Những năm ở Trường Sơn, ông Trần Văn Sơn (hiện ở tại tổ 1B, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là Phó Đoàn giao nhận xe của Cục Quản lý xe máy Tổng cục Hậu cần, làm nhiệm vụ vận chuyển xe và hàng viện trợ từ Hữu Lũng (Lạng Sơn), đưa về tập kết tại gầm Ba Rền (Quảng Bình), hoặc chạy vào giao cho các binh trạm trên đường Trường Sơn.
Ông Trần Văn Sơn |
Hễ nhận bao nhiêu xe là cũng nhận bấy nhiêu tài xế từ trường đào tạo lái xe ở Thái Nguyên. Anh em được cấp lương thực, thuốc men, đồ dùng cá nhân và súng AK để bảo đảm chiến đấu trên đường vận chuyển. Nếu nhận xe không có hàng thì chúng tôi cho xe đến các kho quân đội để nhận hàng như lương khô nhận ở Châu Quỳ (Hưng Yên), quân trang nhận tại Xưởng may 10 (Gia Lâm-Hà Nội), vũ khí, đạn dược thì nhận ở các xưởng quân giới...
Từ Hữu Lũng, chúng tôi đi đường 1B hoặc đường 1A về Hà Nội, rồi theo quốc lộ 1 chạy thẳng đến Quảng Bình. Từ Quảng Bình, đoàn xe theo đường 20 Quyết thắng sang đất Lào, chạy dọc phía Tây Trường Sơn, hướng vào Nam. Chúng tôi đảm nhiệm bàn giao cả xe, hàng và lái xe cho các binh trạm chiến trường ở miền Nam, Lào và Campuchia.
Những chuyến chỉ giao hàng thì trên đường trở ra Bắc, chúng tôi có nhiệm vụ kéo xe hỏng về trạm sửa chữa, không được chạy xe không. Xe chỉ chạy ban đêm, ban ngày thì trú ẩn trong các hang đá hoặc các khu rừng rậm. Khi trời có trăng, sao thì tắt hết đèn, những đêm tối trời chỉ được bật đèn gầm để giữ bí mật. Trên đường vận chuyển, hễ chiếc xe nào bị máy bay địch phát hiện thì nhanh chóng tách ra khỏi đội hình và bật đèn lên chạy để thu hút địch, tạo điều kiện cho cả đoàn thoát hiểm.
Mỗi lần vào đến Quảng Bình là chúng tôi xác định bắt đầu một trận chiến đấu. Khi sắp tới trọng điểm, không thấy máy bay địch là lái xe tăng ga vượt nhanh, còn khi trọng điểm đang bị địch bắn phá, chúng tôi vội tránh vào hai bên đường để giấu mục tiêu. Vừa dứt tiếng bom là tất cả khẩn trương lên xe, sẵn sàng tay lái. Khi nghe hai tiếng súng báo hiệu thông đường là ai nấy lập tức nổ máy, rồ ga, băng qua trọng điểm.
Hành động hết sức khẩn trương nhưng phải thật chuẩn xác, vì các trọng điểm thường là núi cao, cua gấp, đường độc đạo, chỉ cần sơ suất là xe và người sẽ gặp nạn, lao xuống vực. Thời gian giữa hai trận bom không cố định, có khi một giờ, hai giờ, nhưng cũng có lúc chỉ vài chục phút. Từ Ban chỉ huy, đến từng chiến sĩ đều khắc sâu lời thề vì miền Nam ruột thịt. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lúc nào cũng hiển hiện trong tâm khảm của mỗi chúng tôi.
Cầu tạm Long Đại (Quảng Bình) trong những năm chống Mỹ. |
Lực lượng trên đường Trường Sơn bao gồm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn ở độ tuổi 17, 18. Họ thật quả cảm và anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì sự thông suốt của con đường. Có lần, để cho đoàn xe chúng tôi vượt qua trọng điểm Phu-la-nhít, nhiều thanh niên xung phong đã hy sinh vì khi khắc phục đường bị vướng bom dây của địch. Nhìn thi thể đồng đội nằm la liệt hai bên đường, tôi không sao cầm được nước mắt.
Anh em trong đoàn ai cũng đau xót, nghẹn ngào, nhưng không ai được phép xuống xe vĩnh biệt đồng đội, bởi ai cũng biết rằng chỉ chốc lát thôi, máy bay Mỹ sẽ quay trở lại. Chúng tôi cố nén lệ, giữ vững tay lái, nhanh chóng vượt qua trọng điểm, hướng tới các chiến trường, vì miền Nam thân yêu.
MINH NGỌC