.

Sẻ bớt nhọc nhằn cùng đồng đội

.

“Thời tuổi trẻ ham đi, ham làm đến quên mất cả gia đình, người thân. Giờ trở về mới biết mình nghèo. Nếu không nhờ đồng đội giúp đỡ, chắc không có nổi cái nhà để ở”. Đó là lời tâm sự chân thành của cô Cao Thị Nhịp, ở K590/17 đường Núi Thành, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, một trong những cô thanh niên xung phong đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước năm xưa.

“Nhà đồng đội xây cho đó...!”

Đây là ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” mà cô Cao Thị Nhịp ở K590/17 phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu đã được trao tặng vào năm 2007.

Hơn 2 năm nay, khi 7 ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” lần lượt được xây dựng và đưa vào sử dụng, nỗi trăn trở trong lòng cô Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng như được giảm bớt đi. Đã lâu lắm rồi, kể từ những ngày đầu trở về với cuộc sống đời thường, cô Thao vẫn biết, ở đâu đó trong thành phố này, nhiều đồng đội năm xưa của mình đang sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Trăn trở mãi, cuối cùng được sự giúp đỡ của thành phố cũng như nhiều tổ chức xã hội, cô Thao xúc tiến hoạt động xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” nhằm góp phần giúp đỡ đồng đội có được nơi trú mưa trú nắng an toàn.

Với “Nghĩa tình đồng đội”, không chỉ những người đã từng là lính của “Tiểu đoàn bà Thao” mới được hỗ trợ xây nhà mà bất cứ ai là thanh niên xung phong đang sinh sống tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ đều là địa chỉ để cô Thao tìm đến. “Năm 2007, khi chị Thao tìm đến và cho biết ý định sẽ hỗ trợ cho gia đình 20 triệu đồng để xây mới lại ngôi nhà, tôi cứ nghĩ mình đang mơ.

Bởi, vợ chồng tôi làm lụng cả đời còn chưa có tiền cho con ăn học, đâu dám nghĩ đến chuyện xây cất nhà. Vậy mà nhờ chị Thao, gia đình tôi đã có được cái gia tài đáng giá này”, cô Cao Thị Nhịp xúc động kể.

Có thể, nếu đem ra so sánh, 20 triệu đồng là một số tiền khá khiêm tốn khi xây nhà trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay. Nhưng với nhiều người, đó là số tiền giúp họ được đổi đời. Trường hợp cô Lý, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cựu thanh niên xung phong là một ví dụ điển hình. Thời gian trước, cũng như bao người dân miền biển, cuộc sống của gia đình cô chỉ bó hẹp trong căn nhà chồ xập xệ. Những lần đi gặp mặt đồng đội, khi ai đó muốn đến nhà uống ly trà, cô lại ngại ngần không dám mời. Những lúc như vậy, cô chỉ ước: giá có ngôi nhà cấp 4 mà chui ra chui vào…

Thế rồi, nhờ sự giúp đỡ của cô Thao và đơn vị tài trợ, mơ ước của cô Lý đã trở thành hiện thực. Có nhà, được lên bờ sinh sống, con cái của cô Lý cũng được học hành đến nơi đến chốn. Con trai cô hiện là bác sĩ công tác ở Bệnh viện Đà Nẵng. Bây giờ mỗi khi ai đến chơi, cô cũng tự hào nói “Nhà đồng đội tôi xây cho đó”.

Mong có sức khỏe để tiếp tục đi “xây nhà”

Để có được số tiền 20 triệu đồng cho một ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” là sự cố gắng không ngừng của bản thân cô Thao trong việc đi vận động các đơn vị tài trợ. Trong 2 năm 2007-2008,  cô  đã vận động được 130 triệu đồng cho việc xây dựng những ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Nhìn thấy mẹ ngày càng gầy đi vì lo toan cho gia đình, cho những người “bạn cũ”, những đứa con của cô không khỏi xót xa. Nhưng họ cũng hiểu rằng, đồng đội đã là trái tim, là máu thịt của mẹ mình.

Với cô Thao, đồng cam cộng khổ cùng đồng đội đã trở thành cái “nghiệp” của mình. Dù đi đâu, làm gì thì hình ảnh ốm yếu, nghèo khổ của đồng đội vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí cô. Điều đó như muốn nhắn gửi với mọi người rằng, ngày nay vẫn còn đó rất nhiều những thanh niên xung phong của ngày xưa đang có cuộc sống khó khăn, rất cần đến sự giúp đỡ từ chính đồng đội của mình như cô Thao và toàn xã hội. 

 Khi những ngôi nhà mới được xây lên, trong tiếng khóc, cười vì vui mừng của gia chủ là những cựu thanh niên xung phong, người ta lại thấy thấp thoáng bóng dáng của một người phụ nữ lẳng lặng giở danh sách tìm tiếp những địa chỉ cần đến.

Những ngày này, những lá thư từ khắp nơi không ngừng chuyển về văn phòng Hội Cựu Thanh niên xung phong ở số nhà 18 Yên Bái-Đà Nẵng. Trong đó là danh sách những đồng đội còn sống và không ít những người đang rất cần được giúp đỡ. Xem xong những danh sách này, cô Thao thì thầm: Mong sao có sức khỏe để tiếp tục đi xây nhà!

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.