.

Từ một quá khứ anh hùng

.

Được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ nhất từ năm 1969, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã và đang vững vàng đi lên, phát triển kinh tế-xã hội trên nền tảng của quá khứ đau thương mà anh dũng. Sinh và lớn lên ở vùng đất anh hùng, người dân Hòa Hải  không bao giờ có thể nguôi quên những năm tháng mà cả quê hương đã đứng lên trên bom đạn quân thù.

Như “chim có tổ”, như “người có tông”

Về Hòa Hải vào những ngày tháng tư này, đi thăm ngôi trường tiểu học Mai Đăng Chơn mới thấy được tình cảm của những người còn sống đối với người đã khuất. Ngôi trường mang tên liệt sĩ Mai Đăng Chơn, người con ưu tú của thôn Trà Lộ. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, với cương vị là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, ông lặn lội khắp làng xã vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu cao trào khởi nghĩa ở huyện Hòa Vang. Ngoài ra, tên ông còn được đặt cho một con đường ở phường Hòa Quý.

Cô Lê Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thầy và trò nhà trường rất tự hào được giảng dạy và học tập dưới ngôi trường mang tên Mai Đăng Chơn, bởi đây là người đã sống và chiến đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp trên chính mảnh đất mình sinh ra. Ngoài ra, nhà trường đã kết hợp với UBND phường Hòa Hải cùng cơ sở đá mỹ nghệ Nguyễn Hùng tạc tượng liệt sĩ Mai Đăng Chơn, nhằm tạo được ấn tượng cho học sinh toàn trường.
 
Đây cũng là cách giáo dục cho thế hệ trẻ thêm yêu quê hương và sống có lý tưởng hơn; tiếp thêm ngọn lửa cho lớp trẻ học tập và phấn đấu, vì một Hòa Hải nói riêng và Ngũ Hành Sơn nói chung trong chặng đường dài phía trước.

Trong ký ức của bà Mai Thị Rân, người được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) duy nhất còn sống hiện nay của phường Hòa Hải vẫn luôn hiện rõ những thôn xóm như Đông Trà, An Nông, Trà Lộ, Tân Lưu với một thế hệ thanh niên đã ngã xuống dưới bom đạn kẻ thù và bao gia đình có 5, 6 người con thân yêu lần lượt ra đi mãi mãi. Cùng sinh ra và lớn lên như bà Rân ở xã Hòa Hải  thời ấy còn có AHLLVTND Huỳnh Thị Anh, Trần Văn Hai, Phạm Nổi, Anh hùng lao động Trần Văn Giảng.

Theo ông Nguyễn Cách, cán bộ văn hóa-xã hội phường Hòa Hải, hiện nay phường đang đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 2 liệt sĩ Mai Đăng Chơn và Lê Cẩn. Họ là những người con ưu tú của quê hương trên trận tuyến đánh giặc, giành lại từng tấc đất, từng mái nhà dưới làn bom rơi, đạn nổ. Tri ân những người đã ngã xuống vì mảnh đất này là một việc mà suốt bao nhiêu năm sau chiến tranh, người Hòa Hải luôn hướng tới, như “chim có tổ” như “người có tông”.

Đi qua chiến tranh, toàn phường hiện nay có 11 Bà mẹ VNAH còn sống trong tổng số 90 mẹ và 293 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những con số ghi dấu một quá khứ không dễ lãng quên của quân và dân Hòa Hải trên trận tuyến chống quân thù. Sau giải phóng, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung phá gỡ bom mìn, khai hoang vỡ hóa tổ chức sản xuất, Hòa Hải nhanh chóng thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đồng thời khôi phục lại các ngành nghề truyền thống, xây dựng HTX Mỹ nghệ đá Non nước, HTX nghề cá, HTX sản xuất vôi, HTX đồ mộc và các ngành nghề khác… để giải quyết công ăn việc làm, khai thác tiềm năng nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Phát huy truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, cuộc sống của người dân Hòa Hải đã từng bước đổi thay. 

