Sáng sớm một ngày cuối tuần, tôi theo chị Lê Thị Tuyết Nhi (K308/27 Hoàng Diệu) đi bán hàng. Tự tin là người khỏe mạnh, sáng mắt, tôi đòi xách giúp chị những bao to nhất. Đi được một đoạn, tôi thấy tay mình bắt đầu mỏi vì hàng khá nặng. Chuyển qua đeo lên vai, vai cũng bắt đầu ê.. Chị Lê Thị Tuyết Nhi bị mù hoàn toàn từ năm 2000. Để đỡ buồn và có thu nhập nuôi thân, chị Nhi xin vào làm đũa tre, tăm tre tại cơ sở sản xuất mây tre của Hội Người mù thành phố.
Chị Lê Thị Tuyết Nhi ngồi bán hàng bên chân cầu thang chợ Tân Lập. |
Quàng tay tôi, chị Nhi “dẫn” đến chợ Tân Lập, nơi chị chọn sau một hồi suy tính “không biết sáng nay bán chỗ nào đây?”. Ra khỏi cổng, chị Nhi bước bon bon, rẽ trái, rẽ phải tự nhiên như đang “thấy” con đường phía trước. Sợ va vào xe cộ đang chạy tấp nập, tôi kéo tay chị lên lề đi cho yên tâm. Được vài bước, chị hỏi: “Sao em dẫn chị lên lề? Người mù không bao giờ đi trên lề đường mà luôn đi dưới lòng đường, nơi sát mép lề em à. Đi trên lề đường khó lắm, bảng hiệu, xe máy, bàn ghế, đủ các thứ. Chưa kể bậc dẫn vào nhà mỗi người cũng cao thấp, gồ ghề khác nhau nên dễ bị vấp”. Hóa ra, nguy cơ tai nạn với người mù lại là trên lề đường, chứ không phải dưới lòng đường như người sáng.
Đi được một đoạn, tôi thấy tay mình bắt đầu đau vì bao hàng khá nặng. Chuyển qua đeo lên vai, vai cũng bắt đầu ê, tôi “cắn răng” chịu đựng, vờ như không: “Mang hàng đi hằng ngày như vậy chị có thấy mỏi chân không?”. “Chân thì không răng, nhưng tay thì nhức lắm. Chiều nào về, chị cũng phải đi châm cứu tay. Bệnh của chị đã chuyển qua khớp rồi”.
Tới chợ Tân Lập, chị chọn chỗ ngồi trước con hẻm, sát chân cầu thang. Con hẻm chỉ rộng 2m, xe cộ, người mua, kẻ bán vào ra liên tục. Trước mặt chị còn có 4 lò than rực lửa của một quán cơm. Nhiều người đi qua, đi lại cứ bảo chị không nên ngồi chỗ này. Tôi cũng giục chị thử tìm chỗ nào khác. Chị nói: “Quanh đây đã kín hết”.
“Không ai ăn gian tiền của người mù, mình có đưa nhầm, người ta cũng trả lại”. |
Để có thể thối tiền nhanh và đúng, chị Nhi chuẩn bị sẵn nhiều xấp tiền lẻ theo từng loại. Cứ thế, thối 3 nghìn, chị lấy một tờ ở xấp 1 nghìn và một tờ ở xấp 2 nghìn. “Chuẩn bị hết rứa, chứ khách đông quáng gà luôn”, chị dí dỏm. Thường ngày, chị Nhi đi bán chung với một người bạn. Theo chị, hai người dễ giúp đỡ nhau bán hàng lúc đông người mua, nói chuyện linh tinh lúc vắng khách và cả khi có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” còn có người trông hàng. Những lúc đi lạc đường, dù không cầm hàng trên tay, chị vẫn rao: “Đũa tre, tăm tre, long não đây” để người bạn ngồi ở xa hô lại cho chị nghe tìm đường trở về chỗ ngồi.
Khi quán cơm trước mặt lèo xèo bốc mùi thơm, chị biết đã gần trưa. Mâm, bát hàng cơm dọn lên, chị biết đã 11 giờ. Chị gửi hàng đi vào chợ mua thức ăn về lo cơm nước cho con. Con trai chị Nhi đang học lớp 6 Trường THCS Kim Đồng.
Bài và ảnh: THU HOA