(ĐNĐT). Công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế để tiếp nhận thông tin phòng, chống dịch cúm A/H1N1
. Bệnh viện tư nhân có người nước ngoài nằm viện cần giám sát chặt sức khoẻ người bệnh
Ngày 3-5, Bộ Y tế cho biết vẫn chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam. Tại thời điểm này, Bộ đang dự trữ 880.000 viên Tamiflu, hơn 20.880 khẩu trang phòng dịch loại N95. Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch, Bộ Y tế thì số thuốc Tamiflu trên đủ dùng trong giai đoạn đầu nếu dịch cúm A/H1N1 xảy ra.
Tiếp tục giám sát sức khoẻ hành khách tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. |
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho rằng biện pháp phòng chống và ngăn chặn hiệu quả nhất phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của đa số người dân. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Không nên đi đến các vùng đang có dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị lực lượng kiểm dịch y tế biên giới siết chặt các hoạt động giám sát, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam theo tinh thần đã thống nhất tại các cuộc họp cụ thể giữa Bộ Y tế với bộ phận làm việc tại các sân bay Quốc tế tại Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trước việc Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch cúm A/H1N1 ở người lên mức 5, sát với cấp đại dịch, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả phải nhanh chóng lập đường dây nóng về dịch bệnh, để cập nhật thông báo kịp thời, đồng thời tư vấn hướng dẫn người dân phòng chống dịch. Ngoài ra, các Trung tâm Y tế dự phòng phải cử người trực giám sát 24/24 tại các bệnh viện, các cơ sở trên địa bàn, để phát hiện sớm trường hợp đầu tiên, xử lý kịp thời. Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, để chuẩn bị đối phó với nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1, Cục đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trên khẩn trương thống kê số máy thở hiện còn sử dụng được. Theo báo cáo mới nhất của 13 bệnh viện tuyến trung ương, hiện có 401 máy thở, 376 máy sử dụng được. Tuy nhiên, số máy này đều đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí đã hết khấu hao. Hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng có khoảng 20 máy thở, tuy nhiên do lượng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải nên tất cả số máy thở này được bố trí tại khoa Hồi sức cấp cứu để phục vụ điều trị bệnh nặng hàng ngày tại bệnh viện. Bác sĩ Trần Quang Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, trong cuộc họp với lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và môi trường vừa qua, Bệnh viện đề nghị bổ sung thêm một số máy móc để chủ động hơn trong điều trị bệnh, nhất là bệnh nhân bị suy tạng nặng. Theo bác sĩ Hiếu, vì bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu luôn trong tình trạng nguy kịch và quá tải, nếu phải điều động máy đi nơi khác thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Ngày 3-5, Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng công bố số điện thoại đường dây nóng của Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế (0913407809) phụ trách phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế thành phố để trao đổi nhanh thông tin về tình hình ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn./. |
Tin và ảnh: Việt Dũng