Một Hòa Hải mới

AHLLVTND Mai Thị Rân cùng Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tướng Lê Thế Tiệm trong một cuộc gặp gỡ. 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch phường Hòa Hải cho biết, Hòa Hải hiện nay có 19% dân số làm nghề tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị thu được hằng năm ước tính khoảng 50 tỷ đồng, tập trung vào các ngành dịch vụ, du lịch và điêu khắc đá mỹ nghệ. Đặc biệt với làng đá mỹ nghệ, kết hợp với những dịch vụ phục vụ du lịch tại địa phương, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi đáng kể, thu nhập ngày càng cao theo chiều hướng ổn định.
 
Theo ông Trần Xuất, cựu chiến binh và cũng là chủ cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh, hiện nay làng đá Non Nước có trên 200 cơ sở với hơn 1.000 lao động. Thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, tùy theo khả năng và tay nghề. Riêng thợ xẻ đá, mài nhẵn, đánh bóng... thu nhập từ 700.000 -  1.000.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Viết Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hải cho biết: Hiện nay, toàn phường có 352 hội viên. Trong thời chiến, họ là những con người dũng cảm, kiên cường, nhất là ở vùng An Nông, Trà Lộ. Trong thời bình, họ cũng tỏ ra xuất sắc trong quá trình phát triển kinh tế. Hiện nay, có 16 hội viên sản xuất giỏi, đóng góp đáng kể sức người, sức của vào phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ gia đình khó khăn. Đặc biệt gia đình ông Nguyễn Văn Là, Trần Xuất, Mai Thanh Đông còn sử dụng lao động địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho những đối tượng là con em gia đình cách mạng, tạo nên sợi dây liên kết trong cộng đồng.

Đi lên từ truyền thống đó, quá trình đô thị hóa trên địa bàn Hòa Hải diễn ra nhanh chóng, phường đã làm tốt công tác vận động các khu dân cư, các tổ dân phố đóng góp xây dựng công trình đường giao thông và hệ thống thoát nước; tăng cường giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ, giữ gìn tôn tạo danh thắng quốc gia, sắp xếp các hộ buôn bán nhỏ, lập lại trật tự, văn minh đô thị. Khu đô thị Hòa Hải rộng 5,1 ha đã hoàn tất hạ tầng.

Khu phố chợ Hòa Hải mở rộng 12 ha đang được khẩn trương xây dựng. Khu đất 34 ha dành để bố trí cho các hộ dân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước và khu tái định cư phía tây làng đá mỹ nghệ Non Nước rộng 76,1 ha cũng đang được triển khai. Theo kế hoạch, con đường mang tên liệt sĩ Mai Đăng Chơn sẽ được mở rộng làm trục giao thông liên kết với đường Nguyễn Hữu Thọ bằng những cây cầu lớn nối hai bờ đông - tây sông Vĩnh Điện từ phường Hòa Quý lên phường Hòa Xuân. Từ đó, liên kết với các khu đô thị ở phía tây sông Vĩnh Điện (thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) lên quốc lộ 1A.

Về Hòa Hải những ngày này, có cảm giác toàn phường hiện như một công trình lớn, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhiều công trình nhà ở, dân sinh dần bước vào giai đoạn hoàn thành. Lấp lánh, một gương mặt Hòa Hải thật mới ở tương lai.

 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Hòa Hải (cũ) đã đóng góp sức người, sức của vào công cuộc giải phóng đất nước, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1969. Tiếp đó, vào ngày 24 tháng 6 năm 2005, Hòa Hải tiếp tục nhận được danh hiệu cao quý này lần thứ 2.

Hiện nay, toàn phường có 11 Bà mẹ VNAH còn sống trong tổng số 90 mẹ, 293 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Toàn phường có 5 người được phong tặng danh hiệu anh hùng, trong đó 4 người được phong AHLLVTND là Huỳnh Thị Anh, Trần Văn Hai, Phạm Nổi (đã mất), Mai Thị Rân. Anh hùng lao động Trần Văn Giảng (đã mất).

 

TIỂU YẾN




;
.
.
.
.
.