.

Nghe lời đồn thổi, người dân đổ xô đi lấy “nước thánh” chữa bệnh

.

(ĐNĐT) - Nghe lời đồn thổi, thêu dệt nước giếng ở miếu ông Hảo, thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hoà Vang, thanh phố Đà Nẵng có thể chữa được bá bệnh, một tuần trở lại đây, người dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng ùn ùn đổ về nơi đây để tổ chức cúng vái, lấy “nước thánh” về chữa bệnh.

Vùng quê nghèo vốn dĩ xưa nay yên tĩnh bỗng nhộn nhịp, náo động hẳn lên khi hằng ngày có hơn 1.000 lượt người từ khắp nơi đổi về. Lo ngại hơn, đã xuất hiện các băng nhóm giang hồ về đây đòi bảo kê, thu tiền người dân đến lấy “nước thánh”.

Mới 7 giờ sáng ngày 11-4, khu vực miếu ông Hảo đã có đến hàng trăm người mang theo hương, đèn, trái cây, can nhựa lớn nhỏ tụ tập cúng vái, chờ xin “nước thánh” về chữa bệnh. Con đường đất dọc theo triền núi dẫn vào miếu đầy bụi mù, do người dân chạy xe gắn máy đến đây để lấy nước mỗi lúc một đông hơn.

Đi theo… tin đồn nhảm

Vừa dựng chiếc xe máy ở phía sân miếu, bà Trương Thị Gái (57 tuổi), trú thị trấn Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) cho biết: “Nghe nói trong Đà Nẵng có giếng “nước thánh” chữa bá bệnh, hằng ngày bà con tụ tập ở đây lấy nước đông lắm, nên từ 5 giờ sáng, tôi bảo thằng con trai mang theo hai chiếc can nhựa vô đây lấy nước về uống chữa bệnh thấp khớp và nhức đầu”.

Chen chúc, tranh giành nhau để lấy “nước thánh”.

Sau thủ tục chưng bày hoa quả, thắp nhang cầu khẩn thánh thần để xin “nước thánh”, bà Gái liền chạy một mạch đến chỗ giếng nước ở dưói gốc cây sanh, nằm ngay mép sông Cu Đê, nơi có hơn chục người tụ tập chờ lấy nước giếng. Trong lúc chen lấn chờ đợi, họ luôn miệng khấn vái “Lạy ông cho nước sôi lên đi”. Lát sau, thấy mặt nước nổi lên bọt khí, người ta ồ lên rằng: “Nước sôi rồi. Ông cho nước rồi”.

Cứ thế, họ hì hụi chen lấy, tranh giành nhau múc nước trong giếng. Một số người còn tranh thủ uống cho no bụng sau khi “nước thánh” vừa được múc lên. Và cứ vậy, mỗi lần thấy nước giếng nổi bọt khí lên trên thì người ta lại la lên rằng: “Linh hiển rồi” và tranh nhau múc nước.

Ngồi chờ lấy nước ở ngoài sân miếu, bà Mai Thị Trí (70 tuổi), trú thôn Trường Định,khoe về công dụng của “nước thánh”: “Cô bị nhiều bệnh lắm, nào là đau đầu, nhức mỏi, đau lưng… ăn ngủ không được. Vậy mà mới uống “nước thánh” được hơn 10 ngày ni, người khỏe hẳn ra, ăn uống được lắm. Thấy vậy, hôm nay cô đến xin “nước thánh” về uống tiếp”.

Theo bà Trí, thoạt đầu, không ai biết ở đây có “giếng nước thánh”, nhưng sau khi hay tin có một người đàn ông ở xã Hòa Liên bị bệnh quai bị, sau khi uống “nước thánh” đã tự hết bệnh. Tiếng lành đồn xa, người dân tứ xứ biết mới đổ xô về đây lấy “nước thánh” chữa bệnh. Khi chúng tôi hỏi tên tuổi, địa chỉ của người đàn ông đó, thì bà ấp úng và bảo... “chỉ nghe họ nói vậy”.

Ngồi bên cạnh, bà Hoa, cũng ở thôn Trường Định, tiếp lời: “Mấy chú không biết đó chứ, mới đây, con Tâm cũng ở Hòa Liên bị bệnh ung thư phổi ho ra máu, chạy chữa đủ chỗ không hết. Sau khi đến miếu ông Hảo cầu khấn, tối về nằm mơ thấy bà tiên nói ngày mai đến lấy “nước thánh” ở giếng nước miếu ông Hảo về uống sẽ hết bệnh. Con Tâm uống “nước thánh” ba lần đã hết bệnh và đi làm lại bình thường”.

