.

Dẫn đường cho người đi biển

.

Trơ trọi một mình nơi khơi xa, những người đang làm việc tại Trạm hải đăng Đá Lát thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tự nhận mình như là những “Robinson” giữa trùng dương sóng nước. Họ tự hào khi là người gác đèn, làm nhiệm vụ dẫn đường cho những người đi biển.

Trạm hải đăng Đá Lát.

Biết tin có đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo Đá Lát, trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Lát Vũ Duy Minh cùng đồng nghiệp Ngô Văn Thanh sang thăm đảo từ sớm, mong ngóng gặp gỡ mọi người cho vơi nỗi nhớ nhà. Trạm trưởng Vũ Duy Minh, quê ở Hải Phòng là người đã gắn bó mười mấy năm trời với công việc của người gác đèn biển.

Nhìn anh rắn rỏi, da ngăm đen, giọng nói đầy tự tin khi kể về công việc của mình. Anh cho biết, Trạm hải đăng Đá Lát được xây dựng từ năm 1994 nhằm bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Đá Lát nói riêng. Thời gian hoạt động của đèn thay đổi theo mùa, như những ngày hè thì phát từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng. Anh Minh khẳng định: “Từ khi có trạm hải đăng này, chưa có vụ mắc cạn, mắc kẹt nào xảy ra trên khu vực đảo Đá Lát”.

Từ đảo Đá Lát nhìn sang, trạm hải đăng chỉ như một vệt thẳng trơ trọi giữa bốn bề biển khơi. Hiện tại, trạm có 5 cán bộ, làm việc trong thời gian từ 9 đến 12 tháng. Sau đó, thay phiên về đất liền nửa năm rồi lại tiếp tục được phân công làm việc ở một trong những trạm hải đăng do đơn vị quản lý. Thời gian bận rộn nhất trong ngày của những cán bộ trực trạm là khi đèn bắt đầu hoạt động.

Bên cạnh đó, các anh cũng phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng cho đèn vận hành đúng, đủ độ sáng để soi đường dẫn lối cho tàu bè qua lại. Những lúc rảnh rỗi, các anh tranh thủ đọc báo, nghe đài, xem tivi, hát hò hoặc câu cá để giải trí. Món ăn chủ đạo ở trạm vẫn là đồ hộp, ngoài ra, anh Minh cho biết, ở trạm cũng trồng rau, tuy không được nhiều nhưng bảo đảm phần nào rau xanh cho anh em.

Giống như một số đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, ở trạm lắm khi cũng thiếu nước ngọt nên phải sử dụng rất tiết kiệm. Tuy vậy, những lúc ngư dân vào trạm xin nước ngọt, xin thuốc chữa bệnh, các anh đều sẵn sàng san sẻ một phần để giúp bà con. Sự tồn tại của trạm thật sự có ý nghĩa rất lớn vì với ngư dân chỉ cần thấy có đèn từ hải đăng phát ra là biết đã đến gần đảo và có thể nhận sự trợ giúp bất cứ lúc nào.

Theo lời kể của anh Ngô Văn Thanh, thời điểm khó khăn nhất là mùa mưa bão cuối năm, mùa gió muối, tàu bè đi lại ít. Những lúc mưa bão, trạm có độ rung lắc mạnh, nếu để hai chiếc chén cạnh nhau thì va vào nhau liên tục. Đối với việc vận hành của đèn, ảnh hưởng trực tiếp đến ánh sáng là sương mù và việc thiếu điện áp. Những lúc như vậy, cán bộ vận hành đèn phải kịp thời điều chỉnh, xử lý để ánh sáng từ ngọn hải đăng vẫn duy trì liên tục trong giờ hoạt động, bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại khu vực đảo Đá Lát.

Anh Vũ Duy Minh, Trạm trưởng Trạm hải đăng Đá Lát.

 

Ở nơi biển khơi xa xôi, những người trực trạm hải đăng Đá Lát gặp không ít khó khăn. Thời tiết đe dọa là một chuyện, nhưng những lúc ốm đau, gặp sự cố về sức khỏe cũng đáng lo ngại không kém. Mặc dù trước lúc ra trạm, ở đất liền, các anh đều được tập huấn sử dụng thuốc để chữa những bệnh thông thường, nhưng cũng có lúc gặp phải tình huống nghiêm trọng, như trường hợp một cán bộ của trạm đang sửa đèn thì bị viêm tụy nặng. Rất may là công ty đã kịp thời đưa trực thăng chở anh đến cấp cứu tại đảo Trường Sa Lớn, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng những cán bộ của Trạm hải đăng Đá Lát luôn cố gắng bảo đảm cho đèn hoạt động thường xuyên. Các anh xem trạm như là một gia đình nhỏ, mọi người sống đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà.
 
Những người gác đèn biển cứ cần mẫn với công việc của mình, dù chỉ thắp sáng một vùng biển nhỏ nhưng cũng đủ để mang lại niềm vui cho nhiều người. Chia tay chúng tôi, anh Minh tâm sự: “Bước vào nghề là xác định sẽ khó khăn, thiếu thốn, nhất là về tinh thần. Nhưng mỗi người chọn cho mình một hướng đi và mình chọn nghề dẫn đường cho những người đi biển”.

Bài và ảnh: Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.
.