.

Giỡn mặt với… tử thần!

.

Người ta gọi nghề rà tìm phế liệu bằng cái tên nghe thật ớn lạnh: “Giỡn mặt với… tử thần”. Bởi lẽ, nghề này lắm nguy hiểm, chỉ cần trong lúc rà tìm mà gặp phải các loại đầu đạn, mìn… sót lại trong chiến tranh thì có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ở xã miền núi Hòa Liên (Hòa Vang), hiện có gần 100 người làm nghề rà tìm phế liệu. Có người nhờ làm nghề này mà sắm được xe máy, có tiền sửa nhà, và cũng có người vì làm nghề này mà gia đình rơi vào cảnh tang thương, chết chóc…

Niềm vui trước mắt…

Nghề rà tìm phế liệu luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào nếu chẳng may gặp phải bom mìn sót lại trong chiến tranh. (Ảnh minh họa)

Do không có nghề nghiệp ổn định, nên nhiều người dân ở xã miền núi Hòa Liên đã chọn nghề rà tìm phế liệu để kiếm sống. Từ sáng sớm, từng đoàn người gói ghém theo cơm, nước uống tỏa đi các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh… (Hòa Vang) để rà tìm phế liệu chiến tranh còn sót lại trong lòng đất.

Số người làm nghề này không chỉ có nam giới mà còn có cả phụ nữ.
Anh Hồ Chơi, trú thôn Tân Ninh có thâm niên hơn 10 năm trong nghề này nói vui, muốn làm được nghề này, trước hết phải liều, nghĩa là không sợ bom, mìn... Dụng cụ hành nghề khá đơn giản, chỉ cần mua một máy rà phế liệu loại nhỏ, sắm thêm cuốc, xẻng là có thể vào nghề này được rồi. Anh Chơi kể, qua hơn 10 năm làm nghề, anh đã gặp phải nhiều loại đầu đạn 105 ly, đầu đạn 79, bom bi… Mỗi lần như vậy, anh thấy ớn lạnh xương sống, muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, nghĩ đến vợ con ở nhà đang cần tiền trang trải cuộc sống, anh phải nhắm mắt... mà liều.   

Nguy hiểm rình rập từng giờ, từng phút, nhưng thu nhập của nghề rà tìm phế liệu cũng khá. Bình quân mỗi ngày, mỗi người cũng kiếm được gần 100 nghìn đồng. Thỉnh thoảng “trúng quả” các loại nhôm, đồng, cánh máy bay…, có người kiếm được cả bạc triệu. Anh Chơi khoe, cũng nhờ nghề này mà anh nuôi được các con ăn học và có tiền sửa chữa nhà cửa khang trang. Trong thôn Tân Ninh, nhiều người sắm được xe máy, tivi… cũng nhờ làm nghề rà tìm phế liệu. 

Không chỉ có đàn ông, trên địa bàn xã Hòa Liên hiện có nhiều phụ nữ làm nghề rà tìm phế liệu. Chị Nữ, ở thôn Tân Ninh có chồng làm nghề thợ hồ và 2 con nhỏ. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, suốt mấy năm qua, chị Nữ đã theo nghề rà tìm phế liệu. Hằng ngày, chị mang theo máy rà đi khắp nơi. Và mỗi ngày như vậy, chị cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Chị Nữ cho biết, tuổi lớn rồi mà chẳng biết làm việc gì để kiếm sống, biết rằng rà tìm phế liệu là nguy hiểm, nhưng cũng đành nhắm mắt làm liều, sống chết đã có trời định.

Và những nỗi buồn đọng lại

Nghề rà tìm phế liệu đã giúp cho nhiều người có thu nhập hằng ngày khá hơn so với một số nghề khác. Tuy nhiên, nghề này cũng làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh mất mát, tang thương do bom, đạn còn sót lại trong chiến tranh gây ra. 

Trên địa bàn xã Hòa Liên đã có nhiều trường hợp chết hoặc bị thương do bom, mìn, đầu đạn… gây ra. Năm 2001, ông L. V. M rà được đầu đạn 105 ly, trong lúc tháo đầu đạn lấy thuốc nổ để bán, đầu đạn phát nổ làm ông M. chết tại chỗ. Năm 2003, ông Ng. U. cũng rà được đầu đạn 105 ly đem về tháo lấy thuốc và cũng bị đầu đạn phát nổ, chết tại chỗ. Tiếp đó, năm 2005, anh L. B tháo đầu đạn 105 ly và cũng chung số phận như 2 người kia. Những trường hợp chết do đầu đạn gây ra đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn; vì thế, sau khi qua đời, cuộc sống gia đình họ vốn đã khó khăn nay càng khốn khó hơn.  

Anh Hồ Chơi cho biết thêm, mặc dù nghề rà tìm phế liệu nguy hiểm là vậy, có thể mất mạng bất cứ lúc nào, song, khi thời giá phế liệu tăng cao, cả xã có đến vài trăm người đi làm nghề này. Hằng ngày, dễ dàng bắt gặp cảnh những người đi rà tìm phế liệu tỏa đi khắp nơi trên các ngả đường. Còn theo ông Bùi Đức Noa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên thì không thể thống kê chính xác số lượng người dân trên địa bàn xã làm nghề rà tìm phế liệu được, vì con số này liên tục biến động. Trừ những người làm nghề chuyên nghiệp, vào thời điểm nông nhàn, người dân đi rà tìm phế liệu ở các xã Hòa Ninh, Hòa Bắc… khá đông đúc.

Để rà tìm kim loại trong lòng đất, cách đây vài năm, người ta đã chế tạo ra chiếc máy dò tìm đơn giản này.
 
Máy được cấu tạo bằng một bộ cảm ứng chạy bằng pin, cột chặt với một chiếc gậy để cầm, một chiếc tai nghe đấu với bộ cảm ứng để người sử dụng nhận biết âm thanh khi bộ cảm ứng phát hiện thấy kim loại. Mỗi máy rà tìm kim loại loại nhỏ có giá bán trên thị trường từ 250.000-300.000 đồng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.