Đằng sau các công trình xây dựng những tòa nhà cao tầng, khu resort hay những cây cầu, những tuyến đường uốn lượn ven biển, cắt ngang qua dãy núi cao... là bàn tay lao động cần mẫn của người công nhân xây dựng (CNXD) cộng với trí tuệ, sức lực và tâm huyết của những kỹ sư xây dựng (KSXD) để làm nên những công trình đó.
KSXD và “những đứa con”
Với những công trình tầm cỡ, những người tham gia xây dựng phải bỏ rất nhiều thời gian và tâm sức để mang lại bộ mặt mới cho thành phố. |
Ngồi dưới gầm đống tải gần 200 tấn bê-tông tại công trình Bệnh viện Ung thư, Thạc sĩ, Kỹ sư (KS) cầu đường Đỗ Hữu Đạo - giảng viên Đại học Bách khoa tâm sự: “Trong các KS, KSXD nếm mùi cực khổ nhiều nhất. Cũng là KS như nhau nhưng KS điện tử, tin học, cơ khí còn được ở trong phòng máy lạnh, còn KSXD thì nắng cũng như mưa, lúc nào cũng lăn lộn giữa trời, nhiều đêm phải trải tấm bạt mà ngủ dưới… khách sạn ngàn sao”.
Áp lực công việc của các KSXD rất lớn, các dự án luôn đòi hỏi đúng tiến độ, nhiều công trình phải thực hiện cả 3 ca. Việc đổ bê-tông thường vào những giờ khuya nhằm bảo đảm đúng tiến độ và kế hoạch bàn giao. Theo KS Lê Quốc Việt, nghề đi công trình rất vất vả, xa gia đình, xa thành phố để đến những miền rừng núi khảo sát đường hằng tháng trời, mang lương khô theo để ăn, treo võng giữa rừng để ngủ. Sau khi hoàn thành một công trình, đối với họ, tâm huyết, tương lai, sự nghiệp của họ đều ở đó. “Công trình đó như một đứa con họ sinh ra, từ lúc bắt đầu manh nha, nuôi dưỡng nó lớn lên thành hình thù đến khi đưa vào sử dụng, đứa con này luôn có một mối “quan hệ mật thiết” với mỗi người KS”, anh tâm sự.
Tiếp xúc với một số KS, hầu hết họ đều cho rằng, trong các ngành nghề thì nghề xây dựng là nghề dễ gặp nhiều bất trắc và sự cố nhất. Khi có sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm là người giám sát công trình ấy, vì thế họ phải luôn quan tâm đến chất lượng công trình. Cũng theo KS Lê Quốc Việt, một người KSXD, với hằng hà những con số, những bảng tính, những khối lượng, nếu “sai một ly” sẽ “đi một dặm”. Chưa kể có những trường hợp phải trả một cái giá khá đắt là khép lại cả một tương lai, cuộc đời của chính mình và nhiều người khác. Chính vì thế, họ thường già hơn so với tuổi và cũng rất dè dặt trong các cuộc nói chuyện, trao đổi.
Cùng chia sẻ với chúng tôi, KS Huỳnh Tịnh, chỉ huy trưởng loạt công trình Nhà ga 1, 2, 3, 4 thuộc hệ thống cáp treo Bà Nà cho rằng, với một công trình, nếu thời gian thong thả thì không sao, nhưng khi nhà đầu tư ra quyết định đẩy nhanh tiến độ cho đúng với kế hoạch, những người làm nghề xây dựng chúng tôi thường phải giải quyết một khối lượng công việc quá lớn. Có khi hằng tháng trời phải ăn bờ ngủ bụi trên rừng, công việc khuân vác khá nặng nhọc giữa thời tiết thất thường, việc đau ốm tại công trường đã không còn là chuyện lạ với những ai gắn bó với bê-tông, sắt thép.
CNXD với nỗi lo cơm áo
Ở các công trường, những người kỹ sư và công nhân xây dựng thường xuyên tiếp xúc với nhiều mối nguy hiểm. |
Chia tay Thu, dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi đến với một lán trại CNXD cầu đường đang thi công trục Tây Bắc, nối liền đường Nguyễn Tất Thành với quốc lộ 1A. Cái lán được dựng lên bởi tấm bạt lớn căng trùm lên hai cây chống, bốn góc đóng bằng bốn cây cọc, một vài thanh gỗ mỏng manh giằng ngang dọc. Phía trong, một cái sạp đóng bằng gỗ kê trên mặt đất, một manh chiếu, mấy cái soong đen, mấy cái chén... Giữa tiết trời như thiêu như đốt, người được phân công đang tranh thủ nấu cơm, khói bếp đến ngạt thở; người đang cởi trần giữa trưa nắng trên con lươn để mở vòi nước xối xả vào người tắm táp. Bữa ăn của họ chỉ một đĩa rau, vài con cá vụn, một nồi canh “đại dương”.
Khi được hỏi về mức thu nhập, anh Nguyễn Minh, quê Quảng Nam không khỏi đắn đo trước khi trả lời: “Lương anh được 65.000 đồng/ngày, ăn uống hết 21.000 đồng/ngày cộng các chi phí khác, cuối tháng còn gần một triệu, không đủ cho con nộp tiền học, khi gia đình có chuyện gấp cần tiền lại phải vay mượn đâu đó. Nhưng đó là may mắn chứ nhiều khi đi làm cả mấy tháng cũng chưa được thanh toán lương”. Nói xong anh Minh quay mặt đi giấu một tiếng thở dài trong cái chòi nóng bức, ngột ngạt.
Người CNXD luôn có mặt từ lúc công trường bắt đầu khởi công cho đến khi công trình khánh thành đưa vào sử dụng. Bàn tay, dấu chân của họ có mặt ở khắp mọi ngóc ngách của công trường. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa họ luôn miệt mài với phần việc được giao, hạng mục công trình phải hoàn thành. Họ đến lúc công trình là một bãi đất trống, không một bóng người; họ đi khi công trình đã bề thế, khang trang.
Chia tay những người KS và công nhân trên công trường, con đường nhựa như nhũn ra với những khuôn mặt cùng đôi bàn tay đen nhẻm, cháy nắng của những người công nhân đang tưới nhựa đường. Sau một ngày làm việc vất vả, họ lại trở về bên lán trại, cùng tâm sự, cùng chia sẻ với nhau những tháng ngày xa gia đình, vợ con…
TIỂU YẾN