Từ 3 giờ sáng, khi phần giữa của cầu Sông Hàn đã quay một góc 90 độ so với thân cầu còn lại, hàng trăm chiếc xe máy từ tả ngạn sông Hàn ùn ùn qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhắm hướng cảng cá Thọ Quang trực chỉ. Cuộc mưu sinh nghiệt ngã đã định ra một luật bất thành văn về giờ giấc, ai cũng phải lo tuân thủ, bất kể thời tiết nào.
Đi trễ, sẽ không bao giờ mua được hải sản tươi với giá rẻ. |
Có tiền, đi trễ cũng về không!
Anh này tên Thành, quê ở xóm chài ven biển Kiên Giang, ra Đà Nẵng ở với người cô gần cầu Phú Lộc, quận Thanh Khê. Làm nghề thợ sắt được ít lâu thì bỏ, anh lân la hỏi thăm các chủ tàu giã để xin làm nghề cũ như hồi ở quê. Từ khi có được mối quan hệ rộng, anh bỏ biển lên bờ, 7 năm nay làm “tài xế” cho vợ, nửa đêm đã lục đục dậy sửa soạn xe cộ: “Qua Thọ Quang phải đi sớm hơn, chứ không còn đủng đỉnh như hồi cảng cá còn ở Thuận Phước”.
3 giờ sáng, hàng trăm chiếc xe máy đã ken đầy bãi giữ xe trước cổng cảng cá. Dọc bên đường vào cảng, xe thồ đậu san sát vào nhau, có người úp mặt lên ghi-đông tranh thủ chợp mắt. Nếu không có tiếng người ơi ới, tiếng xe máy, xe tải các loại ầm ào thì quang cảnh cảng cá lúc đó như một buổi họp chợ... âm phủ. Không biết cơ man nào là người, lố nhố trải dài trên các cầu tàu, một nửa chìm khuất trong bóng đêm, một nửa hiện ra mờ mờ tỏ tỏ trong ánh sáng vàng vọt của mấy chiếc đèn cao áp. Sản vật của biển khơi đổ tràn lên sàn bê-tông được lót sơ sài bằng các loại bạt, từ các những chú cá bé tẹo bằng 2 ngón tay cho đến những con cá hai người khiêng lặc lừ.
Ôm rổ rá, đẩy xe ba gác, gánh thùng xốp, khiêng giỏ cần xé..., mọi người đổ đến các địa điểm quen thuộc hằng đêm, nhận hàng. Nơi này túm tụm một nhóm hơn chục người chia nhau mẻ cá ngừ vừa được đưa lên sàn cầu cảng. Chỗ kia, một nhóm khác lựa tôm riêng rẻ thành từng loại để định giá. Không gian nửa đêm về sáng như sôi lên. Không hẳn phụ nữ mới gắn cuộc mưu sinh vào cảng cá, có không ít đàn ông xem việc nửa đêm xách xe chạy qua Thọ Quang là cái “tất yếu cho cuộc sống” của mình.
Thành là một trong số đó. Uống chưa hết, anh đã đứng lên đậy ly cà-phê bằng gói thuốc Con Ngựa rồi vội chạy đi giúp vợ. Mùa mưa năm rồi, vợ anh bị cảm nặng, anh thay vợ trực tiếp qua cảng cá mua hàng nên biết được cái vất vả của những người phụ nữ chạy chợ hằng đêm. Để kịp sáng ra giao cho các nhà hàng, vợ anh phải rảo khắp cảng, từ 2 giờ đến 7 giờ sáng, lựa mua khoảng 4 triệu đồng tiền mực, tôm, ghẹ loại tốt nhất. Một người đàn ông ngồi lựa ghẹ bên hiên quán cà-phê, chợt ngẩng lên nối tiếp câu chuyện dở dang của Thành: “Thời buổi chừ làm ăn khó lắm, mình mà lỡ giao hàng không đúng chất lượng là lần sau người ta hê mình ra ngay. Muốn mua được hàng tốt, ngon, phải đi sớm. Trễ, người ta dớt hết!”.
