.

Cơm bụi... ngày hè

.

Hằng năm Đà Nẵng tiếp nhận chừng vài vạn sinh viên (SV) đến theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trong và ngoài công lập. Những năm gần đây, Đà Nẵng còn là miền đất hứa đối với hàng chục nghìn lao động phổ thông... Chỉ có một số rất ít những người từ nơi khác đến học tập và lao động ở Đà Nẵng là tự đi chợ để chế biến những bữa cơm trong ngày, đại đa số những người còn lại đều chọn dịch vụ “cơm bụi” để lót dạ mỗi khi đến bữa, và tất thảy đều cho rằng: Cơm bụi vừa tiện lợi, vừa phù hợp với túi tiền của họ.

Cơm bụi trên vỉa hè.

9 giờ sáng một ngày đầu hè, dạo quanh những quán cơm bụi ở khu vực gần các Trường Cao đẳng công nghệ, Cao đẳng Đông Á và Cao đẳng Phương Đông... nằm trên các trục đường Cao Thắng, Ông Ích Khiêm, Đống Đa, Lý Tự Trọng (nối dài) và Phan Đăng Lưu... chúng tôi đều được tận mắt nhìn thấy rất nhiều thứ thức ăn được chủ quán đi chợ về vứt bừa bãi xuống nền bếp. Nào rau, cá, đậu khuôn, thịt lợn... được quăng quật cùng với xô chậu trên nền bếp nhoe nhoét nước, chỉ cách khu vực vệ sinh chừng mấy gang tay.

Một chủ quán “cơm bụi” trên đường Đống Đa cho biết: Chỉ có các loại rau, bầu bí là chủ quán phải tự đi mua ở chợ đầu mối Hòa Cường; cá thì mua ở chợ cá Thọ Quang, vì mua rau,  mua cá ở những chợ này thường rẻ hơn nhiều so với những chợ khác. Còn các loại thực phẩm khác, phần lớn có mối quen mang đến bỏ tận nơi. Quán của chị chủ yếu là bán cho SV trong vùng; giá cũng đủ loại, có người ăn cơm đĩa 7.000 đồng, có người ăn 10.000 đồng. Thi thoảng cũng có những SV là con em gia đình khá giả ăn đến 15.000 đồng một đĩa cơm. Có người ăn bữa nào trả tiền bữa đó, nhưng cũng có người đầu tháng gửi tiền ăn cho cả tháng, rồi cứ thế thanh toán theo kiểu gối đầu...

Ở nhiều quán “cơm bụi” khác cũng vậy, đối tượng phục vụ chủ yếu là SV; có nơi còn có mối ăn thường xuyên là công nhân hay cán bộ, công nhân viên ở những cơ quan gần đó. Những quán “cơm bụi” ở khu vực gần Bệnh viện Đà Nẵng thì phục vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là chủ yếu.
Tại những quán cơm ở khu vực gần Trường Đại học Bách khoa, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch và những quán ven theo các nhà máy trong khu công nghiệp Hòa Khánh... dường như ở đâu cũng giống nhau về chủng loại thức ăn, cách chế biến và giá cả phục vụ.

Quán chuyên phục vụ cho SV thì ngày nấu hai lượt, bán trưa và chiều. Những quán chuyên phục vụ cho công nhân thì chủ yếu bán bữa trưa, còn bữa tối cũng có nhưng lượng khách ít, có khá nhiều công nhân tự nấu cơm tối trong các khu nhà trọ. Chị Nguyễn Thị Mến, công nhân làm việc ở Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em cho biết:

Chị đã ngụ cư ở khu vực Hòa Khánh này được gần 5 năm, thời gian đầu chị cũng là khách hàng thường xuyên của một quán “cơm bụi” gần công ty, nhưng chị cho rằng ăn “cơm bụi’ chỉ giải quyết được no bụng mỗi khi đến bữa, chứ chất lượng dinh dưỡng không bảo đảm. Nay chị tự nấu cơm ở nhà mang theo những lúc đi làm hoặc cùng đồng nghiệp ăn cơm ngay trong nhà ăn của công ty.

Tiếp xúc với nhiều thực khách thường xuyên ăn “cơm bụi”, trong đó có SV, công nhân, cán bộ và cả những người lao động phổ thông khác, tất thảy đều có chung suy nghĩ: cơm bụi rẻ, tiện lợi cả về thời gian và công sức nếu so sánh với việc tự nấu ăn. Khi đề cập vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhìn từ các quán “cơm bụi”, điều ngạc nhiên là ai trong số những thực khách mà chúng tôi đã gặp cũng biết rằng rất khó để các quán cơm bụi như thế này bảo đảm được khâu vệ sinh, thế nhưng, họ vẫn đến ăn thường nhật. Có người còn nói, ăn bao nhiêu lâu rồi có thấy ai bị ngộ độc, tiêu chảy gì đâu...
 
Trên thực tế, ở Đà Nẵng  hay nhiều đô thị đông dân cư khác, việc bị ngộ độc thực phẩm đã từng xảy ra. Những số liệu thống kê của ngành Y tế cho thấy: Có rất nhiều mẫu thực phẩm được lấy từ các quán “cơm bụi”, sau khi kiểm tra đều bị nhiễm coliform và E.coli, với một hàm lượng lớn. Qua đó, chúng ta biết rằng có đến hơn 50% số thực khách mỗi ngày ở những quán cơm này phải đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc từ thức ăn... Đó là chưa kể đến việc thiếu người làm, thiếu nước sạch nên đa số chén,  đĩa ở những quán “cơm bụi” đều được rửa dọn rất qua loa.

Hiện nay đang là thời điểm đầu mùa hè, thời tiết nắng nóng, có ngày lên đến 39 – 40 độ C. Vì vậy, nguy cơ ôi thiu thức ăn rất cao và gió bụi sẽ làm thức ăn không được bảo quản tốt từ những quán cơm bụi nhiễm bẩn. Mong ngành chức năng có phương án kiểm tra thường xuyên hơn những dịch vụ ăn uống, nhằm góp phần hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.