.

Để có một mùa hè vui tươi, bổ ích

.

Trong những ngày hè, các cơ sở Đoàn, Hội địa phương thường hướng thanh-thiếu nhi vào 2 sinh hoạt chính: các hoạt động tình nguyện và hoạt động chung trên địa bàn dân cư. Hoạt động tình nguyện chủ yếu dành cho đối tượng thanh niên và được duy trì khá thường xuyên, rộng rãi với nhiều hình thức phong phú xuyên suốt kỳ hè. Trong khi đó, các chương trình sinh hoạt hè ở khu dân cư vẫn còn mang tính hình thức, đơn điệu, thậm chí bị bỏ trống.

Làm sao để có một mùa hè vui tươi, bổ ích?

Cần tận dụng các khu công viên, sân chơi ở địa phương để tổ chức sinh hoạt ngoài trời cho thanh-thiếu niên.

Đó là câu hỏi trong một đề ôn tập văn cuối kỳ của học sinh lớp 9 dưới hình thức viết một đoạn văn. Gần như toàn bộ bài làm của các em đều đề cập đến sinh hoạt hè ở địa phương với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn. Điều này cho thấy mong đợi của các em trong những ngày hè là được nghỉ ngơi, thư giãn, được tham gia các chương trình vui chơi, giải trí và thông qua đó được kết hợp bổ sung kiến thức, sẵn sàng cho một năm học mới, nhưng xem ra điều mong mỏi này vẫn chưa thể được đáp ứng. Chị Ngọc Liên (trú đường Trưng Nữ Vương) cho biết:

“Một phần vì sợ con cái sẽ quên mất kiến thức trong những tháng nghỉ hè, nhưng chủ yếu vẫn là vì không biết gửi con ở đâu, không tìm được chỗ nào cho con sinh hoạt hè một cách bổ ích, thiết thực nên đành “nhét” con đi học thêm” . Chị Thanh Vân (trú đường Hải Phòng) tâm sự: “Con chị đã học hết lớp 4 Trường tiểu học Hoa Lư, mấy ngày nghỉ hè cháu  quanh quẩn trong nhà, thỉnh thoảng giúp mẹ việc bếp núc, còn lại hết chơi điện tử, lại xem tivi. Lo con bị thụ động, chị phải khuyến khích cháu ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng cháu lại bảo là chẳng biết đi đâu, chơi gì, rồi lại lủi thủi ra vườn ngồi vẽ một mình”.

Thiếu chỗ vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích nên các quán trò chơi điện tử trở thành điểm đến “lý tưởng” của các em. Vào hè, số lượng trẻ em đến với các điểm kinh doanh Internet nhiều hơn mà trong đó phần đông các em chơi game và “chát”. Đồng hành với cơn nghiện “game online”, nhiều em phải đeo kính do thị lực giảm sút. 

Trong cái nắng nóng của mùa hè, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bất chấp cả nguy hiểm rình rập, một góc nhỏ trong ngõ, thậm chí dưới lòng đường cũng trở thành “sân bóng” cho những cậu bé hiếu động. Chị T.Vân thắc mắc: “Lâu nay không hề thấy các tổ chức Đoàn, Đội đứng ra gây dựng những chương trình sinh hoạt hè cho các cháu thiếu nhi ngay tại khu phố như thời các chị ngày xưa, những hoạt động bổ ích, bọn trẻ được thư giãn, vừa học vừa chơi, không “nặng đầu, nặng óc”. Điều thắc mắc của chị cũng là câu hỏi chung của nhiều bậc phụ huynh khác.

Đoàn, Đội ở đâu?

Trả lời câu hỏi này, một cán bộ Đoàn ở quận Thanh Khê cho biết: “Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động tình nguyện cho thanh niên, các cơ sở Đoàn địa phương cũng rất chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các sinh hoạt hè cho thanh-thiếu nhi ở khu dân cư. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến thực tiễn còn rất nhiều khó khăn, mà trước hết là khâu tập hợp thanh-thiếu nhi.
 
Vào mỗi kỳ hè, trung bình các khu dân cư chỉ tập trung được khoảng 20% đến 30% thanh-thiếu nhi tham gia sinh hoạt đều đặn. Phần lớn các em đều phải tham gia các lớp học văn hóa trong hè. Mặt khác những hạn chế về kỹ năng Đoàn, Hội của cán bộ Đoàn ở khu dân cư do chưa được đào tạo bài bản, không tạo ra được những hoạt động đa dạng, phong phú, cộng với nguồn kinh phí Đoàn rất “eo hẹp”, thiếu địa điểm sinh hoạt cũng là những trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến việc triển khai sinh hoạt hè tại các khu dân cư”.
 
Bạn Việt Hùng, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi hồn nhiên nói: “Tham dự sinh hoạt hè chỉ có hát, múa và chơi những trò đã cũ, bọn em đành tự chia nhóm chơi với nhau cho hết giờ”. Chính điều này đã dẫn đến thực tế nhiều thanh-thiếu niên lựa chọn các hoạt động hấp dẫn hơn như chơi điện tử, đi dã ngoại tự túc hoặc nằm nhà nghe nhạc, đọc sách... thay vì tham gia vào các hoạt động của địa phương.

Dù đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua, các tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở vẫn chưa thật sự bắt nhịp được với mong muốn của thanh-thiếu niên và phụ huynh trong hoạt động hè. Bạn Nguyệt Sương, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đóng góp một ý kiến: “Thay vì dồn toàn lực tham gia vào các hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, dạy học ở các vùng sâu, vùng xa, chúng ta có thể chia bớt lực lượng đoàn viên, thanh niên làm tình nguyện ngay tại địa phương của mình. Đây là điều mà tụi mình trăn trở lâu nay, bởi ngay chính tại nơi mình sinh sống cũng có thể thực hiện nhiều hoạt động rất ý nghĩa, đặc biệt là trong dịp hè”.

Để các em có được một mùa hè thật vui tươi, bổ ích, cần có sự phối hợp ăn ý giữa phụ huynh, nhà trường và các tổ chức Đoàn, Hội địa phương, để mỗi hoạt động có thể đi vào thực chất hơn, bước đầu lôi kéo thanh niên đến với những sân chơi tập thể, và ra về với những nụ cười thật sảng khoái.
             
Bài và ảnh: NGUYỆT QUẾ
                   

;
.
.
.
.
.