.

Gian nan quản lý vỉa hè

.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi buôn bán, đậu đỗ xe trái phép có thể nói đã trở thành căn bệnh mãn tính. Từ cấp thành phố đến quận, huyện và phường đều tốn rất nhiều công sức, thế nhưng mọi nỗ lực này gần như không đem lại kết quả.

Lúng túng ngay từ khâu văn bản


Vỉa hè đường Hàm Nghi bị chiếm dụng làm nơi để xe máy của Công ty Phi Long.

Trong những năm qua, UBND thành phố đã ban hành đến 4 quyết định liên quan đến công tác quản lý, xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, đậu đỗ xe trái phép, đó là Quyết định số 141, 161, 36 và gần đây nhất là Quyết định số 04. Theo các Quyết định số 141 và 161, vị trí từ bó vỉa hè trở vào dành cho người đi bộ, còn phía trong sát nhà dân dành để xe máy, xe đạp.
 
Tuy nhiên, đến Quyết định số 36 lại quy định ngược lại là vị trí từ bó vỉa hè trở vào dành để xe máy, xe đạp, còn phía sát nhà dân dành cho người đi bộ. Thế nhưng đến Quyết định số 04 mới nhất thì trở lại như hai Quyết định số 141 và 161, tức là từ bó vỉa hè trở vào dành cho người đi bộ và phía trong sát nhà dân để xe máy, xe đạp. Sự thay đổi vị trí để xe lúc sát nhà dân, lúc thì sát bó vỉa hè như vậy đã làm cho công tác tuyên truyền cũng như xử phạt luôn gặp nhiều khó khăn.

Xen kẽ với việc ban hành các Quyết định trên, thành phố cũng đã ban hành nhiều nội quy, hướng dẫn cụ thể khác, cũng như nhiều kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố xung quanh công tác xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép. Đặc biệt trong các văn bản trên, đã hai lần Chủ tịch UBND thành phố ra “tối hậu thư” nêu rõ trách nhiệm của địa phương  cũng như quy định rõ ngày giờ giải quyết dứt điểm tình trạng một số tuyến đường bị lấn chiếm.

Gần đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận Sơn Trà, Thanh Khê và Hải Châu phải giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên một số tuyến đường trước ngày 25-4-2009. Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND quận Hải Châu chấn chỉnh tình trạng đậu, đỗ xe, buôn bán hàng rong trên đường Bạch Đằng trước ngày 10-8-2008. Thế nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán vẫn diễn ra tràn lan khắp nơi.

Phường cũng lúng túng

Vỉa hè đường Ông Ích Khiêm (đoạn trước chợ Cồn) bị biến thành nơi mua bán.

Để đi tìm câu trả lời cho tồn tại này, chúng tôi đã đến chính quyền cấp gần dân nhất và cũng là nơi trực tiếp giải quyết tình trạng trên là UBND phường. Gần như ở đâu cũng bắt gặp cái lắc đầu ngao ngán và mệt mỏi cho công tác này. Theo bà Võ Thị Cảnh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, về văn bản chỉ đạo của chính quyền, từ thành phố đến quận và cả phường nữa có rất nhiều, nhiều đến nỗi không thể nhớ hết.
 
Đó là chưa kể đến các văn bản của ngành hữu quan khác như ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, CSGT, Thông tin-Truyền thông… Rất nhiều văn bản chỉ đạo như vậy, tuy nhiên giữa các cấp và các ngành khi soạn thảo văn bản chỉ đạo không tìm hiểu kỹ nên dẫn đến một số trường hợp “đá” nhau, khiến cho UBND phường rất khó xử lý.

Một ví dụ là từ năm 2006 trở về trước, việc cấp phép, thu lệ phí sử dụng vỉa hè là do lực lượng Thanh niên xung kích đảm nhận. Tuy nhiên, lực lượng này không thể nắm sát tình hình cụ thể từng trường hợp nên nhiều lúc việc cấp phép không chính xác. Thế nhưng khi xảy ra sự cố gì thì chính quyền địa phương phải đứng ra xử lý, điều này gây rất nhiều khó khăn cho UBND phường.

Cũng nỗi trăn trở tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung đưa ra so sánh: Công việc của phường giống như chiếc nón lật ngược. Mọi việc của chính quyền dồn hết xuống cấp phường, khiến cho công việc luôn trong tình trạng quá tải. Đã vậy, việc phân cấp chưa hợp lý, khiến cho công việc thêm nhiều khó khăn.
 
Ví dụ, việc cấp giấy phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh là do quận cấp, còn khi xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là do phường đảm nhận. Từ đó dẫn đến tình trạng cấp quận không thể nắm cụ thể từng trường hợp, vì vậy có một số trường hợp không nên cấp giấy phép lại được cấp. Và hệ quả tiếp theo là khi các hộ kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè, phường xử phạt thì họ lại phản đối vì đã được quận cấp giấy phép.

Câu chuyện quản lý vỉa hè luôn nóng trong thời gian qua, điều này hơn ai hết, các cấp chính quyền đều hiểu rõ. Thế nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết việc ban hành văn bản chỉ đạo phải có sự thống nhất.

Một khi làm tốt công tác này thì việc thực thi cần phải nghiêm, địa phương nào làm tốt sẽ được biểu dương khen thưởng, ngược lại, cần có hình thức xử lý với những địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ thành phố đến phường cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nơi buôn bán, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

 

;
.
.
.
.
.