.

Giấc mơ hình trái tim

.

“A-lô, chị Nhì hả? Em ở khoa Sản, Bệnh viện Đà Nẵng đây mà. Có thêm một trẻ sơ sinh đang cần chị giúp đây. Chị qua liền nghe”. Không còn lạ gì với những cuộc điện thoại bất ngờ như thế, chị Trần Thị Nhì xếp lại tập hồ sơ trên bàn, chuẩn bị mấy loại giấy tờ cần thiết rồi vội vã xuống nhà xe.

Yêu trẻ bằng cả trái tim, bởi các cô bảo mẫu cũng từng là trẻ mồ côi.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ (trực thuộc Hội CTĐ thành phố Đà Nẵng) nơi chị làm giám đốc là một tổ chức xã hội nhằm nuôi dưỡng các cháu khi ra đời không có cha mẹ, thiếu người đỡ đầu hoặc do hoàn cảnh bất hạnh nào khác gây ra cho đứa trẻ.

Về đâu, trẻ bị bỏ rơi?

Đó là một bé gái, vừa oe oe chào đời chưa được một ngày thì mẹ nó đã bỏ đi biệt tích, để lại một cái tên và một địa chỉ trong hồ sơ nhập viện. Về nguyên tắc, để kết thúc hồ sơ nhận bé về trung tâm, chị Nhì phải xác minh nhân thân người mẹ, ngoài thủ tục giao nhận có đủ các bên gồm tư pháp, công an nơi bệnh viện đứng chân, trưởng phòng tổ chức bệnh viện, người làm chứng.

Lần theo thông tin để lại, chị về xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, làm việc với Công an xã thì người mẹ trẻ mà chị cần tìm đang là... sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng! Đến nhà cô sinh viên thì cha mẹ cô chưng hửng: “Con tôi đang đi học, có bầu, đi đẻ hồi mô mà lạ rứa. Có nhầm không đó?”. Tên thì đúng rồi, nhưng năm sinh hai người không khớp. Tuy biết chắc thông tin của người mẹ trẻ để lại ở bệnh viện là giả, nhưng chị Nhì cũng phải trực tiếp gặp cô sinh viên, nhờ xác nhận cô không phải là mẹ đứa bé để khép lại hồ sơ cho cháu.

Ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng vẫn có trường hợp mẹ bỏ con và giấu nhẹm tung tích như thế. Chị Võ Thị Hạnh, điều dưỡng trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Vang – Cẩm Lệ) kể, mới đây, khoảng 4-5 giờ chiều có một sản phụ một mình đến nhập viện làm thủ tục và sinh con ngay trong đêm. 4-5 giờ sáng hôm sau, chị ta ngồi dậy cho con bú một lát rồi đi ra ngoài và không bao giờ quay lại. Một trái tim bỏ đi và một trái tim còn ở lại, chờ đợi vận may đến với mình từ một trái tim khác.

Vì sao có những người mẹ cam tâm bỏ rơi đứa con mình rứt ruột đẻ ra?

Một thực trạng đau lòng mà theo ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai, xuất phát từ cách sống gấp, sống thử của giới trẻ hiện nay, một số hài nhi đã lâm cảnh mồ côi ngay sau khi lọt lòng. Ngoài sự nông nổi nhất thời của những bà-mẹ-bất-đắc-dĩ đang ngồi ghế học đường hay vào đời quá sớm, tệ nạn xã hội cũng làm u ám cuộc đời của không ít trẻ sơ sinh. Một cán bộ y tế đề nghị giấu tên ở khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa khu vực Liên Chiểu) cho biết, từ đầu năm đến nay ở bệnh viện có 2 trường hợp bỏ rơi con, trong đó, có một người táng tận lương tâm: hai lần “lầm lỡ” là hai lần bỏ con!

Ngoài trẻ bị bỏ rơi, còn một lượng đáng kể trẻ được chính người mẹ, do sinh con ngoài ý muốn hoặc nhà nghèo mà con quá đông, đem cho các cơ sở từ thiện. Trung tâm Phục hồi cô nhi suy dinh dưỡng Đà Nẵng hiện nuôi 16 trẻ, trong đó hết 8 cháu - theo chị Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc trung tâm - hầu hết đều có mẹ trẻ, họ chấp nhận con mình mồ côi để có thể “rảnh tay” học hành, làm việc.

