.
Gương cán bộ dân số

17 năm gắn bó với công tác dân số

.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đã giảm đáng kể. Kết quả trên ngoài sự nỗ lực chung của chính quyền còn có sự đóng góp rất lớn của chị Thái Thị Tâm, người luôn nhiệt huyết với công tác dân số của địa phương.

Chị Thái Thị Tâm: “Nếu cộng đồng nhận thức tốt về sinh đẻ có kế hoạch thì sẽ giúp nhiều gia đình có điều kiện cho con cái học hành đến nơi, đến chốn”.

Năm 1992, chị Thái Thị Tâm tự nguyện gia nhập và trở thành một trong những cộng tác viên dân số đầu tiên của xã Hòa Sơn. Chị Tâm tâm sự, để làm một cộng tác viên dân số không khó, nhưng cái khó là cách thức vận động để cho người dân hiểu đúng về chính sách dân số, thực hiện có hiệu quả những biện pháp tránh thai nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Để có thể “tỷ tê mùi mẫn” khi tiếp cận chị em phụ nữ, chị đã tham khảo nhiều sách báo, tài liệu, đồng thời đăng ký tham dự nhiều khóa tập huấn dân số do cấp trên tổ chức.

Năm 1995, chị Tâm được chính quyền cử làm cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Sơn. Nhiệm vụ mới khiến chị “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi thời điểm ấy đời sống của người dân Hòa Sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm tới 35%, 49% phụ nữ được khám mắc bệnh phụ khoa, số cặp vợ chồng tham gia các biện pháp tránh thai còn khá khiêm tốn.

Do vậy, ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo xã có những chủ trương phù hợp với đặc điểm địa phương, chị Tâm chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt đối với Mặt trận xã Hòa Sơn vận động nhân dân tham gia ký kết tổ, thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tranh thủ các đợt chiến dịch truyền thông, chị mời thêm các bác sĩ giỏi ở tuyến trên về thăm khám, tư vấn các biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
 
“Gái có công, chồng chẳng phụ”, kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Hòa Sơn từ năm 2004 đến năm 2008 đã chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 20,2% xuống còn 16,48% năm 2008. Tỷ suất sinh thô được kiểm soát, các biện pháp tránh thai như đình sản, sử dụng bao cao su, đặt vòng… được nhiều người dân trong độ tuổi sinh đẻ quan tâm, đăng ký thực hiện. Tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận biện pháp tránh thai đạt 76,9%.

Chất lượng cuộc sống của phần lớn người cao tuổi ở thành phố ngày càng được nâng cao.

Đối với chị Tâm, những kết quả trên là thể hiện sự nỗ lực không chỉ của riêng chị mà công sức của tất cả cộng tác viên dân số thường xuyên “nằm vùng, tác chiến” tại các thôn. Điều làm cho cán bộ làm công tác dân số ở Hòa Sơn phấn khởi là sự thay đổi rất lớn từ ý thức của người dân, nhất là đồng bào Công giáo đã luôn gương mẫu chấp hành các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước.

17 năm gắn bó với công tác dân số, chị Tâm vẫn rất hăm hở, muốn tham gia nhiều chương trình hoạt động để góp phần vào việc xây dựng các gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng ở Hòa Sơn. 10 năm qua, rất nhiều phần thưởng, danh hiệu chị được nhận như: Huy chương Vì sự nghiệp Dân số, Chiến sĩ thi đua ngành Dân số cấp thành phố, Giấy khen của Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước và rất nhiều danh hiệu khác dành cho người phụ nữ luôn hết mình vì công tác dân số này.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.