.

Gìn giữ đốm sáng mỏng manh

.

Bé N.T.K. bị kém thị lực từ lúc mới sinh. Theo chẩn đoán của bác sĩ, mắt K. viễn thị nặng do bị mù vỏ não và chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng cũng đủ làm cho bé sợ hãi, khóc thét. Do xót con nên gia đình luôn bồng ẵm và em thường xuyên ở trong môi trường thiếu ánh sáng. Lên hai tuổi, K. vẫn chưa thể đi được và rất nhút nhát...

Tận dụng tối đa phần thị lực còn lại của học sinh

Một buổi học dành cho nhóm học sinh can thiệp sớm ở Trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Khi các giáo viên chương trình can thiệp sớm (CTS) của Trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu tiếp cận với gia đình, tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc bé; cho bé chơi những đồ chơi có âm thanh với nhiều kích cỡ khác nhau và những màu sắc tương phản để thu hút sự chú ý quan sát của trẻ, bật tắt bóng đèn để thử phản xạ... Sau nửa năm, bé đã có thể thích ứng với những điều kiện ánh sáng khác nhau.

Các giáo viên cũng đề nghị gia đình bé K. giúp em tiếp cận với thế giới bên ngoài bằng cách cho bé đến chơi ở một nhóm trẻ gia đình để em có thể nghe và nhận biết tiếng nói của nhiều người khác nhau. Hay như em L.T.N. dù vẫn còn nhìn được nhưng bố mẹ luôn làm thay em mọi việc, từ chăm sóc bản thân cho đến di chuyển đều có người bên cạnh.

Có rất nhiều gia đình đã gạt đi và cho rằng con mình lười học khi các cháu phàn nàn bị mỏi mắt, nhức đầu và thường xuyên buồn ngủ... khiến cho thị lực của các em ngày càng yếu dần và mờ hẳn. Nhiều phụ huynh có con em bị yếu thị lực đều buộc các em hạn chế nhìn để “giữ được thị lực còn sót lại”. Trong khi đó, theo các giáo viên chương trình nhìn kém, các em phải có những bài tập cử động mắt để duy trì dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, việc quan sát cũng sẽ giúp cho các em tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong vỏ não.

Khoảng ba năm trở lại đây, chương trình tư vấn tại cộng đồng “phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ nhìn kém” do trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu triển khai và đã có 10/40 trẻ khiếm thị trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi được các giáo viên CTS tại cộng đồng. Nhiều trẻ em bị thị lực yếu đã rơi vào tình trạng phát triển tâm sinh lý không bình thường mà nguyên nhân của nó khiến cho nhiều người không khỏi day dứt: sự thiếu hiểu biết trong phương pháp chăm sóc của gia đình khiến các giác quan còn lại đều bị ảnh hưởng và thị lực của các em ngày càng giảm sút.

Từ năm 2001 đến nay, chương trình nhìn kém của trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu được xem là hướng mở cho những học sinh không thể theo học ở trường phổ thông khác vì vấn đề thị lực. Trước đó, nhà trường chỉ giới hạn tuyển sinh cho đối tượng trẻ bị khiếm thị. Với phương châm tận dụng tối đa phần thị lực còn lại của học sinh, nhà trường khuyến khích cho các em học, đọc chữ sáng bằng cách phóng to cỡ chữ, rút ngắn khoảng cách nhìn, dùng đồ dùng dạy học có độ tương phản màu sắc, học sinh có thể dùng bút lông để viết chữ to...

Trường cũng xây dựng phòng nhìn kém để học sinh luyện đọc, viết và tập các bài tập thị lực để dây thần kinh thị giác không bị tê liệt. Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc triển khai song song học chữ nổi và chữ sáng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho học sinh trong quá trình tích lũy kiến thức. Sách chữ nổi rất đắt và cũng chỉ có sách giáo khoa nên các em rất thiếu thốn sách để đọc thêm. Bởi vậy, khi mới vào trường, nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con học thêm chữ sáng nhưng sau một thời gian, thấy được những tiện tích cũng đã bắt đầu có sự thay đổi”. Đến nay, số học sinh có thị lực kém chiếm hơn 50% học sinh theo học tại trường.

