Để sống trong xã hội ồn ào thời hiện đại, đối với người bình thường đã khó, người mù lại càng khó bội phần. Họ phải bước đi mà không biết trước mắt mình có những gì. Họ phải giao tiếp mà không nhìn thấy người trước mặt để xác định người đó tốt hay xấu. Họ cũng không biết cuộc sống xung quanh đang diễn ra như thế nào, nhưng họ phải sống chứ không phải chỉ tồn tại. Bằng cách này hay cách khác, họ tự tìm công việc thích hợp để lao động, để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn...
Ăn sáng… sợ quen miệng
Vác bó chổi trên vai, anh Đức đi từ ngõ này qua ngõ nọ để bán. |
Trò chuyện hồi lâu, anh tâm sự, lên 7 tuổi thì bị mù do sốt thương hàn nặng. Mọi niềm tin về cuộc sống bị vùi dập từ đó. Tuy nhiên, vì gia đình nên anh đã cố sống và chấp nhận số phận đã dành cho mình. Năm 26 tuổi, anh Đức lập gia đình với người cùng cảnh trong thôn. Vượt qua nỗi bất hạnh, hai vợ chồng nương tựa vào nhau sống qua ngày. Hạnh phúc ngập tràn khi hai đứa con sinh ra đều khỏe mạnh. Không đủ sức để cày sâu cuốc bẫm, anh bôn ba ra Đà Nẵng làm nghề bán vé số; mỗi ngày kiếm được 5, 10 nghìn đồng về phụ vợ nuôi con.
Tuy nhiên, vì mù lòa nên đã nhiều lần anh bị kẻ xấu lừa đổi lấy vé mới thành vé cũ và cũng nhiều lần phải đền tiền vì vé số thừa không kịp trả. Những lúc như thế, gia đình anh đã khó lại càng khó khăn hơn. Nhu cầu cuộc sống ngày một cao, những tấm vé số không nuôi nổi gia đình, anh đã chuyển qua nghề bán chổi đót. Không một đồng vốn lận lưng, Hội Người mù huyện Điện Bàn đã tạo điều kiện giúp đỡ anh trong việc tìm kiếm mối lấy chổi.
Gần 1 tháng nay, anh đi bán chổi khắp địa bàn thành phố Đà Nẵng. Những ngày đầu mới đi, anh chỉ bán được 5 đến 6 cây, lời khoảng 10 đến 12 nghìn đồng. Anh tâm sự, để tiết kiệm tiền, tôi chưa bao giờ ăn sáng. Cũng có nhiều người thương tình mời ăn sáng nhưng tôi nhất quyết từ chối vì sợ quen bụng. Hôm nay có người mời nhưng hôm sau không có thì đói, lấy tiền đâu mà ăn…!
Chị Lê Thị Sáu (38 tuổi), trú tại huyện Điện Bàn cũng bị mù lòa bất hạnh. Chị bôn ba đủ nghề nhưng cuộc sống của người mù không đơn giản nên chị xin đi bán chổi. Là phụ nữ, sức khỏe yếu nên bó chổi chị vác đi bán chỉ vỏn vẹn vài cây. Đồng tiền lời theo đó cũng chẳng được bao nhiêu. Dù vậy, chị vẫn cố gắng vì như chị nói, góp gió ắt thành bão, mình vẫn có thể lao động được thì ráng làm để đỡ phần phụ thuộc vào gia đình. Đi nhiều nhưng ăn uống không được bao nhiêu nên thân hình chị khá tiều tụy.
Chị cũng như anh Đức, không dám ăn sáng kể cả khi người có lòng hảo tâm mời. Chị bảo, những người mù lòa, nghèo nàn như chúng tôi kiếm được đồng tiền thật khó khăn. Bởi vậy, trừ những cái cần thiết phải mua sắm, còn cái nào tiết kiệm được thì chúng tôi cố tiết kiệm…
Chịu khó thôi…chưa đủ
Đối với người mù lòa, chỉ riêng việc sinh hoạt, đi lại đã rất vất vả chứ chưa nói đến chuyện lao động. Nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ phải nhọc nhằn bươn chải kiếm sống. Tuy nhiên, không phải cứ chịu khó bươn chải là họ có thể kiếm được đồng tiền. Trong xã hội, không ít người không tin vào khả năng lao động của những người tật nguyền.
Vì vậy, để có được một cọc vé số hay bó chổi đem đi bán, những người mù phải chạy vạy, nhờ vả đủ điều, thậm chí phải đặt cược bằng cả ngôi nhà của mình. Anh Lê Văn Đức tâm sự: Khổ lắm chú ơi! Ngày trước đi bán vé số cũng cay lắm. Để cầm được một xấp vé số khoảng 50 tờ, bọn tui phải đi làm cả tháng mới đặt cọc được. Chẳng lời lãi bao nhiêu mà còn vất vả. Xin đi bán chổi cũng chẳng đơn giản chút nào. Dù đã được Hội Người mù tìm mối lấy dùm nhưng tui phải cầm, thế chấp hộ khẩu, sổ đỏ để được lấy chổi đi bán. Ước gì mình có vốn, hoặc ai giúp cho mình một đồng vốn thì hay.
Số vốn mà những người mù như anh Đức cần chỉ tầm khoảng vài trăm nghìn nhưng đối với họ, số tiền ấy là quá lớn. Anh Đức kể, sau khi nhận hàng, buổi sáng đón xe ra Đà Nẵng đi bán, tối lại đón xe về. Rất may là các chủ xe thương cảnh mù lòa nên thường cho đi nhờ, nếu không cũng chẳng đủ tiền trả tiền xe. Bán được cây chổi chỉ lời 2 nghìn đồng, chỉ đủ mua gạo chứ đâu có mà dành dụm
làm vốn.
Tìm hiểu tại các chủ đại lý phân phối chổi hay vé số được biết, mỗi người phải có tiền để lấy số hàng mình cần. Nếu đã quen thì có thể đặt cọc một phần số tiền hàng hoặc thế chấp những tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, ban đầu, để xin lấy hàng cũng không đơn giản, vì người ta rất ngại người tật nguyền, người lạ. Bà Trần Thị Uyển, trú xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế suốt mấy năm nay lọ mọ đi khắp các con đường, vào khắp các quán cà phê mong bán được tấm vé số. Bà cho biết, ban đầu xin bán vé số, đến đại lý nào cũng lắc đầu vì họ chê mệ già và mù. Nài nỉ mãi mới có một đại lý thương tình cho bán. Nhưng những tấm vé số bán được, tiền lời không đủ ăn cơm chứ chưa nói đến thuốc thang lúc ốm đau.
Những người mù lòa không ngại vất vả, có thừa sự chịu khó. Chị Sáu nói, khổ mấy cũng chịu được, tôi chỉ ước mình có chút vốn nhỏ mà thôi… Ước mong của chị Sáu, anh Đức… cũng chính là ước mong của bao người tật nguyền khác. Số phận đã không cho họ làm một con người lành lặn nhưng với ý chí của mình, họ vẫn sống và lao động. Dù trước mắt là một khoảng không gian đen tối nhưng những người mù lòa vẫn cố gắng bươn chải để kiếm sống vì tương lai sáng đẹp của gia đình, con cái…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