.
TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2009

Đà Nẵng đã có cách làm sáng tạo

Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNFPA) về cuộc tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở năm 2009, từ ngày 3 đến 5-4, Đoàn giám sát của UNFPA do bà Trần Thị Vân, Trợ lý đại diện UNFPA tại Việt Nam đã đến khảo sát cuộc TĐT  trên địa bàn thành phố. Sau đợt khảo sát, bà Trần Thị Vân đã dành cho Báo Đà Nẵng cuộc trao đổi về TĐT trên địa bàn thành phố.

* P.V: Xin bà cho biết đánh giá của UNFPA sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị và tiến hành tổng điều tra tại một số Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố, huyện, xã của thành phố Đà Nẵng?

- Bà Trần Thị Vân:  Đà Nẵng là địa phương thứ hai sau Huế được chúng tôi đến thị sát và kiểm tra tình hình thực hiện điều tra. Qua 3 ngày làm việc với BCĐ thành phố, BCĐ huyện Hòa Vang, quận Hải Châu và giám sát thực tế hoạt động của điều tra viên (ĐTV) tại một số địa phương cho thấy, công tác chuẩn bị của thành phố rất tốt.

Nhất là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua những hình ảnh trực quan như panô, áp phích. Đi đến đâu, tôi cũng bắt gặp băng rôn, biểu ngữ được treo trên các tuyến đường và công sở. Mặc dù kế hoạch tuyên truyền có chậm do trùng vào thời điểm diễn ra các lễ hội, tuy nhiên, khi chúng tôi đến nhà người dân thì họ đều biết thông tin về tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Để làm được việc này, trong quá trình chuẩn bị, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo họp tổ dân phố, thôn thông báo đến từng hộ dân về TĐT. Đây sẽ là điều thuận lợi để Đà Nẵng hoàn thành kịp tiến độ cuộc tổng điều tra. Thực tế giám sát kỹ năng đặt câu hỏi phỏng vấn của ĐTV cho thấy, công tác tập huấn đã được chú trọng; sau hai ngày điều tra, một số ĐTV đã kịp thời chỉnh sửa và BCĐ các cấp đã có sự giám sát kịp thời. Tỷ lệ sai sót trong việc điền thông tin vào phiếu điều tra là rất ít.

* P.V: Trong kế hoạch, Đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại thôn có đồng bào dân tộc Cơtu ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Theo bà thì việc tuyển chọn ĐTV là người dân tộc có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Bà Trần Thị Vân:  Sau khi đến thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc chúng tôi đã theo chân ĐTV Lê Đình Mai là người dân tộc Cơtu đến tận các hộ đồng bào dân tộc để trực tiếp giám sát điều tra. Theo tôi, BCĐ xã Hòa Bắc đã chọn ĐTV là người dân tộc là việc làm đúng. Anh Mai vừa là trưởng thôn Giàn Bí, cũng là người có trình độ đại học và biết tiếng dân tộc Cơtu nên hầu hết những câu hỏi khó, khi đồng bào dân tộc chưa hiểu hết, anh Mai có thể đặt câu hỏi bằng tiếng dân tộc.

Trong khi trình độ dân trí của đồng bào dân tộc chưa cao thì những giải thích cụ thể của ĐTV bằng ngôn ngữ dân tộc vừa đơn giản, dễ hiểu là điều nên làm. Qua giám sát, tôi chưa nhận thấy khó khăn lớn trong vấn đề này.

* P.V: Xin bà cho biết những kinh nghiệm cần thiết để có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra, hoàn thành sớm công tác thu thập thông tin với yêu cầu chất lượng, chính xác và đầy đủ nhất?

- Bà Trần Thị Vân:
Đây là lần thứ 3 UNFPA có sự hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác TĐT dân số và nhà ở. Trong đợt này, chúng tôi đã hỗ trợ cho 3 Trung tâm xử lý số liệu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng 3 chiếc máy scanning có phần mềm lập trình để có thể nhận biết ký tự. Đây là công nghệ hoàn toàn mới sẽ góp phần hạn chế tối đa sai sót trong khâu nhập dữ liệu thay vì phải nhập số liệu bằng bàn phím như trước đây.

Riêng trong quá trình giám sát, theo tôi, BCĐ thành phố và các quận, huyện cần theo dõi sát sao tiến độ điều tra thu thập thông tin của ĐTV. Chúng ta phải đặt câu hỏi và tìm hiểu, tại sao khu vực A có tiến độ điều tra quá nhanh, khu vực B lại quá chậm. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy, nếu không giám sát kịp thời thì rất có thể ĐTV và tổ trưởng thu thập thông tin từ trước và ngồi một chỗ điền thông tin, thay vì phải tới từng hộ dân theo như quy định. Đối với những địa bàn tiến độ điều tra chậm thì phải kịp thời tìm hiểu nguyên nhân tại sao và có biện pháp tháo gỡ.

Trong quá trình kiểm tra và làm việc với BCĐ TĐT huyện Hòa Vang, Đoàn UNFPA đánh giá cao cách làm sáng tạo ở Hòa Vang, đó là một số thôn thực hiện giao ước thời gian cụ thể giữa ĐTV với người dân để đến thu thập thông tin. Đây là cách làm hay cần nhân rộng vì chủ động được thời gian cho ĐTV và không ảnh hưởng đến công việc của người dân.

 

Trong số các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, UNFPA đóng vai trò chính trong quá trình hỗ trợ TĐT như tham gia vào toàn bộ quá trình lập kế hoạch, thiết kế câu hỏi, thí điểm, tổng duyệt, tập huấn, giám sát và chiến dịch truyền thông cho tổng điều tra.
 
Ngay sau khi cuộc TĐT kết thúc, UNFPA sẽ hỗ trợ phân tích và công bố số liệu điều tra. UNFPA là cơ quan hỗ trợ 3 triệu USD trong tổng chi phí 33 triệu USD cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 tại Việt Nam.

 

* P.V: Xin cảm ơn bà!

VIỆT DŨNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.