc rảnh, anh tập cho nguyên liệu vào máy rồi đẩy cần dập cho ra sản phẩm, dần dà thành quen, làm rất nhanh, hơn cả người khỏe mạnh.
Từ năm 1983, anh Linh đăng ký vào Hội Người mù Quảng Nam-Đà Nẵng, tích cực tham gia các lớp học chữ Braille. Năm 1985, anh xin vào làm nhân viên của cơ sở sản xuất Văn phòng phẩm 34, nay là Trung tâm Hướng nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh hàng mây tre, văn phòng phẩm. Với tính thông minh, chịu khó tìm tòi học hỏi, anh được mọi người yêu mến, lãnh đạo trung tâm giao phụ trách nhiều việc và việc nào anh cũng hoàn thành tốt, có nhiều sáng tạo. Đến năm 2000, Trần Viết Linh được cấp trên giao làm Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh hàng mây tre, văn phòng phẩm kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù TP. Đà Nẵng. Hiện nay, trung tâm sản xuất-kinh doanh hơn 40 danh mục sản phẩm như bàn ghế, đũa, tăm, cây xiên cá, giấy bao vở, kẹp ba dây...
Từ ngày làm giám đốc, anh Linh xây dựng các mối quan hệ trong kinh doanh, đầu tư mua sắm các thiết bị tự động, mở rộng quy mô sản xuất, đến nay trung tâm đã có 2 cơ sở sản xuất. Nghe qua tiếng máy nổ, anh có thể biết được năng lực của người sử dụng máy. Anh nói: Mình phải tường tận, am hiểu mới có thể chỉ đạo, kiểm tra được mọi hoạt động, bảo đảm được chất lượng sản phẩm và uy tín đối với khách hàng.
Anh Linh khá tường tận thị trường gần xa, tạo được các đầu mối tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước. Từ năm 2005-2007, riêng thị trường Đài Loan, mỗi tháng trung tâm xuất khẩu được 3 container đũa tre xuất khẩu, đạt doanh thu gần nửa tỷ đồng. Hiện nay, trung tâm chuyển hướng sản xuất tăm quế và cây xiên cá, mực các loại, mở rộng thị trường, nhờ đó trong lúc công nhân nhiều nơi bị thất nghiệp thì gần 100 lao động của trung tâm vẫn có việc làm ổn định.
Anh Linh còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho người khiếm thị như mát-xa, làm chổi đót, nuôi thỏ..., thu hút gần 500 lượt người tham gia. Bây giờ, nhiều học viên đã trở thành người chủ sản xuất kinh doanh, kỹ thuật viên mát-xa giỏi, làm ăn khá giả và họ luôn nhắc đến anh với niềm biết ơn sâu sắc.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM