Một trong những họa sĩ thế giới đầu tiên vẽ Bác Hồ là Ê-rích Giô-han-xơn, họa sĩ người Đức gốc Thụy Điển. Năm 1924 ông gặp Nguyễn Ái Quốc ở Mát-xcơ-va, qua thời gian gần gũi ông cảm nhận: “Nguyễn Ái Quốc là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một người rất uyên bác”.
Hồ Chí Minh (1969), tranh của R.Gút-tu-dô. |
Họa sĩ vẽ tranh hoành tráng nổi tiếng người Ý là R.Gút-tu-dô năm 1969 đã vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế nhìn nghiêng, bàn tay nâng niu những bông hồng trắng và đỏ, trên nền màu lung linh cờ đỏ sao vàng – búa liềm, vừa mang dáng dấp một nhà hiền triết – nhà thơ phương Đông, vừa có tư thế rắn rỏi, đỉnh đạc của lãnh tụ, của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1972, nhà thơ Tố Hữu nhân dịp đến thăm phòng vẽ của họa sĩ R.Gút-tu-dô, khi nhìn thấy bức họa đó, nhà thơ đã viết trong bài thơ “Rôm, hoàng hôn” đầy cảm xúc: “... Và tỏa ấm phòng anh yên ả / Gương mặt Bác Hồ suy tưởng trầm ngâm / Điếu thuốc trên môi làn khói bay thong thả / Với đóa hoa hồng tươi thắm lương tâm...”.
Trong những năm 1970, dư luận báo chí các nước đã nói nhiều tới bức bích họa “Hòa bình hữu nghị anh em trên toàn thế giới” của họa sĩ người Mê-hi-cô là Gi. e-mô Vê-ga ở vòm Nhà hữu nghị quốc tế Gu-a-đa-la-gie-ra. Bức tranh này có diện tích đồ sộ 650m2 diễn tả cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cuộc chiến đấu của nhân loại suốt quá trình lịch sử chống ách bóc lột bất công, hướng về tự do và hạnh phúc. Trên nền xanh da trời, Gi. e-mô Vê-ga đã vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng giữa những vĩ nhân của lịch sử nhân loại, bên cạnh Mác, Lê-nin, Bet-tho-ven... với nét mặt kiên nghị, nhân hậu, dáng đứng của Người cao lồng lộng trong bộ quần áo ka-ki quen thuộc.
Đặc biệt họa sĩ nổi tiếng của thế kỷ 20 là Picasso, bạn thân của Nguyễn Ái Quốc từ những năm 1911 lúc còn ở Pa-ri, hồi đó họ vẫn thường gặp nhau ở trụ sở Clarté (Ánh sáng). Năm 1946, trong thời gian diễn ra Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ cùng ông Vũ Đình Huỳnh là thư ký của Bác lúc đó cùng đến thăm xưởng vẽ của nhà danh họa Picasso. Sau khi ôm chầm lấy nhau sau hơn 35 năm gặp lại, họa sĩ vừa trò chuyện vừa đưa Bác đi xem phòng tranh của mình. Trước lúc chia tay, họa sĩ mời Bác uống nước, rồi phác mấy nét chân dung. Lúc tiễn ra cửa, Picasso mới trao bức chân dung cho Bác, sau đó Bác trao lại cho ông Vũ Đình Huỳnh cất giữ.
Chân dung Hồ Chí Minh do họa sĩ Đức E.Giô-han-xơn vẽ năm 1924. |
Những nét phác về chân dung Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ trên thế giới càng khẳng định “Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa hòa bình”. Đã có nhiều tác phẩm văn học, thi ca, điện ảnh trên thế giới ca ngợi về Người, mong sao sẽ có một tuyển tập sưu tầm và giới thiệu các bức họa của các họa sĩ thế giới đã vẽ về Bác Hồ, sớm được ra mắt công chúng, nhất là bức họa chân dung mà họa sĩ thiên tài Picasso đã vẽ Bác hơn 60 năm về trước.
Lê Gia Thụy
(Tài liệu tham khảo từ “Mỹ thuật với Bác Hồ” và “Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa”)