.

Cánh cung phố núi

.

Chiều xuống chậm dần bên kia núi. Chiếc xe 30 chỗ ngồi của Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương “nuốt” dần từng mét đường – con đường dài 14km dích dắc vắt qua những sườn núi từ đường Hồ Chí Minh vào đến trung tâm huyện Tây Giang. Những quả đồi no đầy trải dài hai bên đường như những cánh cung hướng lên bầu trời đầy mây trắng. Xe thỉnh thoảng lắc lư và người thì nôn nao mong sớm được đặt chân xuống miền đất giáp biên với nước bạn.

Một góc “phố núi” Tây Giang bên đường Hồ Chí Minh cũ.

Những ai lần đầu lên nơi được xếp vào một trong 61 huyện nghèo nhất nước này hẳn không khỏi bâng khuâng một chút, khi vượt qua đoạn đường ngoằn ngoèo cuối cùng và phía trước mở ra bức tranh lạ lẫm pha trộn giữa màu xanh của núi, màu đỏ quạch của đất bazan và màu của những tường vôi, mái ngói, đường nhựa... mới toanh hiện ra dưới nắng chiều. Vừa mới lên Tây Giang cuối tháng 8 năm ngoái, giờ trở lại, có thể cảm nhận được những đổi thay của nơi này chí ít qua những hoa văn chạm trổ, những chi tiết bài trí trong Gươl ở Làng truyền thống Cơtu.

Từ Trung tâm hành chính huyện nhìn lên, không thể hình dung được Làng có một Gươl ở giữa với 10 nhà sàn mỗi nhà có một nét riêng vây quanh phía trước tượng trưng cho 10 xã trong huyện. Muốn lên Làng, có thể tản bộ qua cầu treo vượt suối rồi leo lên những bậc cấp xi-măng xếp dọc mấy quả đồi, hoặc bám thật chặt bên trong chiếc u-oát để “bác tài” thỏa sức trèo non lội suối, mạo hiểm một chút cho chuyến đi thêm ý vị.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng và Chủ tịch huyện Priu Liêc đón chúng tôi trong Gươl, thấp thoáng nụ cười và ấm áp giọng nói bên hàng cột chạm những chú thằn lằn đỏ xanh to tướng. Mặt trời xuống thấp dần rồi mất hút sau ngọn núi xa. Gió đại ngàn lao xao nơi lưng chừng đồi, trườn qua hàng lan can gỗ rồi ùa vào trong Gươl, mơn man trên những gương mặt sáng lên dần dưới ánh đèn điện. Vừa chủ vừa khách hơn bốn chục người ngồi thành vòng tròn trong Gươl, chuyện tâm tình mở vào lòng nhau, đèn flash ghi tạc chân dung nhau vào máy ảnh.

Năm ngoái, cũng ở nơi này, già Coor Tik, một trong những nghệ nhân còn giữ được nghề chạm khắc dân tộc Cơtu ở Tây Giang, vừa trổ những nhát đục cuối cùng để hoàn chỉnh các bức tượng gỗ cho kịp trưng bày trong lễ Đâm trâu diễn ra sáng hôm sau, vừa kể cho tôi nghe ước vọng hằng bao đời của người Cơtu miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Bom đạn đã lùi xa lâu rồi, mà một cái Gươl như hồi chưa chiến tranh vẫn chưa làm được để có nơi sinh hoạt tâm linh. Cho tới khi cung đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại trong thời kỳ CNH, HĐH được hoàn thành đưa vào sử dụng mấy năm nay, cái nơi heo hút này mới được nối thông với miền xuôi.

Giờ đây, lời Chủ tịch huyện Priu Liêc tâm tình với chúng tôi phảng phất đâu đó tấm lòng của già Coor Tik: “Từ khi có đường Hồ Chí Minh, qua hơn 5 năm thông đường, Tây Giang có được sức hút mạnh mẽ từ những đầu tư lớn của Nhà nước qua con đường Trường Sơn huyền thoại trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Ngoài kinh tế, con đường đã thức tỉnh, sưởi ấm văn hóa làng Cơtu ở Tây Giang”. Nói rồi, anh Liêc trưng ra “bằng chứng”, rằng đội cồng chiêng Tây Giang vừa rồi tham gia Festival Tây Nguyên, được đồng bào mến mộ, đó là niềm tự hào của người Cơtu Tây Giang với văn hóa của dân tộc mình.

Đêm xuống. Tây Giang mát rượi gió ngàn. Trong Gươl, thấp thoáng những hoa văn, phù điêu hiện dưới ánh đèn điện. Một cái Gươl có tới 236 hình chạm khắc, huy động 32 nghệ nhân làm việc với tổng kinh phí hơn 860 triệu đồng, chưa tính nhiều ngày công bà con giúp không tính tiền. Nói như Chủ tịch huyện, con đường huyền thoại “đã thức tỉnh, sưởi ấm văn hóa làng” và mang lại điều kỳ diệu đó.

