Trong khi đa số thanh niên vẫn mang tâm lý ngại thay đổi trong cuộc sống và công việc thì vẫn có không ít người đi ngược lại, thích “nhảy việc”, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thử thách để khẳng định và tận dụng tối đa năng lực của bản thân ở những môi trường khác nhau. Tuy nhiên, con đường mà họ lựa chọn không hề dễ dàng.
Những người thích nhảy việc luôn có đủ tự tin và năng lực để sẵn sàng tham gia vào các cuộc phỏng vấn nhằm tìm kiếm những công việc chất lượng. |
Tốt nghiệp đại học ở Huế, được bố mẹ sắp sẵn cho một công việc tại Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Huế, nhưng T.L chấp nhận thử thách khi quyết định vào Đà Nẵng lập nghiệp. Cô cho biết: “Lúc đang ngồi trên ghế giảng đường, thấy nhiều anh chị khóa trước chấp nhận ở nhà 2 hoặc 3 năm sau khi ra trường chỉ vì nuôi hy vọng kiếm được một chân ở cơ quan này, ban ngành nọ. Lúc đó mình vừa giận vừa cảm thông cho họ, do đâu mà họ tự làm khổ mình và khổ “người” như vậy.
Chưa xin được việc như mong muốn thì cứ thử sức ở những vị trí khác xem sao, biết đâu lại gặp được cơ hội tốt hơn”. Vào Đà Nẵng mới một năm nhưng T.L đã thay đổi qua 2 công ty khác nhau. Giải thích cho điều này, cô nói: “Với những sinh viên mới ra trường như tụi mình, có hai lý do khiến hay “nhảy việc”, đó là chế độ lương bổng và bảo hiểm. “Sống ở thành phố mà lương một tháng chỉ 1,2 triệu đồng, lại không ký hợp đồng lao động và không bảo hiểm thì làm sao sống nổi” - T.L nói.
Hiện nay, không hiếm người mong muốn được thay đổi công việc, bản thân họ cũng không ngại thử thách. Nhưng, không phải ai cũng có đủ tự tin và năng lực để thực hiện được điều đó. Ngoài đội ngũ sinh viên vừa ra trường, hình ảnh chung thường thấy ở những người hay “nhảy việc” đó là: thích làm việc ở môi trường ngoài quốc doanh, có mặt bằng trình độ khá cao, có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh hoặc nhiều ngoại ngữ khác, quan hệ rộng, rất tự tin và cực kỳ năng động, nhạy bén trong công việc.
Theo anh Trần Anh Quốc Cường, Trưởng phòng Truyền thông Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư công nghiệp FPT: “Nếu không biết mình là ai, giá trị của mình nằm ở đâu, như thế nào, nhất là không vạch ra được mục tiêu rõ ràng ở tương lai gần để phấn đấu thì làm sao bạn dám thay đổi những gì mình đang có?”. Bản thân anh Quốc Cường, chỉ trong vòng 7 năm công tác tại FPT, anh đã thay đổi 6 vị trí làm việc khác nhau.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, anh nói: “Đừng ngại thay đổi công việc, nếu như bạn có năng lực và cơ hội. Vì ở mỗi môi trường, mỗi vị trí khác nhau, bạn sẽ có cơ hội để trải nghiệm cũng như rút ra được những bài học quý báu cho riêng mình. Thay đổi có thể thất bại hoặc thành công, nhưng sau mỗi lần như vậy mà bạn không tiến lên được thì lúc đó bạn đang đi sai đường”.
Mục đích cuối cùng của những người thích một cuộc sống thường xuyên xê dịch và không ngại “nhảy việc”, đó là tìm kiếm những vị trí, công việc tốt hơn trong xã hội. Đi kèm đó là mức lương và các chế độ, chính sách được bảo đảm. Tuy nhiên, để làm được điều này phải không ngừng học hỏi và có thời gian trải nghiệm. Qua nhiều lần tham gia tư vấn nghề nghiệp, tuyển dụng ở nhiều trường đại học trong thành phố, theo anh Quốc Cường, tâm lý yên phận trong công việc ở nhiều bạn trẻ hiện nay chủ yếu xuất phát từ việc lo lắng không kiếm được công việc tốt hơn và ngại phải học thêm. Với những người này, chính họ đã vô tình tự hạn chế năng lực của mình.
Tuy nhiên, khi công việc ngày càng khó tìm kiếm như hiện nay, thì những người muốn thay đổi công việc hay những sinh viên vừa ra trường bắt buộc phải không ngừng tích lũy kiến thức để có thể sẵn sàng thích ứng với mọi môi trường công việc khác nhau. Sau những lần “nhảy việc”, T.L cho biết: “Với một cuộc sống luôn thay đổi, vừa thú vị nhưng cũng rất dễ mệt mỏi. Như bản thân mình, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp của một trường đại học ở Huế, nhưng lại đi làm PR cho một công ty quảng cáo. Hai ngành nghề chẳng liên quan gì đến nhau nên phải nỗ lực hơn gấp 2, gấp 3 lần những người khác”.
“Nhảy việc”, kéo theo đó là lối sống thích thay đổi đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, các nhà quản lý kinh tế vẫn không khuyến khích điều này. Ngay bản thân những người chuyên “nhảy việc”, khi đã có một vị trí ổn định như mong muốn cũng sẽ dừng chân. Nhưng, không thể phủ nhận rằng, một phần nào đó xu hướng này đang tạo ra một đội ngũ những thanh niên có tác phong công nghiệp, năng động và nhạy bén trong công việc.
Và bắt buộc những nhà tuyển dụng lao động phải không ngừng làm mới mình khi muốn có được những nhân viên tài năng và giữ được chân họ. Nếu đi đúng đường, với khả năng tự lập, người lao động trong nhóm này sẽ góp phần giảm bớt áp lực giải quyết công việc cho những nhà quản lý.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH