Trong những ngày cả nước kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, chúng tôi tình cờ gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang sống tại thành phố Đà Nẵng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được phục viên và tiếp tục với niềm đam mê nghiên cứu, học tập và có những cống hiến quan trọng cho đất nước. Đó là ông Đặng Văn Luyến, năm nay đã 78 tuổi.
Ở tuổi 78, nhưng người chiến sĩ Điện Biên năm xưa hiện nay vẫn đam mê với sự nghiệp “trồng người”. |
Năm 1951, ông được điều về Trung đoàn pháo binh 45 (còn gọi là Trung đoàn Tất Thắng). Sau đó, cả trung đoàn được đưa đi huấn luyện hơn một năm tại Trung Quốc. Năm 1953, trung đoàn về tập kết tại Tuyên Quang. Trong suốt thời gian đó, ông Luyến không cho gia đình hay biết về nơi mình đang làm nhiệm vụ.
Ông kể tiếp, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ trắc địa và trinh sát, tức là trinh sát kết hợp đo cự ly chính xác để pháo ta bắn. Quyết tâm rất cao nhưng ngay từ đầu đã xuất hiện khó khăn, đó là địa hình toàn đồi núi, rất khó xác định cự ly, trong khi sai số cho phép không quá 10 mét. Ấy vậy mà ông cùng 2 chiến sĩ khác lợi dụng thời điểm ban đêm, men theo đường hầm, giao thông hào để nhẩm tính cự ly. Để cho chắc chắn, ông đã làm 3 lần để thống nhất số liệu báo cáo lên chỉ huy. Do xác định đúng vị trí nên ngay từ đầu, các trận địa pháo của ta đã tấn công tới tấp đúng vào tọa độ quân Pháp đồn trú làm cho chúng tê liệt hoàn toàn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh cứ điểm Him Lam. Đúng 17 giờ 30 ngày 13-3-1954, pháo binh ta đồng loạt trút bão lửa xuống cứ điểm Him Lam, sân bay Mường Thanh làm cho quân địch bất ngờ, khiếp đảm. Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 nhanh chóng tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Tên chỉ huy trưởng cùng chỉ huy phó và 200 tên trong hầm bị pháo của ta tiêu diệt. Còn 286 tên sống sót bị bắt làm tù binh. Ngày 17-3-1954, Đại đội 803 được lệnh nã pháo vào cứ điểm Bản Kéo. Quân địch khiếp sợ chạy tán loạn về Mường Thanh, một số khác ra hàng.
Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Trung đoàn pháo binh và nhấn mạnh: Trong cuộc chiến đấu, pháo binh đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với bộ binh một cách vẻ vang. Trong các ngày chiến đấu, pháo binh ta đã làm cho địch kinh hoàng. Pháo binh được đón nhận cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch.
Khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” được dán trên pháo, trên báng súng, trên xe, trên mũ. Dân công nườm nượp tải đạn, tải lương, gặp nhau vui cười chào hỏi như đi trẩy hội. Mặc cho mưa gió, rét mướt, đói khát, máy bay địch đánh phá ác liệt, bộ đội, xe pháo, dân công hành quân đánh thức cả núi rừng. Những cỗ pháo to, phải rất kỳ công mới kéo được vào trận địa.
Ông Luyến nhớ mãi, sáng ngày 7-5, bộ binh ta tiến vào khu trung tâm, quân ta đi đến đâu, địch kéo cờ trắng ra hàng tới đó. Vào lúc 17 giờ 30 phút, tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn thể Bộ tham mưu quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị quân ta bắt sống. Khoảng một vạn quân địch còn lại đều bị bắt làm tù binh. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho bộ đội trước khi bước vào chiến dịch tung bay trên nóc hầm của tướng giặc, đánh dấu giờ phút vinh quang của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Riêng với chiến sĩ Đặng Văn Luyến thì kỷ niệm khó quên nhất đối với ông là cùng phối hợp với đồng đội bắn cháy một chiếc máy bay trực thăng của quân Pháp và làm thông dịch viên tiếng Pháp sau khi quân ta bắt sống và khai thác thông tin từ các tướng lĩnh, chỉ huy của địch.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Luyến được phục viên. Một năm sau, ông thi đậu vào khóa 1, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó ông được giữ lại trường làm giảng viên từ năm 1960 đến năm 1980. Năm 1980, ông học tiến sĩ ở Đức. Hiện nay GS-TSKH Đặng Văn Luyến là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng tư thục Đức Trí, có trụ sở tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG