.

Gần lắm Đông Giang

.

Về Đông Giang mùa này hanh nắng, thi thoảng mát đẫm cơn mưa chiều. Bên con đường Trường Sơn huyền thoại, những bản làng ran ríu tiếng cười giữa đại ngàn gió núi.

Mưa rừng A Ting

Nụ cười A Ting.

“…Về Đông Giang/Về với đại ngàn/Tình nghĩa mang mang/Rượu tràn sóng sánh/Có ánh mắt dõi theo ta lóng lánh/Chí giang hồ chân cứ lang thang…”. Mấy câu thơ của Lê Anh Dũng dẫn dụ hồn người khi về với Đông Giang (huyện Hiên được tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang từ năm 2003). Chỉ vài giờ xe máy từ Đà Nẵng lên thị trấn P’Rao, đại ngàn Trường Sơn không còn gì là xa cách, tuy nhiên bạn chẳng thể vì con đường nhựa êm ru mà vô tình lướt qua những bản, những làng của đồng bào Cơ-tu đã một thời làm nên kỳ tích.

Ngày đó, trên mảnh đất này, năm 1960, Tướng Nguyễn Chơn, một trong những người chỉ huy "trăm trận trăm thắng" trong chiến tranh chống Mỹ đã phụ trách trường đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên của Quảng Nam, đóng tại làng A Dinh, huyện Hiên, gần sông A Vương. Khung huấn luyện chủ yếu lấy những anh em từ miền Bắc mới đưa về. Lớp đầu tiên đào tạo 1 năm rưỡi, nhưng mất nửa năm tăng gia sản xuất để lấy cái ăn. Huấn luyện xong, ông đã trực tiếp chỉ huy đánh đồn Ga Lâu (huyện Hiên), tiêu diệt 4 trung đội bảo an. Quân ta 45 đồng chí chỉ hy sinh 3, bị thương 3.

Bà con còn nhớ, ngày mới thành lập, đơn vị vào làng ở với bà con, dân làng nhường cơm sẻ muối, giúp bộ đội đan gùi đựng quần áo, cùng bộ đội huấn luyện sản xuất, cắm chông rào làng kháng chiến. Đồng bào từng nói: Bộ đội Cụ Hồ là con em nhân dân, chúng mày cứ yên tâm vào làng mà ở, đồng bào chúng tao xin giữ bí mật và bảo vệ cách mạng đến cùng.

Về Đông Giang hôm nay, giữa núi rừng yên ả, thấp thoáng bóng người lên rẫy lên nương, dập dờn từng đàn bướm trắng bướm vàng trên ruộng lúa nương ngô cùng những bãi dưa, đồi chè ngan ngát xanh. Nhà ven đường có chú bé hả hê tắm bên vòi nước mát, có cô bé thơ ngây để ngực trần, quấn váy thổ cẩm, tựa hiên nhà lấp lánh nụ cười tươi. “Chụp ảnh nhé?” - Cười! “Cảm ơn chú!”, mở ảnh cho xem, lại cười, lũ trẻ xúm lại xem hình rúc rích cười, những nụ cười sao mà dễ mến, cứ vô tư như hoa lá giữa núi rừng.

Một cơn giông bất chợt ào qua, Bríu Gươm, Phó Bí thư Đảng ủy thôn Chờ Cớ vừa ở rẫy về vui vẻ mời: “Vào nhà mình uống chén rượu đợi tạnh mưa”. Chị Đinh Thị Kim, vợ anh là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Ting, mang ra chai rượu nếp than màu hồng giao hẹn: “Phải uống hết chai này mới được đi tiếp”. Món nhậu đãi khách là thịt con cúi lúi to bằng bắp chuối, được nấu xáo với tiêu rừng, mà theo lời chị Kim thì tiêu rừng có mùi thơm nồng dịu, ăn vào nhớ vị tới mấy ngày, còn Bríu Gươm thì nói: “Cứ dùng tay cầm thịt mà ăn thì mới ngon miệng”. Chén rượu chiều mưa ở rừng A Ting thật nồng ấm tình người.

Rượu đã cạn và cơn mưa cũng vừa tạnh, núi rừng như được khoác thêm một lớp bóng kính lóng lánh trong nắng. Tiễn khách ra tận cổng thôn, Bríu Gươm còn dặn với: “Vào dịp lễ hội nhớ lên chơi cùng dân bản nhé”. – Vâng! Tạm biệt Bríu Gươm, tạm biệt những người con của bản làng với tấm chân tình cởi mở, tạm biệt cơn mưa rừng hào sảng.

Hoa đồi A Rooi

Công trình thủy điện Za Hung, nét đẹp hiện đại giữa đại ngàn Đông Giang.

