.

Mái ấm của người khuyết tật

.

Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng) nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, hiện nuôi gần 50 thanh-thiếu niên khuyết tật. Không chỉ là nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh, trung tâm này còn dày công giúp người khuyết tật tìm kiếm phương kế mưu sinh.

Tại lớp dạy nghề may ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện.

Các cháu quê ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, mắc nhiều chứng bệnh khác nhau như câm điếc, bại liệt, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ... Trung tâm nhận các cháu vào là để nuôi dưỡng, cho học chữ và học nghề, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Tất cả các dạng câm điếc đều được học chữ, học nghề, do các cháu này hoàn toàn khỏe mạnh.

Đối với các dạng khác thì tùy theo mức độ khuyết tật của từng cháu, trung tâm bố trí đào tạo nghề phù hợp. Nặng như cháu Phạm Ngọc Linh ở phường Hòa Quý, Mã Thành Thắng ở xã Hòa Phong thì được bố trí kết cườm trên liễn. Hai cháu này vào đây đã khá lâu nhưng không học chữ được, cũng không làm được các nghề khác. Kết cườm là việc đơn giản, nếu lỡ làm sai thì tháo ra kết lại, không gây hư hỏng sản phẩm.

Cháu Nguyễn Lệ Phương (ở Hòa Thọ Đông), bị thiểu năng trí tuệ, gia đình đã đưa đi chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi, lúc còn ở nhà bị bệnh tự kỷ, sợ tiếp xúc với người khác nên thường xuyên trốn vào ngồi trong xó tối. Vào trung tâm, Phương được các thầy cô ân cần chăm sóc, bệnh tự kỷ đã đỡ hẳn nhưng khả năng tiếp thu vẫn rất kém nên cũng được bố trí công việc kết cườm. Những trường hợp khuyết tật nhưng mắt và chân tay vẫn bình thường thì được học nghề may, còn những cháu bị khuyết tật về chân mà đôi tay vẫn khỏe mạnh thì trung tâm bố trí học nghề thêu thủ công...

Các cháu được nuôi dạy miễn phí trong độ tuổi từ 15-25. Nhiều trường hợp đã quá tuổi, nhưng chưa có khả năng tự lao động kiếm sống thì trung tâm vẫn tiếp tục nuôi. Giám đốc trung tâm Lê Tấn Hồng cho biết, mục đích của trung tâm là tạo cho các cháu có được cái nghề để sau này có thể tìm được việc làm nuôi bản thân, hơn nữa lao động hợp lý chính là một phương thuốc chữa bệnh rất tốt.

Hiện tại, trong 14 cháu đang học may tại đây, có 4 cháu đã làm ra được sản phẩm. Cháu Huỳnh Thị Trang khoe là đã tự may được quần áo cho mình và đang cố gắng nâng cao tay nghề để sau này có thể mở một quán may kiếm sống. Còn hai cháu Huỳnh Văn Thông và Nguyễn Văn Hùng bị khiếm thính thì miệt mài với việc in thủ công, từ khâu xử lý hóa chất, đến công đoạn chụp bản in và thi công, cả hai đều làm thành thạo.

Tối đến, các cháu lại tập trung học văn hóa ngay tại trung tâm, do sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố đến dạy tự nguyện. Có những cháu tiếp thu được, nhưng không ít trường hợp học cả năm rồi mà chưa thuộc hết bảng chữ cái. Mặc dầu vậy, cán bộ, nhân viên nơi đây luôn ân cần động viên các cháu, khéo léo vỗ về khích lệ đối với từng cháu.

Kinh phí hoạt động của trung tâm do sự ủng hộ của các tấm lòng nhân ái gần xa, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua Hội Chữ thập đỏ thành phố. Hầu hết các cháu đều ăn ở nội trú (chỉ có 7 cháu nhà gần được gia đình sớm đưa chiều đón). Cán bộ, nhân viên ít, lãnh đạo trung tâm phải xây dựng thêm đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ cho các hoạt động.

Trong đó, có những người tự nguyện nhận cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho các cháu học nghề và thực tập. Tâm sự với chúng tôi, nhiều cháu kể rằng, hồi còn ở nhà rất tự ti, buồn chán, nhưng từ khi vào trung tâm, được sự thương yêu đùm bọc của các thầy, cô giáo cùng với sự san sẻ, đồng cảm của các bạn cùng cảnh ngộ, đã cảm thấy phấn khởi, không còn mặc cảm nữa.

Nhiều cháu rất nỗ lực phấn đấu trong học chữ, học nghề để lo liệu cho cuộc sống tương lai. Cháu Trần Thị Hoa Măng ở phường Hòa Hải nói: Sau hai năm vào đây, cháu đã học được nghề thêu và đã có một số sản phẩm được mọi người khen đẹp, có bức tranh bán được hơn 300 ngàn đồng....

 

Những người khuyết tật mà có khả năng học nghề, độ tuổi từ 15-25 là nhóm đối tượng mà Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện ưu tiên tiếp nhận. Vào đây, các cháu  được nuôi miễn phí, được học chữ, học nghề và được hưởng 50% khoản tiền lãi của sản phẩm do quá trình học nghề tạo ra.

 

Bài và ảnh: VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.