(ĐNĐT) Một bảo tàng nằm bên vực Quành – vốn trước đây là nơi đóng quân của Sư đoàn 334 - với đầy đủ bến phà dã chiến, cầu phao, đường giao liên, đường ống dẫn dầu, hầm hào, những căn hầm chữ A, trường học, bệnh xá, nhà giữ trẻ, nhà hầm... được ông Nguyễn Xuân Liên – một người Hà Nội nặng nợ với Quảng Bình - tái hiện một cách sống động và chân thực về Quảng Bình của những năm khói lửa như là cuộc trò chuyện thầm lặng giữa các thế hệ về lịch sử của một thời hào hùng.
“ Trang giáo án sinh động cho giờ lịch sử”
Chỉ cách trung tâm thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chưa đầy 10 km, vùng đất rộng khoảng 10 ha của ông Nguyễn Xuân Liên đã là một không gian khác, một vùng quê Quảng Bình của ba mươi năm về trước. Đi qua những hố bom sâu hoắm, qua chiếc cầu phao được làm từ những chiếc thùng phuy xăng đã được ông Liên kỳ công sơn lại cho đúng màu cỏ úa, theo một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh, ta bắt gặp những mái nhà tranh riêng có ở Quảng Bình những năm chiến tranh. Một trạm xá dã chiến với phòng phẫu thuật dưới hầm, một lớp học, những chiếc nôi trong căn hầm của nhà giữ trẻ, cả những căn hầm chữ A được đào ngay trong chính nhà dân, cạnh đó là một căn nhà cháy xém được dựng lại hay một ngôi nhà khác đã được dỡ bỏ làm cầu cho xe qua, kho gạo muối... rồi hệ thống đường giao thông hào bao quanh làng. Đi quanh xóm nhà nhỏ mái tranh này còn có thể bắt gặp những vật dụng mộc mạc, thân thuộc đã trở thành kỷ vật của một thời bom đạn: cái đèn dầu bằng vỏ bom bi, chiếc xẻng mòn vẹt, hòm đựng gạo, một cái cối giã gạo lỗ chỗ mảnh găm bom bi, chiếc xe đạp toàn thân sơn màu xanh, những bao gạo, cụm phuy xăng thả trên sông, những mảnh sắt dùng để rà phá bom từ trường trên sông... Và xung quanh làng là bạt ngàn những cây rau tàu bay – loại rau chủ lực suốt thời chống Mỹ. Một giai đoạn hào hùng của lịch sử vùng đất lửa được tái tạo lại, một bảo tàng cho nhiều thế hệ.
“Vùng ký ức” này đã có nhiều người tìm đến. Nó là miền hoài niệm của những cựu chiến binh, những người trưởng thành từ trong máu lửa chiến tranh, là “phim trường” sinh động bổ khuyết cho những người trẻ về hình ảnh của một thời mưa bom bão đạn. Hàng trăm bạn trẻ đã ghi vào sổ lưu niệm tại bảo tàng những dòng chữ cảm động và thán phục vì ý chí, sự thông minh và sức mạnh của những con người vùng đất lửa trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Lieve Sabbe, người Thuỵ Điển viết: “Bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn những khó khăn, ác liệt của chiến tranh, tôi cũng nhận thấy một sức mạnh thần bí, tiềm ẩn trong những con người Việt Nam đã giúp họ sống, học tập, cứu chữa trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khó như vậy. Đây là một giáo án quan trọng cho giờ học lịch sử”. Nhiều cuộc giao lưu tại bảo tàng giữa các thế hệ đã diễn ra một cách tình cờ nhưng rất cảm động. Có những vị lão thành cách mạng đã lặn lội đường xa đến tặng cho bảo tàng cái ống pháo sáng, mảnh dù, chiếc bi đông... Có người sẵn sàng cùng ông Liên đi sưu tầm hiện vật, cùng ông đan tấm tranh lợp mái nhà, vừa đào giao thông hào vừa khóc. Chính họ, vô hình chung, đã là những người hướng dẫn viên tích cực giúp những thế hệ sinh ra trong hoà bình hiểu và cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh cũng như khát vọng về viễn cảnh một cuộc sống thanh bình.
Người đi những “bước lùi”
Nhiều người đã gọi ông Nguyễn Xuân Liên là “người gàn dở vĩ đại”, là ngông, là lập dị... khi dốc hơn 3 tỉ đồng chỉ để tái tạo lại ký ức của chính mình. Một người ba đời sống ở thủ đô, khi về già lại tìm về mảnh đất gió Lào cát trắng, đổ cả núi tiền, trần lưng ra đào đất, dựng nhà... làm bảo tàng chiến tranh.
