Bạo hành trong gia đình là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người trong cuộc. Nạn nhân của bạo hành gia đình bị tổn thương về thể xác, tinh thần, dẫn đến mất sức khỏe, sang chấn tâm lý, thiếu nhiệt huyết với cuộc sống, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội...
Mọi thành viên trong gia đình đều có thể là nạn nhân trong những vụ bạo hành gia đình. Trên thực tế, cũng còn những hành vi con cái ngược đãi, hắt hủi cha mẹ; bạo lực của phụ nữ đối với nam giới... Nhưng cần nhận thấy rằng, bạo lực giới nói chung và bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hiện tượng xã hội không mới, song nó vẫn phát triển mạnh, đa số nhằm vào phụ nữ và rất khó kiểm soát. Đây là vấn đề có nguồn gốc từ văn hóa, xã hội. Người phụ nữ thường bị lệ thuộc vào chồng, họ ở thế thấp hơn người đàn ông về mọi mặt: vai trò, vị trí, kinh tế, quan hệ… Hơn nữa, do tâm lý giới và tư tưởng “xuất giá tòng phu”, hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng chồng (thậm chí còn chấp nhận bị bạo hành nếu cảm thấy mình có lỗi), tìm mọi cách che giấu bộ mặt thực của hôn nhân. Vì vậy, cộng đồng thường chỉ phát hiện được những vụ bạo hành nghiêm trọng.
Trên thực tế có không ít những người phụ nữ bị hành hạ một cách dã man, nhưng hầu hết họ đều vì mặc cảm, vì con cái, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” làm xấu hổ gia đình nên thường cố gắng chịu đựng. Tâm lý nhún nhường, nhẫn nhịn của những người phụ nữ Á Đông vẫn không cho họ cái quyền được nói lên sự thật. Bên cạnh đó, còn phải kể đến thói gia trưởng của người đàn ông, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn đang tồn tại trong xã hội. Một số tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trai gái… cũng là những yếu tố kích thích chuyện BLGĐ mạnh mẽ hơn.
Trong Luật Phòng chống BLGĐ, những hành vi được coi là bạo lực gia đình như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh chị em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở...
BLGĐ chỉ có thể giảm đi khi chúng ta tác động đến tận gốc của vấn đề. Tức là phải thay đổi những chuẩn mực và giá trị truyền thống không còn phù hợp cho phép nạn BLGĐ diễn ra. Cần có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời để bảo vệ nạn nhân, tăng cường các dịch vụ xã hội cho nạn nhân bị bạo hành như y tế, tư vấn tâm lý tình cảm, tư vấn pháp luật… để giúp những nạn nhân của BLGĐ tự tin hòa nhập với cộng đồng. Các hình thức xử phạt của pháp luật phải thật nghiêm minh.
Vấn đề BLGĐ chỉ giảm khi ý thức cộng đồng được nâng lên. Chính vì vậy, mỗi người cần có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này. Nhà nước với những chính sách cụ thể cũng là một nhân tố quan trọng có thể bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nghiêm khắc trừng trị những người gây ra bạo lực trong gia đình để làm gương, đồng thời không ngừng tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác phòng chống BLGĐ. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được những gia đình thực sự theo đúng nghĩa và mang giá trị truyền thống.
QUỐC TÍN
.
.
Vì một mái ấm gia đình không bạo lực
Thứ Năm, 23/04/2009, 08:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.