.

Trao “cần câu” cho người nghèo

.

Đẩy chiếc xe quầy hàng quà vặt về nhà trong ngày đầu tiên đi bán, chị Lê Thị Kim Hằng, ở tổ 52 phường Hòa An (Cẩm Lệ) lòng vui như hội. “Ngày đầu đi bán hàng đã lời được 30 ngàn đồng. Vui nhất là từ nay mình có chiếc xe làm ăn, thôi phải đi rửa chén thuê xa nhà” - Chị nói.

 Có chiếc xe đẩy, anh Bính bán báo và vé số nhiều hơn.

Kể về hoàn cảnh gia đình, chị rơm rớm nước mắt. Chồng chị mắc bệnh khớp và da liễu, chân lúc nào cũng lở loét, hôi hám, quanh quẩn trong nhà chẳng làm được gì. Hai con nhỏ đang tuổi đến trường, đứa lớp 5, đứa lớp 1. Gánh nặng gia đình đều trên vai người phụ nữ này. Ngày nào chị cũng phải đạp xe vào trung tâm thành phố rửa chén thuê cho một quán ăn. 25 ngàn đồng thù lao mỗi buổi rửa chén chỉ đủ đong gạo đắp đổi qua ngày cho cả gia đình.

Chồng đau nhưng không dám đi bệnh viện, bởi nếu chị nghỉ để đi chăm sóc chồng ở bệnh viện, ngày đó cả nhà sẽ đói. Vậy là cái nghèo cứ bám riết cuộc sống gia đình chị cho đến một ngày gần đây chị nhận được giấy mời lên trụ sở hành chính phường. Tại đây chị được lãnh đạo Đảng, chính quyền và Mặt trận phường trao đổi tìm hiểu nhu cầu của gia đình chị về phương tiện xóa nghèo. Chị mong muốn có chiếc xe đẩy bán hàng trị giá khoảng 2 triệu đồng để bán quà vặt gần nhà nhằm có điều kiện chăm sóc chồng và con. Nguyện vọng của chị được đáp ứng.
 
Ngày đầu tiên đi bán đã lời được 30 ngàn đồng, hơn cả ngày chị rửa chén ở quán ăn. Vui nhất là sau khi nhận chiếc xe đẩy của Quỹ “Vì người nghèo” phường, chị còn được hỗ trợ 400 ngàn đồng để đưa chồng đi điều trị vết lở loét ở chân. Nay bệnh thuyên giảm, anh nhận thêm việc bóc tỏi thuê tại nhà, chị tiếp tục đi bán hàng. Hằng tháng gia đình chị còn được Quỹ “Vì người nghèo” phường hỗ trợ thêm 200 ngàn đồng cho đến khi thoát nghèo. Xúc động quá, chị nói: “Được phường giúp thế này, tôi quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2009 sẽ thoát nghèo”.

Gia đình chị Trần Thị Kim Loan ở tổ 53 cũng là hộ nghèo triền miên nhiều năm không gượng dậy được. Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào ngày công thợ làm bún của người chồng. Qua đối thoại với chính quyền, Mặt trận phường, gia đình chị được hỗ trợ một bộ soong nồi, tô, đũa trị giá 2 triệu đồng và nhận một lô mặt bằng không thu phí tại chợ Hòa An để bán bún. Ngày đầu chưa đông khách, lời ít nhưng chị Loan rất phấn khởi vì có một kế sinh nhai cùng chồng nuôi 3 con ăn học.
 
Cũng như chị Loan, anh Phạm Văn Bính ở tổ 49 rất phấn khởi nói: “Từ khi được Quỹ “Vì người nghèo” phường tặng chiếc xe lưu động, tôi bán báo và bán vé số được nhiều hơn vì có điều kiện đẩy đi nhiều chỗ. Tôi tính sẽ gắn thêm chiếc tủ nhỏ bán thuốc và kẹo cao su. Vợ tôi cũng được nhận làm tạp vụ ở Trạm y tế phường”. Thêm một sự động viên lớn cho quyết tâm thoát nghèo của vợ chồng anh là hai con đang học THPT và THCS đều đạt kết quả tiên tiến nhiều năm liền.

Theo ông Nguyễn Vũ Quốc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa An, theo chuẩn mới của thành phố, phường từ chỗ có 42 hộ nghèo, nay tăng lên 351 hộ, chiếm gần 6% tổng số hộ dân của phường. Đặt mục tiêu xóa nghèo bền vững, không để tái nghèo, phường tổ chức đối thoại tìm hiểu nhu cầu của từng hộ. Qua đó hỗ trợ phương tiện hoặc vốn theo yêu cầu ngành nghề hộ nghèo cần.

Đối với những hộ quá khó khăn, Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ thêm 200 ngàn đồng/tháng, giúp các hộ khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để mưu sinh. Năm nay phường đặt chỉ tiêu đưa 120 hộ thoát nghèo. “Trao “cần câu” cho người nghèo, nhưng chính quyền và Mặt trận phường vẫn theo sát tình hình làm ăn của các hộ. Nếu thấy không ổn thì tư vấn cho họ chuyển hướng khác hiệu quả hơn” - Ông Quốc cho biết.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.