.

Cần một chế tài đủ mạnh để hạn chế tai nạn giao thông

.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà  nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Điều này chủ yếu là do tính răn đe và giáo dục của pháp luật chưa cao; công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông chưa phát huy hết hiệu quả. 

 

Dù nhiều ngành, nhiều cấp tổ chức tuyên truyền, nhưng việc tuyên truyền lại chưa thường xuyên, liên tục mà thường làm theo kiểu “chiến dịch”, hết “chiến dịch” rồi thôi. Mặt khác, công tác tuyên truyền còn nặng về hình thức, thiếu sự đầu tư để nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ, tâm lý của đối tượng được tuyên truyền (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) nên không có sức thu hút.

Liên quan vấn đề này phải kể đến vai trò của lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT), công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chưa nghiêm minh. Có nhiều người, hễ thấy  CSGT thì chấp hành nghiêm túc, nhưng không có CSGT thì “sẵn sàng” vi phạm như phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, uống rượu bia say, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... (ảnh trên, chụp trên đường Nguyễn Văn Thoại); hoặc những phương tiện cơ giới tham gia giao thông không bảo đảm độ an toàn như xe trộn bê-tông vẫn nghênh ngang chạy trên đường phố, bất chấp nguy hiểm rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào... (ảnh dưới, chụp trên đường Cù Chính Lan).

 

Ngoài ra, trong thực tế, hoạt động của CSGT vẫn nặng về xử phạt mà mức xử phạt thì chưa đủ sức răn đe với một số đối tượng. Hệ quả là nhiều người vi phạm vừa bị xử lý xong lại vẫn tiếp tục vi phạm.

Để chủ động kiềm chế TNGT có hiệu quả, điều cần làm hiện nay không chỉ là việc đi tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện, mà thực hiện các giải pháp như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đoàn thể cũng cần phát huy hết trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục.

QUỐC TÍN
 

;
.
.
.
.
.