Hiếm có lần tăng giá điện nào lại ít gây tranh cãi như lần tăng giá đầu tháng 3 vừa qua. Không phải vì không có điều còn cần tranh cãi mà vì lần này việc tăng giá được đi kèm với lời hứa đây là bước đầu tiên để tiến tới thị trường hóa giá điện trong vài năm tới, tức là người dùng chấp nhận giá điện tăng giảm theo giá thị trường chứ không phải giá độc quyền như hiện nay.
Nguyên nhân của tình trạng cơm chưa lành, canh chưa ngọt giữa nhà cung cấp và người dùng điện (cả trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt) đều chưa tin phía đối tác vì mình. Lý do cả hai bên đưa ra đều có cái lý của nó, trong đó không bên nào phủ nhận lãng phí điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu đẩy giá điện lên cao.
Về phía người dùng, có thể nói trong tình trạng chung lãng phí nghiêm trọng hiện nay ở nước ta, lãng phí điện (nói rộng ra là năng lượng) là rất lớn, làm thiệt hại cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng. Người tiêu dùng điện ở Việt Nam đa số chưa có khái niệm về giờ cao điểm và thấp điểm, chưa có thói quen tắt thiết bị điện khi không còn dùng, chưa tự đòi hỏi mình hạn chế dùng điện vì môi trường, chưa chủ động nghĩ đến dùng nguồn năng lượng sạch khác như sức gió, sức nóng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt, khí sinh học… thay thế điện.
Rất ít nhà sản xuất và người tiêu dùng hiện nay ưu tiên hàng đầu cho việc sản xuất, mua sắm là lựa chọn các thiết bị tiêu thụ ít điện năng. Phần đông người dùng điện cũng chưa có ý thức về việc ăn cắp điện, sử dụng điện vào các việc như đánh cá, bẫy chuột, chống trộm bằng dây điện trần là tội ác, nên tình trạng tai nạn điện và chống tổn thất điện còn là vấn đề nan giải, nhất là ở nông thôn. Tiêu thụ điện không cân nhắc, dửng dưng trước tình trạng lãng phí điện đang diễn ra chung quanh, khoán trắng việc tiết kiệm điện cho nhà phân phối đã làm lãng phí hàng triệu kWh điện, thứ năng lượng quý giá và ngày càng khan hiếm.
Cùng với tình trạng lãng phí hiển nhiên từ người tiêu dùng, xã hội cũng chưa thật yên tâm về những lý do nhà sản xuất và phân phối điện đưa ra mỗi lần tăng giá. Nói rằng giá điện còn thấp hơn các nước trong khu vực nhưng nếu tính theo tỷ lệ thu nhập và chi phí cho điện thì ở nước ta, người dùng điện đã phải trả giá điện cao hơn người dân các nước khác hàng chục lần. Nếu nói không tăng giá điện thì không có tiền đầu tư xây dựng công trình điện thì vài chục năm nay, công trình điện càng nhiều, giá điện càng tăng chứ chưa bao giờ rẻ đi nhờ đầu tư.
Quan trọng hơn trong việc củng cố sự tin cậy lẫn nhau là cho đến nay tình trạng độc quyền doanh nghiệp, thiếu công khai, minh bạch trong sử dụng đồng vốn, trong phân phối lợi nhuận, trong thất thoát tài sản, trong chi tiêu không hợp lý… vẫn tồn tại khá phổ biến. Khi người dân được biết đồng tiền của mình đã được dùng như thế nào, họ sẽ biết nên bỏ hay không và bỏ tiền vào đâu.
Cũng có một nguyên nhân dẫn đến căng thẳng về điện là do tăng trưởng nhanh, nhu cầu về điện đang vượt quá khả năng cung cấp của ngành trong khi các nguồn năng lượng khác đang bị bỏ phí không thương tiếc. Một nước nắng quanh năm nhưng việc sử dụng năng lượng mặt trời mới trong giai đoạn thí điểm. Một nước hơn 3.200 km bờ biển nhưng chưa đâu có điện thủy triều. Một nước khoan đâu là có nước nóng ở đấy nhưng chưa có nhà máy địa nhiệt.
Một nước có vô số chất thải nông nghiệp và chất thải động vật nhưng hầu như chưa có nền công nghệ khí sinh học. Và khi nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị; khi xây dựng nhà ở, công xưởng, các công trình công cộng, quy hoạch các thành phố, vấn đề tiết kiệm năng lượng còn phải xếp hàng rất xa ở phía sau. Với tình trạng lãng phí như thế, giá điện rẻ mới là lạ.
Vũ Duy Thông