Suốt một thời trai trẻ, từ năm 1961 đến năm 1970, anh Liên sống trọn vẹn với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và hai năm khốc liệt nhất của bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ tại tuyến lửa Quảng Bình. Trong ký ức của ông Liên vẫn vẹn nguyên những bát cơm nóng hổi mà bà mẹ Quảng Bình dành cho các anh trong khi cả nhà mẹ hàng tháng trời chỉ ăn khoai ăn sắn dù trong nhà có hàng chục tấn gạo của bộ đội gửi mà “gạo vẫn không thiếu một cân”; rồi những mẹ, những chị thức đêm chăm sóc thương bệnh binh...Ông tâm sự rằng, với Quảng Bình, ông có nhiều duyên nợ, mà có lẽ là “nợ” nhiều hơn. Những người dân nơi đây đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ ông suốt một thời tuổi trẻ, để ông được trưởng thành như ngày hôm nay. Và tận trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn tin rằng có ngày sẽ quay trở lại. Hai mươi năm sau, năm 1992, ông Liên mới có dịp quay trở lại chiến trường xưa. Ngạc nhiên trước sự thay đổi ghê gớm của vùng đấy Quảng Bình nhưng ông Liên cũng không khỏi ngậm ngùi vì những địa danh nổi tiếng một thời với bao kỳ tích đã không còn một vết tích chiến tranh. Và hơn hết cả, ông đau đáu trước một lớp trẻ mơ hồ về cuộc chiến vừa mới chỉ lùi xa chưa đầy ba mươi năm. “Phải làm điều gì đó bởi một khi thế hệ chúng tôi qua đi, lịch sử sẽ viết lại như thế nào”. Và cái ý định ấy được nung nấu, ấp ủ suốt mười năm ròng, để đến năm 2003, khi nghỉ hưu ở Viện châm cứu, ông Liên quyết định bán hết sản nghiệp của mình, đưa cho bà giữ một nửa, nửa còn lại ông khăn gói về Quảng Bình bắt tay tái dựng lại ký ức của cả một đời người.
Vực Quành, trước đây là nơi đóng quân của Sư đoàn 334, đã từng có đường giao liên, ống dẫn dầu, trạm xá dã chiến, có dòng sông uốn lượn mà hai bên bờ còn nguyên những cây bản địa... được ông Liên chọn để xây dựng một bảo tàng Quảng Bình thu nhỏ thời máu lửa. Ông vừa là tổng công trình sư, vừa là công nhân giữa ngổn ngang sỏi đá, và sau này, còn là một hướng dẫn viên tâm huyết cho những ai ghé qua. Ông kỳ công lùng tìm cho được những phuy xăng và cho sơn lại đúng màu cỏ úa, những chiếc nôi đan mới cũng phải tìm người đan theo đúng kiểu ngày xưa, những tiểu tiết như tìm cây rau tàu bay trồng quanh bảo tàng cũng được ông lưu tâm. “Những ký ức, những gì nếm trải trong thời chiến, tôi đều cố gắng tái hiện lại theo kiểu động. Chẳng hạn như căn nhà bị cháy xém này, năm trước nó nguyên là phòng sản của trạm xá”. Nhiều du khách đã không giấu được sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của bảo tàng khi quay lại thăm.
Đã nghe người bạn thân của ông kể về những phiền nhiễu không đáng có trong suốt thời gian ông xây dựng bảo tàng, nhưng dù tôi gợi chuyện thế nào, ông chỉ cười rất bình thản, cái bình thản của một người đã kinh qua những gian khổ, thử thách của cuộc sống. “Tôi làm, trước hết là thoả lòng với tôi. Với tôi, chính những giọt nước mắt xúc động lăn dài của những đồng đội cũ, ánh mắt thán phục và tự hào của các bạn trẻ về một thời oanh liệt của cha ông khi đến thăm bảo tàng là quà tặng vô giá. Tôi đã trả ơn được sự cưu mang đùm bọc của nhân dân Quảng Bình trong những ngày khói lửa chiến tranh”. Vậy là trong khi cuộc đời vẫn trôi chảy về phía trước, ông Nguyễn Xuân Liên đã đi “những bước Lùi về thời máu lửa, những bước Lùi cho tương lai”. Nghoảnh lại một thời trai trẻ để có một bảo tàng cho nhiều thế hệ.
Hiền Lương