.
Hôm nay 15-5, Phiên tòa công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam:

Lương tri nhân loại lên tiếng

.
(ĐNĐT) Phiên tòa công luận quốc tế do Hội Luật gia Dân chủ thế giới tổ chức tại Paris (Pháp) sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-5. Đoàn Việt Nam tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng có 14 người, trong đó có 3 nạn nhân chất da cam (NNCĐDC), 3 chuyên gia khoa học, 2 luật sư. Hội Luật gia dân chủ thế giới sẽ cử 7 thẩm phán từ nhiều nước, hai công tố viên là người Mỹ, trong đó có ông Jonathan Moore là luật sư của NNCĐDC Việt Nam tại vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. 

   
 

Hai năm liền 2008 và 2009, Doc Berni Duff, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tổ chức “Hành trình cam” khắp chiều dài Việt Nam và một số thành phố ở Mỹ để kêu gọi ủng hộ vụ kiện của các NNCĐDC Việt Nam

Đây là tòa án công luận, lương tâm ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Toà đã trát thông báo cho bên bị đơn là các công ty hóa chất Mỹ biết, nếu họ không đến tòa vẫn xử vắng mặt. Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế lần này sẽ xác định đầy đủ sự thật khách quan: Thực trạng diễn biến cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Hoa Kỳ tiến hành tại Việt Nam giai đoạn 1961-1971; thực trạng về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học này đối với sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái của Việt Nam; xác định trách nhiệm của phía Hoa Kỳ gồm các công ty hóa chất và chính quyền Hoa Kỳ trong việc đền bù thiệt hại cho các nạn nhân Việt Nam.

Trả lời báo chí, luật sư Lê Đức Tiết, thành viên của đoàn Việt Nam cho biết: Cơ sở pháp lý xét xử của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế là công pháp và luật pháp quốc tế về ngăn ngừa, cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hóa học chiến tranh. Trình tự, thủ tục tiến hành phiên tòa là trình tự, thủ tục của nền khoa học pháp lý đương đại. Hội đồng xét xử gồm các luật gia, giáo sư nổi tiếng  từng đảm nhiệm các chức vụ Chánh án tòa án quốc gia, giáo sư các trường Đại học pháp lý thuộc nhiều quốc tịch: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Chi lê, Anh, Algeri, Rumani... Tòa sẽ nghe các chuyên gia khoa học về các lĩnh vực độc học, dịch tễ học, môi trường sinh thái học, bệnh học của các nước Pháp, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam trình bày kết quả công trình nghiên đánh giá  thực trạng cuộc chiến tranh hóa học và hậu quả mà họ đã tiến hành nghiên cứu trong hàng chục năm qua.

Các chuyên gia pháp lý của Pháp, Hoa Kỳ trình bày trước Tòa các cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các công ty hóa chất và chính quyền Hoa Kỳ đối với hậu quả đã gây ra. Các nhân chứng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc báo cáo về điều kiện sống của thân nhân, hoàn cảnh sống của bản thân, và những người cùng cảnh ngộ.

   

Nạn nhân thảm hoạ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản chia sẻ nỗi đau với NNCĐDC thành phố Đà Nẵng trong đêm giao lưu 13-9-2008


Thực trạng, hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Hoa Kỳ tiến hành tại Việt Nam trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20, trách nhiệm của các công ty hóa chất và Chính quyền Hoa Kỳ sẽ được Tòa xác định trên cơ sở những chứng cứ trình bày công khai và công bố rộng rãi cho nhân dân thế giới cùng biết.

Các NNCĐDC Việt Nam tiến hành vụ kiện tại Hoa Kỳ nhiều năm qua nhưng các cấp tòa án Hoa Kỳ đã từ chối thụ lý đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam, chỉ với lý do duy nhất "Chất da cam tuy có chứa dioxin là một chất độc, nhưng đặc trưng vẫn là chất diệt cỏ, không phải chất độc”. Lập luận của Tòa án Hoa Kỳ đã đi ngược lại với hiện thực hậu quả vẫn đang hiển hiện trên đất nước và người dân Việt Nam, các quân nhân Hoa Kỳ đã từng tham gia phun rải thí nghiệm chất da cam trong những năm chiến tranh ở Việt Nam. Di chứng do hậu quả chất độc da cam trên thân thể của hàng chục vạn gia đình cựu binh  đang sinh sống tại Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc... và 3 triệu nạn nhân Việt Nam là nhân chứng, bằng chứng sống trước tòa.  

Theo luật sư Tiết, các chính trị gia lão luyện trên thế giới đánh giá rất cao sức mạnh của tòa án lương tâm nhân dân quốc tế hay còn gọi là  tòa án công luận. Phán quyết của các tòa án lương tri không có hiệu lực buộc phải thi hành ngay như phán quyết của tòa án quốc gia. Dẫu chậm hơn nhưng cuối cùng các phán quyết của  Tòa án công luận đã buộc các Chính phủ phải thay đổi đường lối chính sách lỗi thời của họ. Có thể kể đến một vài ví dụ như sau: Vào những năm 1966 - 1967, bất chấp sự phản đối trong và ngoài nước, Chính quyền Hoa Kỳ vẫn đẩy mạnh việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1961. Cũng trong năm 1967 Tòa án Bertrand Rusell đã mở hai phiên tòa tại Stockhom (Thụy Điển) và Copenhague (Đan Mạch) lên án Chính quyền Hoa Kỳ đã phạm tội ác xâm lược và sử dụng vũ khí hóa học ở Việt Nam. Phán quyết của Tòa án Bertrand Rusell đã làm dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ chính quyền Hoa Kỳ ngay trong đất nước của họ và trên toàn thế giới. Trước sức ép của  công luận, chính quyền Johnson buộc phải ra lệnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất da cam trong chiến tranh ở Việt Nam.

 
Một số mốc chính trong vụ kiện chất độc da cam:
* 30-1-2004, bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ.
* 10-3-2005 Tòa sơ thẩm Mỹ ra phán quyết bác đơn.
* 30-9-2005 nguyên đơn nộp đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ.
* 22-2-2008: Tòa phúc thẩm nhất trí với kết luận của Tòa sơ thẩm, bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
* 6-10-2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ.
* 2-3-2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.
 

S.Trung

;
.
.
.
.
.