.

Tri ân những cống hiến

.

Nằm trên dải đất miền Trung anh hùng, đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 10% dân số được xác nhận có công cách mạng theo Pháp lệnh Người có công. Trong 34 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhất là trong gần 13 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, thành phố đã có nhiều chủ trương, chínhsách đột phá nhằm thể hiện sự tri ân trước sự hy sinh, mất mát của những thế hệ vì sự nghiệp chung của đất nước.

Các gia đình chính sách, người có công luôn được quan tâm cả về vật chất và tinh thần.TRONG ẢNH: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và lãnh đạo thành phố thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở quận Thanh Khê.

Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Quyết định số 118/1996/QĐ-TTg ngày 27-2-1996 cũng như thực hiện Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, Đà Nẵng đã mạnh dạn đưa ra những mức hỗ trợ cao hơn mặt bằng chung cả nước, đồng thời có những điều chỉnh hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của đất nước và thành phố.
 
Nếu như năm đầu tiên thực hiện, mức hỗ trợ được đề ra là từ 18,2 triệu đồng đến 28 triệu đồng theo 5 bậc đã được quy định, thì đến năm 2002, mức hỗ trợ này được điều chỉnh lên 20 đến 35 triệu đồng. Đến cuối năm 2008, trước tình hình lạm phát, giá cả tăng cao, lãnh đạo thành phố một lần nữa điều chỉnh mức này lên 28 đến 45 triệu đồng. Đây cũng chính là giai đoạn thành phố đẩy mạnh công tác giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị, nên số tiền hỗ trợ theo chính sách không phải là nhỏ.

Không dừng lại ở đó, trước thực trạng nhiều gia đình chính sách vẫn còn khó khăn về nhà ở, thành phố chủ trương đề ra và thực hiện chương trình xóa nhà tạm cho gia đình chính sách. Theo ông Thái Đình Hoàng, Trưởng phòng Chính sách-Người có công thuộc Sở LĐ-TB-XH thành phố, thực hiện chủ trương này, trong giai đoạn từ năm 2002-2005, thành phố đã huy động tổng lực hơn 12 tỷ đồng, góp cùng khoảng 8 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho hơn 1.200 hộ gia đình chính sách.

Kết quả của chương trình này, Đà Nẵng đã cơ bản xóa hết nhà tạm cho đối tượng chính sách; những trường hợp phát sinh qua từng năm sau năm 2005 đã được các quận, huyện huy động xã hội cũng như nguồn ngân sách để triển khai thực hiện, bảo đảm cho các hộ gia đình chính sách có chỗ ở ổn định, vươn lên cùng sự phát triển của thành phố. Phát huy chương trình này, giai đoạn 2007-2008, thành phố triển khai chương trình hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách loại 1 là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh loại 1, với mức hỗ trợ từ 10 - 15 triệu đồng mỗi đối tượng.

Đối với việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ năm 2007, Đà Nẵng quy định mức tối thiểu phụng dưỡng cho các Mẹ là 500 nghìn đồng mỗi tháng; nếu các đơn vị nhận phụng dưỡng không cấp đủ mức quy định, thì thành phố sẽ chi thêm từ ngân sách thành phố cho đủ. Khoản tiền chi thêm này hằng năm khoảng 200 triệu đồng. Đồng thời, thành phố cũng đã có nhiều chính sách linh hoạt nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống.

Cuối năm 2008, thành phố quyết định trợ cấp đột xuất trong 4 tháng cuối năm 2008 cho 1.153 đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng mỗi tháng. Tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ này lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ quan tâm đến người có công trên địa bàn Đà Nẵng, thành phố cũng đã dành sự quan tâm chia sẻ về vật chất và tinh thần cho những người có công tại các địa phương bạn như tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng kết nghĩa và các địa phương khu vực miền Trung. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hằng năm, lãnh đạo thành phố đi thăm, tặng những món quà tình nghĩa ấm áp. Cùng với việc hỗ trợ tỉnh Quảng Nam anh em 9,8 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa, mới đây, thành phố tiếp tục hỗ trợ 2 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho 100  gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi...

Để có được sự quan tâm lớn về vật chất và tinh thần đó, bên cạnh ngân sách thành phố, huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, đơn vị..., thì người dân Đà Nẵng đã góp sức một cách tích cực vào các chương trình ý nghĩa này. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố cho biết, các khoản đóng góp của người dân qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hằng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra.
 
Như trong năm 2008, mặc dù tình hình kinh tế thành phố bị ảnh hưởng bởi lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân toàn thành phố đã tham gia rất tích cực vào việc đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền hơn 6,812 tỷ đồng, tăng 24,19% so với năm 2007.
 
Với nguồn kinh phí đó, thành phố đã hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp gần 200 nhà ở cho hộ người có công gặp khó khăn; gần 1,3 tỷ đồng trợ cấp khó khăn và chăm sóc sức khỏe người có công bị ốm đau, bệnh tật dài ngày; hơn 1 tỷ đồng cùng với nguồn kinh phí Trung ương ủy quyền để tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang và mộ liệt sĩ... Trên tinh thần đó, năm 2009, thành phố tăng mức vận động lên 21,46% so với năm 2008 để bảo đảm nguồn kinh phí cho mục tiêu phục vụ của Quỹ; góp phần tăng cường công tác xã hội hóa về chăm sóc người có công...

Bài và ảnh: Anh Quân

;
.
.
.
.
.