.

Ba điều kiện để phòng dịch

Ít khi đất nước đứng trước nhiều công việc khẩn trương như hiện nay: chống ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đề phòng những diễn biến bất thường của thời tiết, chống các dịch bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng con người và gia súc. Chỉ riêng trên lĩnh vực chống dịch bệnh, đã có 3 bệnh cần hết sức cảnh giác là dịch cúm A (H1N1), dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm nhiều trường hợp có phẩy khuẩn tả, dịch sốt xuất huyết có mặt ở 35 tỉnh trong cả nước.

Dịch cúm A ( H1N1) phát hiện đầu tiên ở Mê-hi-cô hiện đã lây lan ra 43 nước trên thế giới với trên 12.000 người mắc bệnh, ít nhất 86 người đã tử vong. Nhiều quốc gia láng giềng với ta như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… đã có người mắc bệnh và tử vong. Tại Mỹ, số bệnh nhân cúm đã tới trên 5.000 người ở 41/50 bang. Nhật Bản đã đóng cửa trên 4.000 trường học để ngăn ngừa dịch.

Trung Quốc đã cách ly tất cả những người từng đi chung chuyến máy bay với người bị bệnh… Mặc dù đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, lập hàng rào kiểm soát dịch ở các sân bay quốc tế nhưng còn quá nhiều việc phải làm nếu không muốn dịch thâm nhập, như tăng cường các thiết bị phát hiện, thành lập các khu cách ly, chuẩn bị vắc-xin phòng bệnh, v.v… Dịch cúm A (H1N1) đã từng giết chết 50 triệu người trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ nhất do không cách ly được người bệnh và không đủ vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) đã nâng tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn dịch lên cấp 6, cấp đặc biệt nguy hiểm, nhưng ở nước ta, người dân vẫn biết rất ít và gần như chưa có ý thức đề phòng bệnh dịch này.

Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm trái lại, đang là một dịch cục bộ, chủ yếu là ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Tuy là bệnh dịch cục bộ và không phải bệnh nhân nào cũng dương tính với phẩy khuẩn tả nhưng đến nay, bệnh đã lan ra 15 tỉnh, khiến hàng trăm người mắc bệnh và trong đó đã có trường hợp tử vong. Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ độ lây lan lại rộng và nhanh như vậy.

Người ta đi tìm nguyên nhân lây bệnh và gần như đều đi đến kết luận là do nguồn nước và thức ăn không bảo đảm vệ sinh, nhưng đó là thức ăn gì, nguồn nước ở đâu thì còn rất thiếu chắc chắn. Qua lời kể của bệnh nhân, nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy là do ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống và người ta cũng đã phát hiện được phẩy khuẩn tả ở những địa điểm và nguồn nước có liên quan đến thịt chó nhưng còn những nguồn nước, thức ăn không liên quan đến thịt chó, nhưng rất mất vệ sinh có thể truyền bệnh như thịt gia súc, gia cầm nhiễm khuẩn, các cửa hàng, các ao sông thì vẫn chưa được nhìn đến.
 
Quan trọng hơn là ý thức phòng bệnh, chữa bệnh của người dân còn rất hạn chế từ giữ vệ sinh nơi ở, nguồn nước, chợ búa, thực phẩm. Chính ý thức phòng và chữa bệnh của mỗi người dân còn thấp như hiện nay đã triệt tiêu phần lớn cố gắng phòng trừ dịch bệnh cộng đồng.

Một bệnh khá phổ biến nữa là bệnh sốt xuất huyết, một bệnh do siêu vi trùng và lây qua muỗi. Trong khi phải đổ rất nhiều tiền của để chữa trị thì chính điều kiện chật chội, mất vệ sinh ở các bệnh viện, tình trạng ao tù nước đọng ở nông thôn đã trở thành điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của bệnh thông qua muỗi trung gian. Chỉ cần một bệnh nhân sốt xuất huyết không nằm màn có thể lây bệnh cho rất nhiều người xung quanh.

Chống lại ba bệnh dịch nguy hiểm trong khi các phương tiện ngăn chặn bệnh không đầy đủ, môi trường mất vệ sinh và ý thức phòng bệnh, chữa bệnh của người dân chưa cao là một công việc vô cùng khó khăn. Nhưng nếu trang thiết bị, thuốc men không thể đầy đủ ngay vì nước ta còn nghèo thì hai điều kiện sau- nâng cao ý thức người dân và giữ vệ sinh môi trường - lại không nhất thiết phải có thật nhiều tiền, chỉ cần những người có trách nhiệm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.