Chợ đông, dân không lo đói
Không ít người bán lẻ hải sản ngay tại cảng cá vào lúc 3 giờ sáng! |
Do nhu cầu, chung quanh cảng cá đã tự phát hình thành một “mạng lưới” phân phối đưa lượng hải sản đáng kể này đến với người tiêu dùng khắp thành phố. Họ luôn có mặt, bất kể thời tiết nào, ngày lại ngày đều như máy. Chân đi ủng, nhưng tay thì không bao giờ mang găng, vướng víu rất khó thao tác. Vì thế, tay phụ nữ làm nghề cá bao giờ cũng chai sần - dấu tích do bưng rổ, hoặc bị vi cá, đầu tôm đâm xóc.
Những người buôn sỉ thì giao hàng cho các bạn hàng xong, chậm nhất đến 9 giờ sáng là có thể thu xếp việc nhà rồi ngả lưng một chút. Còn những người ít vốn như chị Hồng ở chợ Đầu mối Hòa Cường, lấy cái sự “buôn tận gốc, bán tận ngọn” làm lời thì có khi mãi đến chiều vẫn chưa bán xong hàng, loay hoay một chút lại lo chuẩn bị cho chuyến ra cảng rạng sáng hôm sau. Chị Nhơn ở phường Thọ Quang, chồng chết, một mình nuôi 4 đứa con bằng nghề bán hải sản bên đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Ăn cá, ngủ cá, riết rồi quen, cái việc nửa đêm nửa hôm lọ mọ dậy đã trở thành nhịp sống thường ngày của các chị.
Càng về sáng, cảng cá càng thưa người dần. Những chiếc xe máy đã “ăn” no hàng, lách đám đông đi về. Những tay buôn kỳ cựu có thể nhìn vào lượng hải sản về cảng, nghe dự báo thời tiết, ngóng thông tin về các sự kiện của thành phố... để dự đoán giá hải sản từng loại trồi sụt trong ngày, trong tuần. Giọng đầy lạc quan, anh Thành ví những buổi chạy hàng ở cảng cá như những buổi lên sàn chứng khoán: “Nếu không có kinh nghiệm, không có óc phán đoán thì chỉ vài phiên chợ là hết vốn”. Chị Mai Hương nhận hàng xong, ghé lại quán cà-phê, nghe thế, phụ họa: “Hàng về nhiều thì bao giờ cũng rớt giá, mình phải quyết định ngay mua giá bao nhiêu là có lời. Nghề này là nghề có giờ, chậm là đổ sông đổ biển”.
Đúng là “nghề có giờ”, quán chưa làm xong ly cà-phê sữa đá thì chị Hương đã nghe còi xe inh ỏi gọi mình. Cầm túi ni-lông cà-phê trên tay, chị chào mọi người rồi chạy vội ra phía cổng, nơi hửng ánh bình minh. Thành cũng sửa soạn đi về, “giờ thì không phải đi vòng xuống cầu Nguyễn Văn Trỗi, khỏi mất thời giờ và đỡ tốn xăng”.
Dời qua Thọ Quang, cảng cá đông gần gấp đôi so hồi ở Thuận Phước, vì gộp 2 cảng cá vô một. Tàu cá vô nhiều thì chợ đông, người dân không sợ đói, đừng nói chi mấy ngư dân, xe thồ tụi tui cũng kiếm được cái sống qua ngày - một anh chạy xe thồ tên Ngọc ở Thanh Khê góp giọng. Ai cũng mong cây cầu Thuận Phước sớm hoàn thành để đỡ chạy xe xa. Theo cách nói của Thành, nếu giảm được chi phí vận chuyển thì những buổi “lên sàn” mỗi rạng sáng ở cảng cá sẽ hứa hẹn “xanh sàn” nhiều hơn. Vừa rồi, nghe ti-vi nói nghề hải sản đang gặp khó khăn, thêm giá xăng tăng hai lần liên tiếp lên 12 nghìn đồng/lít, ai cũng đâm lo...
Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