.

Tái diễn nạn ép mua sách

.

“Cuốn sách dày cộp gần cả nghìn trang còn bọc bao nilông cẩn thận để trên kệ sách bám đầy bụi, vậy mà không ai mở ra xem thử nội dung sách viết có gì mới hay không. Thực ra, sách mua chỉ để mua vậy thôi chứ chúng tôi không có nhu cầu. Nhưng nếu không mua thì cũng phiền hà không ít... Lãnh đạo một cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn Đà Nẵng than phiền về tình trạng tiếp thị sách tại các cơ quan, đơn vị hiện nay.

“Chưa mua sách, người ta đã xuất hóa đơn”.

Không muốn mua, nhưng rồi vẫn phải chi tiền ra để mua vì nếu không, người bị tiếp chuyện sẽ mất thời gian hoặc buộc phải nghe những lời nài nỉ, kì kèo rất dễ mủi lòng. Giám đốc một DN chế biến kinh doanh gỗ tại KCN Hòa Khánh sau nhiều lần từ chối mua sách phải thốt lên rằng: “Chịu thua cho mấy anh chị bán sách”. Ông kể có một anh thanh niên đến phòng bảo vệ của công ty xin gặp lãnh đạo “đã có hẹn trước”, sau một hồi ỉ ôi giới thiệu vẫn không lay chuyển được người mua, anh này bèn trình bày hoàn cảnh: “Đường sá xa xôi, em từ TP. Hồ Chí Minh ra đây mấy ngày rồi mà vẫn chưa bán hết sách theo định mức. Thôi, ủng hộ em hai cuốn cũng được, bù cho em tiền tàu xe ra vào nữa”.

Tình trạng bán sách đến các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân phổ biến đến mức không ai còn xa lạ với chiêu thức này. Để tránh sự phiền toái, trước cổng phòng bảo vệ các cơ quan bao giờ cũng có hàng chữ to đùng: “Không tiếp khách bán sách”, “Không mua ấn phẩm ngoài kế hoạch”,  “Không có nhu cầu mua sách báo”. Vậy nhưng như liều thuốc chống lờn không hiệu quả, phương thức bán sách được thay đổi, chẳng hạn in sẵn phong bì có dán tên của người đặt sách (thực tế họ không đặt sách), kèm theo hóa đơn xuất bán (điều này chẳng khác gì sách đã được bán ra).

Chủ tịch Công đoàn một sở nói: “Không hiểu sao mà người bán sách biết rõ về chức danh, nghề nghiệp, số điện thoại của tôi để rồi xin làm việc. Gặp rồi, họ mới trình ra nào là thẻ nhân viên, giấy giới thiệu của Nhà xuất bản X,Y,Z, là người của Liên đoàn Lao động O, H, K, là cán bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Rất mất thời gian vì phải từ chối, giải thích về kế hoạch mua sách và kinh phí... Hóa đơn đã xuất và viết tên người mua. Nhiều lúc thấy phát bực và rồi do họ bu bám quá mà tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Hồ Xuân Tám, Phó Chánh Văn phòng Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết: Mỗi năm có trên dưới 10 người bán sách đến xin làm việc. Tính từ đầu năm 2009 đến nay, chúng tôi đã tiếp 4 - 5 vị khách bán sách. Chủ yếu là mấy cuốn sách về tư vấn pháp luật, như cuốn Quy định pháp luật cần biết dành cho Chủ tịch Công đoàn do Nhà Xuất bản Lao động-Xã hội phối hợp với Công ty Phát hành sách miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh phát hành năm 2008.

Một cuốn sách của Nhà Xuất bản Lao động-Xã hội được chào bán.

Nhìn thì có vẻ mới nhưng khi mở ra có những chương, điều cũ đã được bổ sung, sửa đổi. Nhiều cuốn sách trùng lặp về nội dung, được đổi tên lại cho lạ mắt. Có người ví “chẳng khác nào bình mới rượu cũ”. Thời gian gần đây, lại xuất hiện một đội quân được giới thiệu là người của cơ quan Công đoàn này, Công đoàn nọ ở tận Trung ương tìm gặp Chủ tịch Công đoàn các cơ quan mời mua 2 quyển sách dày cộp có giá gần 300 nghìn đồng/quyển, với nội dung giới thiệu các kỳ đại hội Công đoàn và nghiệp vụ Công đoàn, gây khó cho Công đoàn nhiều nơi, bởi lấy đâu kinh phí để mua?

Có người thắc mắc, không biết có phải Nhà xuất bản in ra không bán được, cho nên thuê người đi bán lẻ từng cuốn, hay thông tin mới cần giới thiệu cụ thể tới các cơ quan, Nhà nước để mọi người biết? Thực ra, qua tìm hiểu về nhu cầu sử dụng sách pháp luật, văn bản chuyên ngành hiện nay ở nhiều cơ quan, chúng tôi nhận được câu trả lời là:

Những văn bản chính thống liên quan đến quản lý Nhà nước về ngành đều dễ dàng tìm thấy qua website. Không chỉ bị “bẫy” ép bán sách liên quan đến pháp luật chuyên ngành, nhiều đầu sách không cần thiết cũng được giới thiệu nhằm mục đích tranh thủ bán được cuốn nào hay cuốn đó. Những đầu sách kiểu này đa số rất dày, từ 700 đến hơn 1.000 trang, luôn có giá bìa gần 300 nghìn đồng/cuốn.

Kiến thức là cần thiết, nhưng sự bừa bộn của một số luồng sách đã gây hiểu nhầm cho người mua và không ít sự phiền toái khi người bán lấy danh nghĩa người của ban này, bộ nọ giới thiệu xuống. Giá thành sách cao, trong khi không có nhu cầu vẫn phải mua, rồi để sách bám bụi. Đây là một sự lãng phí lớn mà các đơn vị, cá nhân nên cân nhắc trước khi mua.

Để quản lý nội dung tốt hơn, các cơ quan chức năng cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ về công tác in sách của các Nhà xuất bản, tránh tình trạng giá trị tri thức được đánh đổi bằng sự “mua cho xong chuyện”.
                           
Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.