.

Cử tri Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội

LTS: Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, trong các ngày từ 27-4 đến 6-5-2009, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII. Báo Đà Nẵng xin trích đăng các chất vấn, kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng gửi đến Quốc hội.

Về kinh tế:

- Cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo kiềm chế lạm phát và suy giảm kinh tế, đặc biệt là gói kích cầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi vẫn chưa nhận được sự tác động của gói kích cầu, đề nghị Chính phủ rà soát, kiểm tra và đánh giá tác động của gói kích cầu này trên thực tế.

- Cử tri đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, tuy nhiên theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thì các vụ tham nhũng đã được xử lý còn quá ít so với thực tế được phát hiện. Đề nghị cần sớm xử lý nghiêm các vụ tham nhũng đã được phát hiện nhằm củng cố lòng tin trong nhân dân.

- Cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình hình giá cả tăng trở lại như hiện nay, lương chưa kịp tăng thì giá các mặt hàng tiêu dùng đã tăng vọt. Đặc biệt, cử tri rất bất bình với cách tính tăng giá điện như hiện nay, hạn mức sử dụng điện sinh hoạt đối với hộ gia đình giảm từ 100kW/h/tháng xuống còn 50kW/h/tháng là bất hợp lý. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá và nghiên cứu lại cách tính tăng giá điện như hiện nay.

- Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải trả lời về thời gian tiến độ thực hiện dự án Nhà ga đường sắt tại Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Dự án này đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhưng từ nhiều năm nay để “treo” không triển khai thực hiện.

- Theo phản ánh của cử tri, hiện nay Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho người nghèo được vay vốn sản xuất, tuy nhiên khả năng trả nợ không cao, thậm chí nhiều trường hợp lâm vào nợ nần không trả nợ được cho Nhà nước.

- Đề nghị Chính phủ có chính sách để phòng, chống hiểm họa thiên tai, đặc biệt trong phòng, chống hiểm họa động đất và bão lụt; tình trạng phân bón giả kém chất lượng, lúa năng suất thấp nhưng chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm; quản lý Nhà nước chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn chồng chéo. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng Bộ, ngành để có cơ sở xử lý trách nhiệm khi có vi phạm.

Về Văn hóa - Xã hội - Y tế:

- Thời gian gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri được biết lao động phổ thông nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam rất nhiều, phần lớn số lao động này đi theo nhà thầu nước ngoài đến Việt Nam nhưng chưa được cấp phép. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó lao động trong nước thì dư thừa, không có việc làm. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý, rà soát cụ thể tình hình trên nhằm có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

- Cử tri bày tỏ sự lo lắng về vấn đề tranh chấp chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa giữa nước ta với Trung Quốc và một số nước khác. Đề nghị Nhà nước kiên quyết đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền của nước ta đối với huyện đảo Hoàng Sa. Cử tri đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo các Đài Truyền hình khu vực lưu ý khi dùng cụm từ “quần đảo Hoàng Sa” trong chương trình dự báo thời tiết và đề nghị thay bằng cụm từ “huyện đảo Hoàng Sa” cho chính xác.

- Cử tri đề nghị cần xác định rõ vị trí, vai trò của Hội Người cao tuổi là tổ chức chính trị - xã hội giống như các tổ chức chính trị - xã hội khác chứ không phải là tổ chức xã hội như hiện nay, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức này đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

- Cử tri phản ảnh, thời gian gần đây, một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng có nội dung cũng như hình thức không đi vào lòng người, gây nên sự phản cảm. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần có biện pháp quản lý để bảo đảm chất lượng các buổi biểu diễn cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc ta.

- Cử tri phản ảnh, hiện nay tình trạng trẻ em vị thành niên, học sinh, sinh viên hư, chơi bời, không lo học hành, đạo đức bị suy thoái nặng nề… Đây là vấn đề hết sức lo ngại, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng lôi kéo để phá hoại. Nguyên nhân do từ nhiều phía: sự quản lý giáo dục của gia đình chưa được quan tâm đúng mức, công tác giáo dục của nhà trường chưa tốt, các cơ quan pháp luật theo dõi, trấn áp chưa chặt chẽ… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.

- Cử tri phản ảnh, tình trạng văn hóa phẩm đồi trụy xâm nhập ngày càng nhiều vào đời sống xã hội, trong đó có hiện tượng phim ảnh đồi trụy, thuốc kích dục được quảng cáo, bày bán tràn lan. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

- Cử tri bày tỏ sự lo lắng về công tác giáo dục của nước ta hiện nay, năm nào cũng cải cách nhưng chất lượng vẫn không được cải thiện; trường đại học, cao đẳng được thành lập tràn lan bất kể chất lượng đào tạo ra sao, việc làm cho sinh viên ra trường không được bảo đảm; đề án dạy ngoại ngữ cho học sinh lớp 1... Đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu và có giải pháp hợp lý để chấn chỉnh tình hình trên.

- Cử tri phản ảnh, tình trạng các biển quảng cáo trang trí có nội dung chữ nước ngoài lớn hơn chữ tiếng Việt, thậm chí không có tiếng Việt, điều này vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.

- Cử tri rất bất bình trước tình trạng lâm tặc lộng hành trong thời gian qua. Cử tri cho rằng phải chăng có sự “bảo kê” của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp dung túng, tiếp tay cho lâm tặc.

- Cử tri thắc mắc về những trường hợp liên quan đến lĩnh vực y tế như nước tương gây hại sức khỏe con người, dịch tiêu chảy, sữa kém chất lượng, thuốc chữa bệnh giả, nước tinh khiết nhiễm bẩn… không thấy bị xử lý, quy trách nhiệm, tất cả đều cho rằng do nguyên nhân khách quan. Đề nghị Chính phủ xem xét trả lời cho cử tri rõ.

- Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an có chính sách, biện pháp giáo dục, cải tạo phù hợp để các phạm nhân mãn hạn tù trở thành những công dân tốt. Theo phản ánh của cử tri, có rất nhiều trường hợp hiệu quả cải tạo, giáo dục không cao nên sau khi mãn hạn tù, người vi phạm pháp luật trở nên côn đồ, hung hãn hoặc dễ tiếp tục phạm tội hơn.
                
H.A (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.