Sau gần 20 ngày triển khai, hoạt động đánh giá mức độ và ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu tại Đà Nẵng, sáng 23-5, Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) đã đưa ra báo cáo phản hồi về hiểm họa và ảnh hưởng tại thành phố Đà Nẵng do tác động biến đổi khí hậu. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến.
Triều cường xâm thực đã làm cho một số nhà dân trên địa bàn quận Liên Chiểu bị đổ nát. |
Theo điều tra của CtC ở các khu dân cư, tình trạng nhà cấp 4 đã xuống cấp còn nhiều, nhất là những khu vực đang chờ giải tỏa; hệ thống thoát nước chưa được đấu nối đồng bộ; đường bê-tông tại nhiều khu dân cư đầu tư chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị ngập úng.
Đối với nước sạch và vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, trong đó rác thải chưa được phân loại, còn xử lý ở dạng chôn lấp, hệ thống nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý triệt để… Công tác chăm sóc sức khỏe ở các trạm y tế, cơ quan, doanh nghiệp, trường học… chưa được đầu tư trang thiết bị đầy đủ và còn thiếu cán bộ chuyên môn. Đặc biệt, mạng lưới sơ cứu cộng đồng còn hạn chế, nếu có thiên tai xảy ra sẽ khó đáp ứng được về người và phương tiện.
Về môi trường, đối với cấp xã, phường còn hạn chế về cán bộ chuyên trách; ở cấp quận, huyện còn hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ cho quan trắc, đánh giá. Đặc biệt, ý thức của người dân về vệ sinh, nước sạch và môi trường chưa cao.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, hệ thống thông tin cảnh báo chưa hoàn chỉnh; số tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản có công suất nhỏ còn nhiều; rừng phòng hộ ven biển chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các hệ thống cảnh báo, dự báo về phòng, chống cháy rừng, lũ quét, triều cường… Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch, hệ thống xử lý nước thải chưa tốt; việc phát triển các dự án xây dựng sân golf, các khu resort sẽ tác động không nhỏ đến nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven biển.
Nhằm hạn chế thiệt hại về vật chất, con người do tác động biến đổi khí hậu, CtC đã đưa ra các đề xuất và giải pháp đối với thành phố Đà Nẵng như: Cần tăng cường kiểm tra và buộc các cơ sở phải xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt; quản lý chặt chẽ và trồng rừng đầu nguồn; tổ chức các điểm thu gom rác phù hợp, hỗ trợ người thu gom rác, vận động mở rộng đường để xe vào thu gom rác; nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường đối với người dân; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành về các chương trình lồng ghép tuyên truyền về biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, CtC cũng đề nghị chính quyền thành phố quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng tài liệu và phương tiện tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu; các công trình xây dựng cần phải được bao bọc chắn bụi…
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã đánh giá cao thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình của các cán bộ thuộc tổ chức CtC; sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố trong công tác thu thập thông tin, đánh giá về mức độ ảnh hưởng do biến đối khí hậu tại từng địa phương, khu vực trên địa bàn thành phố.
Đồng thời mong muốn Tổ chức CtC sẽ xem xét và có kế hoạch hỗ trợ các chương trình, dự án phù hợp và thiết thực nhằm giúp đỡ người dân tại các địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện các nhu cầu về nước sạch, vệ sinh, môi trường…
Tin và ảnh: TRỌNG HÙNG