Ngay từ khi còn là học sinh của Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), Trần Danh Nhân đã tích cực tham gia phong trào Đoàn trong vai trò là Phó Bí thư Đoàn trường. Những kinh nghiệm công tác đó đã giúp Nhân nhanh chóng hòa nhập với phong trào sinh viên (SV) của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng-ĐHĐN) và là lớp trưởng năng động của Lớp Quản trị kinh doanh thương mại.
Từ phong trào Đoàn, nhiều sinh viên đã phấn đấu tích cực và được đứng vào hàng ngũ của Đảng.TRONG ẢNH: Sinh viên Trường ĐH Kinh tế tham gia phong trào tình nguyện. |
Theo nhìn nhận của Th.S Nguyễn Thị Kim Bình, Chánh Văn phòng Đảng ủy ĐHĐN, thì việc đặt ra tiêu chí phấn đấu một cách nghiêm túc như thế, chính là để chọn lựa những quần chúng ưu tú, xuất sắc thực sự kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, qua đó nâng cao chất lượng của đội ngũ đảng viên (ĐV) là SV trong Đảng bộ ĐHĐN. Bởi trên thực tế, nhiều SV rất năng nổ, hăng hái trong hoạt động Đoàn, nhưng lại bị thời gian dành cho hoạt động này chi phối, ảnh hưởng đến kết quả học tập, vì thế uy tín của họ trong SV không cao. Ngược lại, một bộ phận khác thì chỉ lo việc học tập của mình, không quan tâm đến phong trào chung nên cũng không đạt yêu cầu đối với một quần chúng ưu tú, xuất sắc.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phan Kim Tuấn, Bí thư Chi bộ SV Trường ĐH Kinh tế, thì cần phải có những định hướng cho việc phấn đấu, rèn luyện trong mỗi đoàn viên, SV. Theo đó, những SV là cán bộ Đoàn năng động luôn được phát hiện sớm và được theo dõi cả về học tập, để từ đó chi bộ, ĐV gặp gỡ, làm công tác tư tưởng, định hướng và giúp đỡ cho các SV khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập, đồng thời tham gia tốt các hoạt động phong trào, qua đó khẳng định được mình.
Còn ông Lê Tự Tín, Đảng ủy viên, Thường trực Văn phòng Đảng ủy ĐH Sư phạm thì cho biết, Đảng ủy đã thống nhất trong ĐV là cán bộ, giảng viên của trường rằng, cần phải có sự quan tâm thích đáng đối với ĐV là SV cũng như đang còn là đối tượng Đảng. “Với những SV năng động, nhiệt tình, sôi nổi trong hoạt động phong trào, thì cán bộ, giảng viên phải kịp thời động viên, khuyến khích trong học tập để có sự cân bằng trong kết quả phấn đấu, chứ không được chỉ trích, dễ làm tổn thương các em” - Ông Lê Tự Tín nhấn mạnh.
Một vấn đề vướng mắc nữa, ảnh hưởng đến công tác phát triển Đảng trong SV, theo Th.S. Kim Bình, đó là việc thẩm tra, xác minh lý lịch của người được đề nghị kết nạp Đảng. Nếu với một số đơn vị, đây không là vấn đề lớn thì với ĐHĐN là một trong những khó khăn do lượng quần chúng được xem xét, kết nạp Đảng khá đông nhưng nguồn kinh phí dành cho công tác Đảng không nhiều, thiếu cán bộ chuyên trách, các đơn vị đều bị chi phối bởi cơ chế khoán chi hành chính…
Trong khi đó, phần lớn SV của ĐHĐN thường có nơi cư trú, quê quán trải dài trên địa bàn rộng cả nước. Hóa giải vướng mắc về thủ tục này, ông Lê Tự Tín cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Đảng ủy ĐH Sư phạm đề ra và thực hiện chủ trương xác minh lý lịch qua công văn theo đường bưu điện. Các chi bộ sau khi hoàn thành hồ sơ, chuyển cho Văn phòng Đảng ủy trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến cho các địa phương cư trú, quê quán của người được giới thiệu vào Đảng.
Theo ông Tín, trong 3 năm qua, chỉ có 2 trường hợp gửi hồ sơ xác minh bị thất lạc, Đảng ủy trường phải cử cán bộ trực tiếp đi xác minh lại, còn hầu hết đều trả lời theo yêu cầu trong thời hạn từ một tuần đến một tháng. Một số vướng mắc nảy sinh sẽ được lãnh đạo Đảng ủy trường trao đổi qua điện thoại với cấp ủy tại địa phương.
Nhờ kịp thời hóa giải những vướng mắc từ thực tế đó, cũng như quán triệt nghiêm túc và sâu sắc quan điểm về phát triển Đảng trong SV, nên trong những năm qua, Đảng bộ ĐHĐN đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển ĐV mới. Chỉ trừ những đơn vị đặc thù có thời gian đào tạo ngắn như Trường Cao đẳng Công nghệ, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, hay mới thành lập như Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum..., thì hầu hết các Đảng bộ trường học khác đều có số ĐV là SV được kết nạp hằng năm chiếm tỷ lệ lớn.
Nếu như những năm 2003 trở về trước, tổng số SV được kết nạp Đảng hằng năm chỉ từ 12-17 người, chiếm tỷ lệ khoảng 20-30% tổng số ĐV mới, thì năm 2004 đã có bước nhảy vọt với 33 SV được kết nạp Đảng và tỷ lệ được nâng lên 47,8%; năm 2007 có 50 SV được kết nạp Đảng (64,1%) và năm 2008 có 65 ĐV mới từ SV (60,7%)... Đặc biệt, ở Trường ĐH Sư phạm tỷ lệ này rất cao; năm 2007 có tỷ lệ ĐV mới là SV so với tổng số ĐV được kết nạp là 18/20 người (90%); năm 2008 là 30/34 người (88,2%); 3 tháng đầu năm 2009 là 9/10 người (90%)...
Chính sự quan tâm và có những giải pháp kịp thời đó của Đảng bộ ĐHĐN đã động viên nhiều SV tích cực phấn đấu vào Đảng, trở thành những trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng trong tương lai.
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH