.
BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ VỀ XE CƠ GIỚI

Còn nhiều bất cập

.

Theo Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an, từ ngày 25-4, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự về xe cơ giới. Theo đó, với  chủ phương tiện mô-tô, xe gắn máy khi tham gia lưu thông trên đường mà không có hoặc không đem theo giấy bảo hiểm sẽ bị phạt 100 nghìn đồng, với xe  ô-tô, mức phạt là 500 ngàn đồng/trường hợp.

CSGT đang kiểm tra giấy bảo hiểm xe cơ giới trên đường Trường Chinh.

Thông tư được ký vào ngày 25-2, thời gian áp dụng từ 25-4, đây là quỹ thời gian tương đối ngắn để một chính sách “thẩm thấu” vào cuộc sống. Tuy nhiên, qua những ngày đầu tiên tiến hành kiểm tra của CSGT cho thấy tỷ lệ chủ phương tiện mua bảo hiểm rất cao.

Theo nhận xét của Thiếu tá Lê Nho Tấn, Đội phó Đội CSGT Hòa Cầm,  kiểm tra trên tuyến quốc lộ 1A từ Hòa Phước đến Ngã ba Huế, 100% ô-tô đều có bảo hiểm, trong khi đó đối với xe gắn máy, mô-tô, tỷ lệ này khoảng 90%. Thiếu tá Lê Nho Tấn cho hay, chỉ có thể kiểm tra tỷ lệ nhỏ phương tiện giao thông và chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ chạy xe tốc độ cao, nếu kiểm tra theo kiểu “dàn hàng ngang” trên đường thì tỷ lệ này sẽ cao hơn nhiều.
 
Còn theo Thiếu tá Võ Đình Quận, Đội phó Đội CSGT quận Thanh Khê cho biết, trung bình một ca trực khoảng 4-5 tiếng đồng hồ trên đường đã lập biên bản khoảng từ 40-50 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó nhiều nhất vẫn là không có giấy bảo hiểm, hoặc “quên” mang theo.

So với thời điểm trước khi Nghị quyết 32 của Chính phủ ra đời, có thể thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân tăng lên đáng kể. Biểu hiện rõ nhất là việc người dân nghiêm túc đội MBH mỗi khi điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường, cũng như có các loại giấy tờ cần thiết như đăng ký xe, bằng lái, bảo hiểm…

Tuy nhiên, theo nhận xét của lực lượng CSGT, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này vẫn mang tính đối phó với cơ quan chức năng là chính, chứ chưa thực sự ý thức đầy đủ về việc làm này. Một dẫn chứng là hiện nay trên đường có không ít người vẫn mang theo MBH, nhưng chỉ đội khi thấy lực lượng CSGT xuất hiện. Về việc mua bảo hiểm, trên thực tế có nhiều người khi xuất trình giấy với CSGT thì mới biết giấy đã quá hạn.

Theo giải thích của họ thì sợ phạt nên mua bảo hiểm, chứ cũng không chú ý lắm về thời hạn. Qua tìm hiểu của chúng tôi với những người vừa bị CSGT lập biên bản xử phạt vì không có giấy bảo hiểm bắt buộc, đa số cho rằng họ không biết đến thông tin này. Ngược lại, cũng có trường hợp cho biết không thích mua bảo hiểm, vì thủ tục giải quyết đền bù  khi xảy ra tai nạn vừa nhiêu khê vừa chậm.

Ngoài những lý do trên, ở đây còn một lý do nữa là công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Chủ sở hữu ô-tô gần như 100% mua bảo hiểm, vậy mà công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn cứ tập trung vào họ. Trong khi đó, tỷ lệ chủ phương tiện xe gắn máy, mô-tô mua bảo hiểm còn thấp lại gần như chưa được chú ý đến. Đa số người dân mua bảo hiểm cho phương tiện của mình thông qua sự nỗ lực từ các đại lý, hơn là các chương trình tuyên truyền tính chính thống trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Mua bảo hiểm cho xe cơ giới là cách làm giải quyết được nhiều cái lợi cùng lúc và được nhiều quốc gia thực hiện. Chính vì thế trong thời gian đến, để việc mua bảo hiểm thực sự được người dân ủng hộ, trước hết phải giải quyết được những tồn tại nêu trên.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.