Tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ IX có nhiều tham luận của các tổ chức thành viên Mặt trận khẳng định chương trình thống nhất, phối hợp hành động do Mặt trận chủ trì đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đồng thuận xã hội, huy động nguồn lực lớn trí tuệ, công sức, vật chất phục vụ cho mục tiêu đưa thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững. Báo Đà Nẵng xin trích đăng một số tham luận.
* Bác sĩ LÊ NGỌC DŨNG, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài thành phố:
Làm cầu nối để kiều bào hướng về quê hương
. |
Thông qua hoạt động của Hội, kiều bào ta đã nắm và hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời khuyến khích bà con kiều bào tham gia công cuộc đổi mới đất nước. Trong những năm đất nước còn khó khăn, kiều bào đã hướng về thành phố với nhiều hoạt động thiết thực như:
Chị Lệ Lý làm cầu nối để Tổ chức Đông Tây hội ngộ hoạt động từ thiện-xã hội, GS John Lê Văn giúp chương trình đào tạo y, bác sĩ cho Bệnh viện Đà Nẵng. Gần đây là GS Trần Kim Anh, Vương Ngọc Diệp hỗ trợ cho chương trình khởi động công nghệ thông tin tại Trung tâm Phần mềm Đà Nẵng. Ngoài sự viện trợ về vật chất, nhiều giáo sư, luật sư, kỹ sư tình nguyện đưa các chuyên gia quốc tế đến giúp Đà Nẵng đào tạo cán bộ chuyên môn cho thành phố. Kiều bào đã gửi tiền về đóng góp xây dựng cầu Sông Hàn; giúp đồng bào trong nước đầu tư làm ăn, giúp người nghèo xóa nhà tạm. Kiều hối gửi về Đà Nẵng mỗi năm một tăng thêm. Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 47 doanh nghiệp kiều bào có tổng vốn đầu tư 34,3 triệu USD và hơn 34 tỷ đồng.
MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Cộng đồng người Việt Nam vẫn là một tiềm lực rất lớn cần thiết cho công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của Hội LLNVNONN thành phố là tiếp tục phát huy vai trò cầu nối kiều bào với đất nước, đưa Nghị quyết 36/NQ-TW đi vào cuộc sống, huy động nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
* Linh mục NGUYỄN TRÍ DŨNG, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố:
“Nhà đồng tâm” góp phần xóa nhà tạm
. |
Đó là Chương trình “Nhà đồng tâm”, một sáng kiến và là nỗ lực của Giám mục cùng với tất cả cộng đoàn giáo phận, người trong nước cũng như ngoài nước. Cho đến nay, chúng tôi ghi nhận chương trình “Nhà đồng tâm” đã vươn tới ngôi nhà thứ 500, với tổng số vốn là 5,2 tỷ đồng. Ngôi nhà có trị giá thấp nhất là 19 triệu đồng ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ngôi nhà có trị giá cao nhất là 105 triệu đồng ở Hòa Thuận Tây (Hải Châu). Gia chủ đã huy động đủ số vốn cần thiết để có thể làm nhà vừa ở, vừa để kinh doanh. Chương trình “Nhà đồng tâm” cũng không hoàn toàn dành cho người có đạo, vì thế, trong thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có 33 nhà đồng tâm là những đồng bào lương dân trong khu vực xứ đạo.
Sau hai năm rưỡi thực hiện, chương trình “Nhà đồng tâm” đã có những kết quả xác thực. Đó là niềm vui của người tín hữu sống đạo trong thời đại mới, yêu thương chia sẻ gian khó với nhau, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để người nghèo có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống. Và thiết tưởng cũng là niềm vui của chính quyền khi xóa đi những nhà tạm, nhà tan nát vì thiên tai.
* Thượng tọa THÍCH THIỆN NGUYỆN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo
Đà Nẵng:
Để nhà nhà, người người làm việc thiện
|
Mỗi lần có thiên tai, các hoạt động từ thiện của Phật giáo lại diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Hầu hết các chùa đều có Ban Từ thiện-xã hội để hoạt động. Để minh họa, tôi xin nêu ra một vài con số cụ thể mà Phật giáo Đà Nẵng đã làm được trong năm 2008 như sau: Tuệ Tĩnh đường Pháp Lâm khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí với tổng kinh phí hơn 108 triệu đồng cho 5.090 người. Tổng kinh phí cho các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS 850 triệu đồng. Các công tác từ thiện khác do Ban Từ thiện-Xã hội Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng thực hiện với tổng giá trị lên 2,821 tỷ đồng.
Tuy đã đạt được một số thành tích đáng kể vừa nêu, song Phật giáo vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình trong công tác từ thiện-xã hội. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, muốn công tác từ thiện được hoàn thành tốt đẹp phải vận động người người, nhà nhà cùng tham gia, trước hết là với tinh thần tự nguyện. Vì chỉ có với tinh thần này thì công tác từ thiện mới thực sự lâu dài, bén rễ sâu bền trong nhân dân được.
* Ông TRƯƠNG PHƯỚC ÁNH, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố:
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì cộng đồng
|
Ở đây, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố đã thể hiện rất rõ vai trò của mình trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo chuyên đề, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, xây dựng và tham gia các giải thưởng với hệ thống tiêu chí vừa mang tính định hướng, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình. Trong thời gian qua, các doanh nhân trẻ đã đóng góp cho xã hội, cho thành phố nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần vào chương trình có việc làm của thành phố.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp ngày càng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nhân gắn liền với việc tôn trọng pháp luật, giữ đúng chữ tín với khách hàng và đối tác, chú trọng lợi ích người tiêu dùng, quan tâm đến hoạt động vì cuộc sống cộng đồng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, xây dựng doanh nghiệp trở thành môi trường văn hóa của người lao động. Hội Doanh nghiệp trẻ đã xem việc xây dựng văn hóa doanh nhân là một trong những việc làm thường xuyên nhất để tham gia xây dựng chương trình có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.
Hội Doanh nghiệp trẻ có vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời động viên doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, ủng hộ các chính sách của Nhà nước.
Hội đã tổ chức cho hội viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các luật do Quốc hội ban hành, tham gia đối thoại cùng Chính phủ và các bộ, ngành, tham gia diễn đàn đối thoại công-tư, các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Hội đã vận động hội viên nỗ lực tham gia hoạt động vì cuộc sống cộng đồng.
Hội đã đóng góp nhiều tỷ đồng giúp đồng bào bị thiên tai, người nghèo, xây nhà đại đoàn kết, đóng góp thiết thực vào chương trình có nhà ở của thành phố. Hội cũng đã tham gia chương trình nghĩa tình biên giới, hải đảo, chương trình vì thanh niên lập nghiệp, phối hợp với các trường đại học hướng dẫn, hỗ trợ thực tập, đối thoại với sinh viên, thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ.
ĐOÀN SƠN (lược ghi)