.

Nhớ những ngày ở Hoàng Sa

.

“Lâu lắm rồi không có dịp nói với ai về Hoàng Sa, tôi cứ nghĩ rồi khi mình khuất núi còn ai nói chuyện Hoàng Sa nữa không. Hôm rồi xem ti-vi thấy thành phố công bố các ông Chủ tịch UBND 8 quận, huyện trong đó có cả ông Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, thấy vui vì không như mình nghĩ. Hoàng Sa vẫn là của nước Việt Nam ta, là đơn vị hành chính của Đà Nẵng”. Ông Trần Huynh trú ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, một nhân chứng từng công tác ở Hoàng Sa hồ hởi kể chuyện Hoàng Sa với đoàn cán bộ của Sở Nội vụ thành phố về thăm ông.

Ông Trần Huynh luôn mong có một ngày gặp lại những người từng sống ở Hoàng Sa.

Hơn 40 năm kể từ khi vào hẳn trong đất liền, nhưng kỷ niệm về những chuyến công tác đến Hoàng Sa của ông Huynh vẫn như mới hôm qua. Năm 1964, khi lập gia đình mới có đứa con trai đầu lòng, ông Huynh được người quen giới thiệu vào làm đầu bếp cho Ty Khí tượng Trung Trung bộ, thuộc Nha Khí tượng Sài Gòn. Lãnh đạo Ty Khí tượng Trung Trung bộ khi đó là kỹ sư Nguyễn Minh Châu.

Cũng như nhiều cán bộ, nhân viên khác của Ty Khí tượng, cứ mỗi năm có 2 đến 3 lần, ông Huynh lại cùng 4 nhân viên kỹ thuật ra Trạm Khí tượng Hoàng Sa làm nhiệm vụ “đo gió, đếm mưa”. Sau bữa cơm trưa chia tay bịn rịn với vợ con, 3 giờ chiều ông Huynh cùng các đồng nghiệp xuống chiếc tàu quân sự há miệng chờ sẵn ở bến giếng Bộng trên sông Hàn, trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay. Tàu nhổ neo chạy liền một mạch, 3 giờ chiều hôm sau là đến Hoàng Sa.

Trên Trạm khí tượng, ông Huynh lo đủ 3 bữa ăn hằng ngày cho 5 người. Thời gian rảnh, ông câu cá cải thiện thêm bữa ăn cho anh em. Nói về cá ở Hoàng Sa thì nhiều vô kể, bơi hàng đàn lớn vào sát bờ, buông câu là dính, có khi câu trúng con cá mú cả chục ký, ăn 2 ngày không hết. Ông Huynh kể, những người ở Hoàng Sa đều bảo nhau chớ ham quá khi lội ra biển câu, bắt cá vì cá mập khá nhiều. Có anh lính địa phương quân dùng lựu đạn đánh cá. Thấy cá chết, nổi nhiều là ham vớt cho hết. Cá mập ngửi mùi tanh máu của những con cá chết cũng vào bờ ăn cá đã đớp cẳng chân anh.
 
Rất may là chỉ bị thương nhẹ, anh chạy thoát lên bờ. Lần sau, mỗi khi đánh cá phải cử người đứng canh chừng khi vớt cá, nếu phát hiện đàn cá mập vào thì đành nhường vậy. Ăn cá mãi cũng chán, ông Huynh dành hàng giờ vào những buổi tối trăng rằm, rình những con vích to bằng chiếc nôi trẻ em lên bờ moi cát đẻ trứng to bằng trái bóng bàn. Có khi moi được ổ cả trăm trứng đựng đầy một cái chậu. Trứng vích đem về đập ra, lấy dầu xà lách xào lên ăn với cơm.

Trứng vích xào deo dẻo, ăn cũng ngon. Ở Hoàng Sa, ngoài giờ nấu ăn, thời gian rảnh nhiều, ông Huynh không câu cá, bắt ốc thì tăng gia, trồng rau xanh cải thiện cho bữa ăn. Đất ở đây rất tốt, trồng cây gì cũng xanh tươi, cho trái to. Những người ở Hoàng Sa có kinh nghiệm nấu canh lá ớt để chữa bệnh kiết lỵ do ăn đồ hải sản dài ngày. Để thay đổi món ăn cho anh em, có chuyến ra Hoàng Sa, ông Huynh đem theo 2 con heo, nuôi khoảng một tháng thì làm thịt.

Ông Huynh kể: Thời kỳ đó, ra Hoàng Sa thì chẳng có phương tiện ra-đi-ô hay ti-vi để giải trí cả. Trạm có một máy phát điện nhưng chỉ phục vụ cho việc truyền tin khí tượng về đất liền. Trên đảo có ngôi miếu Bà, thờ Phật bà Quan Âm và một nhà nguyện Công giáo do người Pháp đưa phu ra đây xây dựng đã lâu. Chủ nhật thì thấy một số lính địa phương quân vào cầu nguyện ở nhà nguyện. “Còn tối rằm, mồng một đều nấu xôi, chè đem ra thắp hương ở miếu Bà, xin bà phù hộ cho tất cả anh em trong trạm không đau ốm, đi đến nơi về đến chốn.

Trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa (ảnh tư liệu chụp năm 1938).

Tôi nghe nói miếu Bà linh nghiệm lắm. Mà quả thật là lần nào anh em chúng tôi đi trên biển đều gặp trời yên, biển lặng, ở trên đảo thì không ai đau ốm cả. Lính địa phương quân bảo vệ đảo thì truyền nhau câu chuyện về cặp cá thần to như cá gáy, hay lượn lờ gần bờ phía trước miếu Bà. Có cậu lính xách súng ra bắn nhưng súng cứ hóc đạn liên tục. Có người rút chốt lựu đạn định ném nhưng không hiểu sao nổ liền trên tay và thiệt mạng. Miếu Bà từ đó càng hiển linh.

Từ năm 1964 đến năm 1968, năm nào ông Huynh cũng đi phục vụ cho đoàn công tác tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa. Sau Tết Mậu Thân (1968) thì ông nghỉ làm việc ở Ty Khí tượng Trung Trung bộ. Ký ức về Hoàng Sa cứ tưởng như mai một theo năm tháng lại ùa về trong ông. Tuổi cao, trí nhớ không còn tốt lắm nhưng nói chuyện với đoàn cán bộ Sở Nội vụ, ông vẫn cố kể cho hết những sự kiện, những chi tiết trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa.

Mới đây, khi nhận được giấy mời gặp mặt của ông Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông muốn đi lắm nhưng bị ốm không đi được, tuy vậy ông hứa sẽ gặp ông Chủ tịch. Ông cũng nhờ anh em phóng viên đi cùng đoàn nhắn giùm: “Những người từng công tác ở Hoàng Sa đang ở đâu đó tại Việt Nam hay đã định cư nước ngoài hãy liên lạc với UBND huyện Hoàng Sa làm nhân chứng Hoàng Sa là một phần của Việt Nam, là đơn vị hành chính của Đà Nẵng”.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.