Phép cộng của hai sự bất hạnh

Nếu phụ nữ có trái tim người mẹ thì xã hội sẽ ít đi trẻ bị bỏ rơi.  (Ảnh minh họa)

Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Chữ thập đỏ hiện nuôi 34 cháu từ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi, trong đó có 11 cháu bị thương tật và bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng. Trung tâm vừa nhận 1 cháu chưa có tên bị bệnh tim bẩm sinh, bại liệt 2 chân, bại não. Sau khi thông báo trên ti-vi, một số người nghe tin đến xin nhận làm con nuôi, nhưng thấy tình trạng cháu như thế, lại quay về.

Một số phụ nữ bị “trục trặc” về đường con cái, chữa trị cả trăm triệu đồng mới có được mụn con. Nhưng số khác không được may mắn, “tiền mất tật mang”, đành mơ một đứa con nuôi cho vui nhà vui cửa. Ngoài ra, có không ít phụ nữ, vì nhiều lý do, đã sống đơn thân và nuôi con nuôi là giải pháp mà theo họ, có thể giúp mình có nơi nương tựa cuối đời. Họ tìm đến những cơ sở nuôi trẻ mồ côi và đặt ở đó một niềm hy vọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng được toại nguyện.

Có một số cặp vợ chồng lân la đến các cơ sở nuôi trẻ mồ côi một lần rồi “một đi không trở lại” vì những ràng buộc mang tính pháp lý. Trước khi giao trẻ làm con nuôi cho ai đó, các cơ sở phải tiến hành một số thủ tục, trong đó có việc xác minh tình trạng kinh tế của cha mẹ nuôi. Bởi lẽ, chị Nhì giải thích, một đứa trẻ uống 3 ngày hết một lon sữa giá 170 nghìn đồng, kinh tế khó khăn thì làm sao nuôi bé được.

Chị Đào (Trung tâm Phục hồi cô nhi suy dinh dưỡng) sẵn sàng giúp các gia đình có nguyện vọng xin con nuôi, nhưng xác định vì đứa trẻ chứ không phải vì họ. Chị yêu cầu ông bà (nội, ngoại) nuôi cũng ký vào văn bản, coi như kết nạp trẻ vô giòng họ, để nếu cha mẹ nuôi có vấn đề gì thì ông bà có trách nhiệm. Cha mẹ nuôi phải thực sự có trái tim yêu thương con trẻ, coi như con đẻ của mình. Hằng tuần, chị cho họ đến làm quen với đứa bé, một cách kết nối những trái tim xa lạ gần lại với nhau để không ngỡ ngàng khi về sống chung một nhà.

Nhờ những ràng buộc đó, những đứa bé mồ côi ngay từ lúc chào đời đã có cơ hội thay đổi vận mệnh cuộc đời mình. Một cặp vợ chồng (giấu tên) làm cơ quan Nhà nước, điều trị vô sinh không được, đến Trung tâm Phục hồi cô nhi suy dinh dưỡng xin một đứa trẻ 1 tuổi làm con nuôi. Cháu nay đã đi mẫu giáo, phát triển tốt cả về tinh thần và thể chất, là nguồn vui, niềm hạnh phúc cho cả nhà.

Có không ít vợ chồng thèm lắm một tiếng cười con trẻ. Phép cộng giữa sự thiếu vắng bé thơ và nỗi cút côi ngay lúc lọt lòng sẽ biến hai bất hạnh thành một niềm hạnh phúc. Và, bên cạnh những cuộc “đổi đời” đó, vẫn còn có những cuộc đời thiếu may mắn, đã mồ côi lại tật nguyền, đang được chăm sóc bằng tấm lòng của các bảo mẫu cũng từng là trẻ mồ côi. Các cháu cũng là con người, có cháu nằm một chỗ gần 12 năm vì bại liệt, có cháu không biết ước mơ của mình là gì - giọng chị Nhì chùng xuống. Chị mong ước thành phố mình có một trung tâm dành riêng cho trẻ mồ côi tật nguyền và nhiều hơn nữa những trái tim nhân ái. Chị cúi xuống bế đứa bé có mẹ là... cô sinh viên ở Duy Châu, cháu vừa bị động kinh. Chị chặm mồ hôi trên vầng trán thơ trẻ, mắt ánh lên một ước mơ, ước mơ có hình trái tim...

Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.