Cũng giống như bà Trí, khi hỏi địa chỉ của bà Tâm nhờ uống “nước thánh” khỏi bệnh, thì bà Hoa cũng chỉ biết lắc đầu trả lời: “Nghe người dân trong xã họ nói rứa”.

Không chỉ đi bằng xe máy để đến lấy “nước thánh”, nhiều người dân ở các địa phương khác của thành phố Đà Nẵng còn thuê thuyền để chất đầy can nhựa loại 5 - 10 lít chạy từ phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) lên miếu ông Hảo để chở “nước thánh”. Ông Lê Hồng Cưu, một chủ thuyền ở phường Hòa Hiệp Nam cho biết, mỗi ngày người ta thuê ông chở từ 4-5 chuyến lên miếu ông Hảo để lấy “nước thánh”. Giá mỗi chuyến đi như vậy là 300 nghìn đồng.

Sau khi chầu chực hơn một tiếng đồng hồ, hai mẹ con bà Trương Thị Gái, trú thị trấn Cầu Hai, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế mới lấy được hai can nhựa “nước thánh” để về chữa bệnh.

11 giờ trưa, trời nắng đổ lửa, người dân từ khắp nơi vẫn ùn ùn đổ về nơi đây để lấy “nước thánh”. Người phụ nữ bán nhang đèn, can nhựa ở miếu ông Hảo khoe: “Mấy hôm nay, người ta đổ xô về đây lấy “nước thánh” đông như đi hội. Mỗi ngày tôi bán được hơn 100 bó nhang”. 

Nước giếng này cũng giống như bao nước giếng khác

Điều đáng nói là trong khi chưa rõ thực hư của "nước thánh", nhưng thấy người dân ùn ùn đổ về miếu ông Hảo lấy “nước thánh” ngày một nhiều, bọn đầu gấu ở các địa phương khác đã trà trộn về đây để đòi lập chốt, bảo kê, thu tiền của người dân.

Ông Nguyễn Tấn Lập, công an viên xã Hòa Liên kể: Chiều ngày 10-4, Lê Quang (26 tuổi), trú phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) cùng 8 đối tượng khác cầm theo mã tấu, dao rựa… đến khu vực này thị uy, đòi lập chốt thu tiền người dân đến lấy “nước thánh”. Xô xát, đánh nhau đã xảy ra giữa bọn chúng với người dân địa phương.

Ông Võ Văn Thành, trưởng thôn Trường Định xác nhận, trong khoảng một tuần trở lại đây, tại miếu ông Hảo có xảy ra hiện tượng người dân khắp nơi đổ xô về đây cúng vái để lấy “nước thánh” về chữa bệnh. Tuy nhiên, việc cúng vái chỉ diễn ra bình thường, không có biểu hiện mê tín dị đoan, nên địa phương không xử lý được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết thêm: “Hằng ngày người dân tụ tập đông đúc để lấy nước giếng, nhưng không hoạt động kiểu đồng bóng, mê tín dị đoan. Trước tình trạng trên, chúng tôi chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát để giữ gìn an ninh trật tự mà thôi. Đồng thời, sắp đến chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan y tế về kiểm tra mẫu nước, công bố cho người dân biết”.

Chúng tôi đã tiếp xúc với những người dân cao niên ở thôn Trường Định để tìm hiểu về giếng nước này. Theo ông Nguyễn Văn Thừa (79 tuổi), người dân thôn Trường Định, lúc ông 5 tuổi đã thấy trong thôn có miếu ông Hảo và giếng nước nói trên. Song từ xưa đến nay, ông chưa hề nghe ai nói về chuyện nước giếng này có thể chữa được bệnh tật.

Còn bà Trương Thị Lê (61 tuổi), nhà ngay cạnh miếu ông Hảo, cho biết, 11 năm nay, bà dùng nước giếng này để uống và thấy nguồn nước nơi đây cũng giống như bao nguồn nước ở giếng khác trong thôn. Có điều hay là, nước sông Cu Đê thì bị lợ (nhiễm mặn), nhưng giếng nằm ngay mép sông mà nước vẫn ngọt. Gia đình bà sử dụng lâu nay thấy vẫn bình thường. Không biết sao, một tuần nay, người dân từ các nơi đổ về lấy nước, tụ tập từ sáng sớm đến khuya, họ nói là lấy nước về chữa bệnh.


Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.