CTS để trẻ dễ hòa nhập cộng đồng

Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng có gần 2.000 trẻ em khuyết tật, trong đó: khuyết tật vận động chiếm 21%; khuyết tật thị giác 8%; khuyết tật thần kinh trí tuệ 13,5%, các khuyết tật khác chiếm 19,3%. Trong số này, nhiều em không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Trong kế hoạch trợ giúp trẻ khuyết tật giai đoạn 2009 - 2011, Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn vấn đề xây dựng hệ thống phòng ngừa, CTS khuyết tật cho trẻ để đến năm 2011, 45% trẻ khuyết tật được cải thiện chất lượng về phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Hầu hết giáo viên tại các trường chuyên biệt đều có chung một nhận định rằng, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật của phụ huynh còn nhiều hạn chế. Theo cô Lê Thị Tuyết Mai, nếu trẻ khuyết tật được CTS ở độ tuổi từ 0 - 5 tuổi là tốt nhất. Nhưng ở giai đoạn này, hầu hết phụ huynh đều không chấp nhận con em họ bị khuyết tật hoặc đang tập trung chạy chữa nên chưa đưa trẻ đến trường.

Không riêng gì trẻ khiếm thị hay nhìn kém, đối với trẻ khuyết tật vận động, khiếm thính, chậm phát triển, trẻ tự kỷ… nếu được CTS, sẽ giúp xác định sớm các chương trình giáo dục, y tế thích hợp nhất cho nhu cầu cá nhân của từng trẻ. Tùy thuộc vào mức độ từng loại tật, trẻ được áp dụng những chương trình đã được cá thể hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập sau này. Trẻ được CTS, đặc biệt là trong môi trường học đường, sẽ có nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng, có điều kiện để phát triển tâm lý, hình thành thói quen, kỹ năng cá nhân và xã hội tích cực.

Chẳng hạn, trẻ khiếm thính nếu được phát hiện và cho sử dụng máy trợ thính thường xuyên sẽ kích thích tế bào lông rung động mỗi khi có âm thanh, làm cho tế bào lông trong tai ngày càng nhạy cảm và có phản xạ nhanh hơn, khắc phục phần nào thính giác cho trẻ. Một khi thính giác được khắc phục, trẻ có thể phân biệt được âm nói nên có thể không rơi vào trường hợp bị câm.

Hiện nay, các trường chuyên biệt ở Đà Nẵng đã bắt đầu nhận trẻ tự kỷ vào học, đây là một trong những nỗ lực giúp hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật trong cộng đồng. Nhờ được can thiệp kịp thời với những chương trình dạy - học linh hoạt, tăng thời lượng các tiết học giáo dục cá nhân nên trẻ tự kỷ đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực trong hòa nhập với bạn bè.

Trong khi Đà Nẵng chưa xây dựng trung tâm hỗ trợ, CTS cho trẻ khuyết tật, các cơ sở giáo dục đã bắt đầu tổ chức tập huấn cho phụ huynh những kiến thức về giáo dục tật học để có thể phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ. Từ kinh nghiệm nhiều năm thực hiện chương trình CTS, cô Lê Thị Tuyết Mai cho rằng, một trong những đối tượng mà chương trình cần phải hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn là các bậc phụ huynh.

Công việc này có thể được thực hiện ở nhà, ở trung tâm CTS hay ở cả hai nơi. Không một người cha người mẹ nào lại muốn chuẩn bị tâm thế tiếp nhận một đứa con sinh ra bị khuyết tật. Khi biết chắc chắn đứa con mình được chẩn đoán bị khuyết tật, hơn ai hết chính cha mẹ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiệm vụ của chuyên gia CTS là hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ về mặt tâm lý cũng như các kiến thức, kỹ năng đặc thù để chăm sóc và giáo dục trẻ. Những nỗ lực từ cả phía gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp cho quá trình hòa nhập vào cộng đồng của trẻ khuyết tật được dễ dàng hơn.

Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng có gần 2.000 trẻ em khuyết tật, trong đó: khuyết tật vận động chiếm 21%; khuyết tật thị giác 8%; khuyết tật thần kinh trí tuệ 13,5%, các khuyết tật khác chiếm 19,3%. Trong số này, nhiều em không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Trong kế hoạch trợ giúp trẻ khuyết tật giai đoạn 2009 - 2011, Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn vấn đề xây dựng hệ thống phòng ngừa, CTS khuyết tật cho trẻ để đến năm 2011, 45% trẻ khuyết tật được cải thiện chất lượng về phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

N.Hà - H.Lương

;
.
.
.
.
.