.

Người sửa xe bằng một tay sẽ đi xuyên Việt

.

30 năm nay, người đàn ông gần 60 tuổi bị mất một bàn tay lặng lẽ vá xe bên vỉa hè đường Trưng Nữ Vương, nuôi 4 người con ăn học và ấp ủ một ước mơ khá mạo hiểm: chạy xuyên Việt Nam bằng con “chiến mã” do mình tự “độ”.

Đó là ông Hoàng Minh Trí, ở nhà số 346 Trưng Nữ Vương,Đà Nẵng.

Ước mơ xuyên Việt

Với bàn tay sắt tự chế,  ông Trí dự định đi xuyên Việt trên chiếc Chaly do ông tự “độ”.

Chiếc Chaly mà ba đứa con thay nhau chạy trong 10 năm đã trở thành cục sắt đứng im. Ông lôi ra “độ” lại, thêm đèn trước và hộp đựng đồ ở yên sau như kiểu xe phân khối lớn, rồi sơn phết đôi chút. Hơn một năm nay, ông tiết kiệm tiền, chờ đủ 20 triệu đồng là sẽ lên đường xuyên Việt. “Chắt bóp miết mà cũng không được bao nhiêu. Nhưng ý tui đã quyết, nhất định sẽ thực hiện dù có khó khăn. Tui còn tính ra Hà Nội tham dự chương trình “Ai là triệu phú?” của anh Lại Văn Sâm để tìm cơ hội kiếm tiền”.
 
Theo ông, 30 năm ngồi sửa xe bên góc đường là “chỉ nhìn đất nước ở quanh quẩn chỗ mình ở”, nên ông muốn làm một chuyến Nam – Bắc thăm thú đất nước cho thỏa con mắt, và chứng tỏ rằng người chỉ có một tay cũng có thể làm được việc gì đó để đời. Vì chỉ còn tay trái lành lặn, nên việc điều khiển tay lái bên phải hoàn toàn dựa vào bàn tay sắt do ông tự chế, với đầy đủ các ngón linh hoạt.
 
Ông tính toán sẽ đi giáp vòng đất nước trong vòng một tháng. Như vậy, mỗi ngày sẽ đi khoảng 200km trong 5-6 tiếng đồng hồ. Cách kiếm tiền dọc hành trình mà ông đưa ra khá ngộ: khi nào túi hết tiền thì xin làm việc vài ngày ở một tiệm sửa xe dọc đường để kiếm tiền đi tiếp. Con ngựa sắt nếu có trở chứng cũng sẽ không làm khó được ông, vì “Tui là thợ sửa xe. Tui hiểu nó và biết cách trị nó” - ông nói. 

Một tay nuôi con

Bắt đầu sửa xe chỉ với một tay cách đây 30 năm, ông đã nuôi dạy 3 người con nay là thạc sĩ, kỹ sư, giáo viên và cô con út đang là học sinh cấp 3. Ông kể: “Ban đầu, tui dùng miệng và chân để vá xe. Hết thảy các bộ phận cơ thể đều được tui “phân công” nhiệm vụ thích hợp. Lúc đó cái đầu phải làm việc gấp 3 lần người bình thường để tìm thế, cách ngồi làm thuận tiện nhất”.

Dần dà, những ánh mắt nghi ngại bớt đi, hiện nay hơn phân nửa khách hàng đến với tiệm ông là khách quen, gắn bó với ông từ khi họ còn đi xe đạp cọc cạch vài chục năm trước. Đến với ông, khách hàng phải nhất nhất nghe ông tư vấn, sửa chỉnh, ông mới chịu. “Tui dốc hết sức và tay nghề bảo đảm cho xe chạy an toàn, chắc chắn. Khách hàng chỉ cần nói bệnh, còn để tui chữa”. Ông tự nhận mình là người khó tính, chỉ sửa xe theo ý mình trong điều kiện kỹ thuật cho phép, chứ không theo ý khách. Vậy mà khách tới tiệm vẫn đông, nhiều người không chỉ tới để sửa xe, mà để nghe cách ông nói chuyện, pha trò rất hồn nhiên, bộc trực.

Bình thường, ông tháo bàn tay sắt ra, tháo vít, mở lốp, kiểm tra xe... rất thành thạo, điệu nghệ bằng cánh tay phải không lành lặn. Nỗi đau thể xác khi phải dùng cánh tay ấy làm mọi công việc của một cánh tay bình thường chỉ mình ông biết: “Một mình gặm nhấm điều đó và thấy hạnh phúc” - ông tâm sự. Ông hạnh phúc vì dù khuyết tật nhưng lòng tự trọng của mình và sự trân trọng của người khác dành cho ông vẫn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm hành nghề. Ông hạnh phúc vì đã nuôi con thành đạt bằng nghề lương thiện và chính công sức lao nhọc. 
                          
Bài và ảnh: TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.