.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XII:

Đề nghị thành lập cơ quan quản lý nợ công độc lập trực thuộc Bộ Tài chính

.

(ĐNĐT) - Chiều ngày 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý nợ công.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), dự luật lần này đã thể hiện những bước thay đổi quan trọng trong công tác quản lý nợ công, nhưng vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề cơ bản. Về cơ quan quản lý Nhà nước về nợ công, cho dù dự luật này đã cố gắng xây dựng theo hướng tập trung chức năng quản lý Nhà nước về nợ công cho Bộ Tài chính. Nhưng theo ĐB  Nguyễn Thị Mỹ Hương, cách quy định như dự thảo hiện nay vẫn làm cho hoạt động quản lý nợ công còn phân tán cho 3 cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng Nhà nước.

ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương phát biểu tại hội trường.

Chính sự phân tán này dẫn đến không giải quyết đảm bảo được 3 yêu cầu trong công tác quản lý nợ công như việc tích hợp quản lý nợ nước ngoài và nợ trong nước, việc tích hợp quản lý tiền mặt và quản lý nợ công, chưa tách bạch được chức năng quản lý nợ với chức năng điều hành chính sách tài khóa tiền tệ.

Theo ĐB, chính những yếu tố trên sẽ dẫn đến sự thiếu nhất quán trong cơ cấu nợ và dẫn đến nguy cơ rủi ro lãng phí trong hoạt động quản lý vay và sử dụng vốn vay. Vì vậy, ĐB đề nghị nhất thiết phải thành lập cơ quan quản lý nợ công độc lập trực thuộc Bộ Tài chính; chuyển chức năng chủ trì xây dựng và điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài về cho Bộ Tài chính; đồng thời chuyển nhiệm vụ vận động, chủ trì đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về ODA từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư sang cho Bộ Tài chính.

ĐB cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên làm đúng chức năng của mình là tập trung vào công tác hoạch định và công tác quản lý đầu tư công hơn là thực hiện chức năng thu hút tài trợ cũng như ký kết đàm phán để thu hút các nguồn tài trợ. Việc giải thích rằng cần giữ lại các chức năng này cho hai cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch - Đầu tư là để kế thừa kinh nghiệm đi vay thì chưa hoàn toàn thuyết phục.

Về bảo lãnh Chính phủ, theo ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương, kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong những năm 70, 80, đặc biệt là các nước Nam Mỹ cũng cho thấy vấn đề bảo lãnh Chính phủ là một vấn đề cần phải thận trọng. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc bảo lãnh này dẫn đến nguy cơ khủng hoảng rất lớn bởi các chủ ngân hàng luôn mong muốn tìm đến nơi đầu tư dòng vốn của mình. Như vậy, đối với những khoản vay bảo lãnh của Chính phủ không có lý do gì họ không cho vay. Bởi họ luôn trong trạng thái an toàn và quan trọng người đi vay phải rất thận trọng. Vì vậy, ĐB đề nghị cần phải quy định chặt chẽ những loại hình, những dự án nào được cấp bảo lãnh Chính phủ, tránh việc quy định không chặt chẽ, rất dễ dẫn đến những kẽ hở trong quá trình thực thi pháp luật.

* Buổi sáng cùng ngày, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung (SĐBS) một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, tại Nghị quyết 07/2007/QH12 ngày 12-11-2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2008, có quy định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất trên toàn quốc.

Tuy nhiên, từ cuối 2007 đến nay, chúng ta chưa thực hiện được vấn đề này. Theo ĐB, cũng có ý kiến đề nghị thực hiện việc cấp một giấy theo Nghị quyết của Quốc hội, nhưng nếu vậy thì lại không đúng luật hiện hành nên cần thiết phải SĐBS Luật đất đai và Luật nhà ở.

Theo ĐB Hồ Nghĩa Dũng (Đắc Nông), nếu dự án Luật SĐBS một số điều của Luật xây dựng được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn rất nhiều trong thực tiễn. Theo ĐB, lâu nay hầu như dự án nhóm A thì Thủ tướng quyết định đầu tư, lần SĐBS này nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư những dự án quan trọng của quốc gia sử dụng vốn nhà nước sau khi được Quốc hội cho chủ trương, các dự án xây dựng công trình còn lại thì Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư.

Đối với Luật SĐBS một số điều của Luật đấu thầu, ĐB Huỳnh Nghĩa ((Đà Nẵng) đề nghị cần SĐBS theo hướng phân cấp mạnh hơn, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian trong việc xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, xây dựng và điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống trong đấu thầu,… trong đó phải giải quyết cơ bản, triệt để tình trạng chạy thầu, thông thầu, chạy dự án vốn là những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.

Hữu Hoa

;
.
.
.
.
.