Từ Zơ Ngây lên thị trấn P’Rao, nhà cửa san sát dọc hai bên đường, giao điểm giữa đường 14 và đường Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa huyện Đông Giang, kiến trúc theo mẫu nhà Gươl. Cổng có biểu tượng hình ngà voi và cối chày giã gạo, toàn cảnh khu nhà vừa hoành tráng và đầy ấn tượng. Dọc theo sông Kôn, những công trình thủy điện Za Hung, A Vương đang thi công càng tạo cho sự hùng vĩ của đại ngàn thêm sức sống mới.

Thôn A Sờ thật đẹp, ngôi nhà Gươl được trang trí nhiều hình chim, cá, đầu trâu, hai bên có tạc phù điêu thanh niên cầm dáo cầm khiên, trong nhà treo nhiều bằng khen. Zơ Râm Bình và vợ là A Rân Dư hút rượu cần từ trong ghè ra rồi rót vào chén sứ mời khách, rượu sánh vàng trong chén sứ trắng, dịu ngọt tận bờ môi, nâng chén mời khách còn có trưởng thôn A Lăng Mười. Hai con trai của Zơ Râm Bình, đứa đầu học lớp 5, đứa sau vừa bốn tuổi đang chăm chú theo dõi chương trình Đồ rê mí trên ti vi, thấy khách mang máy ảnh ra chụp đã xăng xái đi tìm quần áo đẹp để thay.

Sau vài giờ dạo thôn A Sờ, A Lăng Mười dẫn khách qua sông Kôn vào thôn A Bang thuộc xã A Rooi. Đường vào thôn đang mở, qua nhiều chiếc cầu treo xinh xinh, lối vào thôn khúc khuỷu gập ghềnh, nhiều dốc đứng phải lội bộ, nếu gặp trời mưa chắc sẽ khó vượt qua. Già làng Bh Nươch Đhoóc năm nay đã 70 tuổi, tham gia cách mạng từ những năm 1961 và có trên 10 năm trực tiếp chiến đấu. Già kể về đơn vị B2 của mình, kể về những trận đánh mà Già đã tham gia, kể về vết thương ở chân trái trong trận Thạnh Mỹ.

Trên bàn thờ Tổ quốc, bên cạnh bức ảnh chân dung Bác Hồ có tấm bằng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của già. Bà con túm tụm quanh nhà ríu ran trò chuyện, phía trước dưới chân ruộng là Trường tiểu học A Rooi, lũ trẻ đang lúc tan trường chen nhau trước ống kính máy ảnh vui đùa làm xao động cả một góc núi. Xa xa trên đồi hoa vàng có thiếu phụ bồng con trong ráng chiều thẫm đỏ, váy thổ cẩm dệt vào hồn núi chút phiêu bồng nhạt nhòa trong sương khói. Sắc núi, tiếng cười của trẻ thơ và của những người dân bản phần nào nói lên những đổi thay ở một bản vùng sâu đang ngày một tươi mới.

Ấn tượng sâu đậm nhất khi về Đông Giang là những ánh mắt dường như biết nói, những nụ cười tươi như hoa núi, tất cả cứ hồng lên như bếp lửa ấm trong mái nhà sàn, luôn mê hoặc lòng người từ xa đến. Bức tranh về Đông Giang hôm nay thực sự sống động và thu hút. Chợt nhớ lời mở đầu trong bút ký Làng Tà Riềng của Chu Cẩm Phong trong những năm chiến tranh:
 
“Trên dải Trường Sơn này có nhiều dân tộc khác nhau nhưng số phận của họ trước đây thì bi thảm giống hệt nhau: đói cơm, lạt muối, còm cõi dần trong ngột ngạt của áp bức thực dân và chúa đất, nặng nề trong mối hiềm thù chủng tộc, âm u trong hủ tục, mê tín... Đảng đến, cách mạng đến, những Trà Bồng, Tà Mực, những Tà Lê, Tà Lốc thổi bùng lên những cuộc đời tối tăm, hàng vạn buôn làng trên dải Trường Sơn này có biết bao sự đổi thay kỳ diệu. Ai có thể đếm được những bông hoa nở, những chồi lộc non trong buổi sáng đầu tiên của một mùa xuân...?”.

Mùa xuân này cũng như bao bản làng nằm trên con đường Trường Sơn huyền thoại, Đông Giang đang mỗi ngày một đổi mới, đồng bào dân tộc Cơ-tu vẫn sắt son với công cuộc đổi mới của Đảng, bằng tấm lòng chân thật, nhân hậu, người dân Đông Giang đang đón chào bạn bè gần xa. Đông Giang không xa, mưa rừng luôn hào sảng, hoa rừng luôn ngát hương. Đông Giang luôn mở rộng vòng tay mời bạn.

Ghi chép của LÊ GIA THỤY

;
.
.
.
.
.