Anh Nguyễn Hữu Sáng, người mới lên nhậm chức Bí thư Huyện ủy, cũng tâm đắc với gần 16 nghìn người dân toàn huyện, trong đó trên 94% là người Cơtu, về những gì cần gìn giữ, bảo tồn ngay, nếu không sẽ mất. Anh trút gan ruột với chúng tôi: “Huyện ủy vừa ban hành nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơtu, trong đó, quan điểm chung của huyện xác định lấy văn hóa làng làm nền tảng, làm sao cho văn hóa nói chung, văn hóa Cơtu thấm đẫm vào từng nhà, từng người, từng gia đình, từng cơ quan, để biến văn hóa thành giá trị vật chất, thành nền tảng của các mục tiêu, quan điểm, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện”.

Tây Giang là vùng đất rất ác liệt trong chiến tranh, huyện vừa tổ chức các đoàn đi khảo sát các di tích lịch sử, trong đó đã phát hiện và lập hồ sơ để đề nghị công nhận di tích lịch sử cách mạng địa đạo A Xòo, xã A Nông, nằm bên đường Hồ Chí Minh “rin”. Nghe Bí thư Huyện ủy nói đến đây, anh Dương Xuân Bình, một thành viên trong đoàn đã vội nói nhỏ với tôi: Mai, đoàn mình nên đi thăm đường Hồ Chí Minh “rin”, rồi lên mốc T2, nhiều cái hay lắm!

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi - những nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà văn hiện đang công tác tại Đà Nẵng - háo hức lên đường, mỗi người “tác nghiệp” một cách theo đặc thù nghề nghiệp của mình. Từ trung tâm huyện lên đến Đồn Biên phòng 645 khoảng 2km, lên địa đạo A Xòo 5km, lên mốc T2 12km. Đường đi vượt núi băng ngàn, chỉ có u-oát với những “tay lái lụa” mới chịu được. Dừng lại bên đường Hồ Chí Minh “rin”, cả đoàn lội bộ trên một cây số vào thăm địa đạo A Xòo. Đường rừng ẩm ướt, thả chân xuống là vắt ngóc đầu đeo bám lên chân. Nhạc sĩ Công Dũng, đôi lúc “xanh mặt” vì vắt, nhưng vẫn cất tiếng hát vang: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người…”.

Đường vắng thật. Ngày trước, đường Hồ Chí Minh đoạn này đi qua đất bạn Lào, sau cột mốc T2, giờ còn lại dấu tích 12km từ T2 xuống đến A Tép, nối với đường Hồ Chí Minh mới. Chúng tôi đi dăm bước qua phía bên kia mốc, rồi bảo nhau là vừa ghé thăm huyện Kờ Lùm, tỉnh Xê Kông của Lào. Anh Nguyễn Văn Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện rất tự hào khi Tây Giang còn giữ được một tài sản vô giá là đường Hồ Chí Minh cũ, trong khi các nơi đã làm mới hết. Tỉnh Quảng Nam đã thông báo phê duyệt quy hoạch 107ha bên đường Hồ Chí Minh cũ làm khu du lịch lịch sử - sinh thái. Khu địa đạo A Xòo được lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận di tích lịch sử.

Mốc T2, nơi bắt đầu cung đường Hồ Chí Minh cũ đi qua huyện Tây Giang.

Trưa, sau bữa cơm thân tình với anh em bộ đội Đồn Biên phòng 645, chúng tôi chia tay đất và người Tây Giang, tiếp tục hành trình trên đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn. 50 năm trước, con đường huyền thoại này ra đời và làm nên lịch sử - góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, nó mở ra cơ hội mang lại sức sống mới cho những vùng biên trấn xa xôi như Tây Giang. Đêm ở lại phố núi này, nhà nhiếp ảnh Lê Hải đã thức dậy từ 4 giờ sáng, tha thẩn ghi vào máy ảnh cảnh sương giăng, cảnh núi đồi lúc bình minh. Nhạc sĩ Thái Nghĩa thì hát bài “Niềm vui phố núi” do anh sáng tác khi khởi động đường Hồ Chí Minh mới 9 năm trước: “Hỡi núi biếc, hỡi sông dài là vành nôi đời gắn bó. Phố núi mới như cánh cung đầy đang cùng nhau hướng tầm cao mới”.

Đêm ở Gươl hôm đó, chúng tôi có một vị khách bất ngờ, Doyle Thérésa, cô gái người Pháp. Qua lời phiên dịch của anh Đăng Khoa trong đoàn, cô là diễn viên xiếc, làm một chuyến đi đường Trường Sơn để cảm nhận những đổi thay của con đường xương sống phía Tây Việt Nam. Cô nâng ly rượu ba kích, một đặc sản của Tây Giang, mời chúng tôi bằng tiếng Việt: “Trăm phần trăm”. Cuộc vui đang có đà thì cô xin phép về sớm để sáng hôm sau đi Khe Sanh, hẹn ngày quay lại. Tôi tiễn cô xuống mấy bậc thang gỗ, chợt nhớ câu hát như có men của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong “Bài ca Tây Giang”: “Đêm đêm ta lên nhà Gươl chung nhau múa ca tưng bừng”. Thầm chúc cô có chuỗi ngày vui trên những cung đường Hồ Chí Minh và sớm quay lại thăm những cánh cung - phố núi mới mở ra giữa đại ngàn hùng vĩ.

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.