.

Hướng đến “mười năm trồng cây…”

.

Chiếm hơn 50% lượng cây xanh trên đường phố Đà Nẵng hiện nay là những cây mới trồng chưa đến 2 năm tuổi, nhiều cây chưa tạo được bóng mát. Trong khi ở nhiều tuyến đường, số cây khoảng 10 năm tuổi đã cho bóng mát thì diễn ra tình trạng cây không cùng chủng loại, như đường Trần Phú có đến 27 loại cây khác nhau...

Không đồng nhất về chủng loại, tuổi cây

10 năm nữa, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường như định hướng phát triển của mình.

Từ năm 2004 đến nay, số lượng cây xanh đường phố của Đà Nẵng tăng nhanh, riêng trong năm 2007-2008 có trên 8.000 cây được trồng mới. Có nhiều loại cây mới như ngâu, tùng hay trúc đào, muồng hoàng yến... góp phần hoàn thành mục tiêu “Phát triển diện tích không gian xanh đô thị, hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây, phấn đấu đạt 3-4m2/người vào năm 2015” trong chương trình xây dựng Thành phố môi trường.

Tuy nhiên, những cây mới trồng tán lá hẹp, chưa phát huy tác dụng che bóng mát nên không thể bù đắp số lượng cây xanh nhiều năm tuổi bị chặt hạ, di dời theo yêu cầu chỉnh trang đô thị. Nhiều con đường được xây dựng mới trở nên trơ trọi giữa cái nắng mùa hè và đơn độc giữa mùa đông. Chính vì vậy, số lượng cây xanh dù được trồng nhiều nhưng cũng chỉ bằng 1/3 so với Đề án quy hoạch và phát triển cây xanh đường phố đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó là việc thi công các hạng mục trồng cây xanh đường phố ở hầu hết các dự án xây dựng khu dân cư (KDC), khu tái định cư chậm triển khai nên nhiều người dân buộc lòng phải tự trồng những loài cây tạp, tuy cho bóng mát nhanh nhưng không phù hợp trồng đường phố như trứng cá hay số cây có hoa nhưng không cho bóng mát, chiếm 12,6% như vông đồng, trứng cá, cây ăn quả, cây lâm nghiệp...

Theo Kiến trúc sư Huỳnh Tòa, Đà Nẵng phát triển theo cách chuẩn bị hạ tầng trước để thu hút đầu tư và khi hội đủ điều kiện sẽ nhanh chóng tạo ra một bộ mặt đô thị mới, phù hợp với cuộc sống của những người bình dân. Tuy nhiên đây cũng là “cơ hội” để cây xanh bị chặt hạ mà chưa có kế hoạch chuẩn bị cây trồng mới thay thế. Giải tỏa nhưng chưa xây dựng cũng là nguyên nhân để người ta không thể trồng cây ngay trên những lô đất đang chờ tái định cư.

Tuy cho bóng mát nhưng ở những đường phố cũ như Trần Phú, Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương, Hoàng Diệu, Lý Thường Kiệt… một tình trạng phổ biến là cây được trồng không đồng nhất về chủng loại, đa dạng về tuổi cây.

Trong khi các đường phố đều có vỉa hè hẹp và cây xanh được bố trí trồng ngay dưới hàng dây điện, điện thoại làm sức vươn lên của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc bố trí trồng cây quá gần hệ thống cấp-thoát nước, cáp quang dưới mặt đất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hệ thống cây xanh, làm cho cây bị lệch tán, rễ phát triển không vững chắc, dễ đổ ngã khi có gió bão. Những vấn đề đặt ra rất khó được giải quyết trong thời gian ngắn, gây không ít khó khăn cho chính những công ty đang quản lý vấn đề này.

Chỉ cấm chặt cây, bẻ cành, ngắt hoa?

Ở những KDC, việc quy hoạch chưa đồng bộ ảnh hưởng đến công tác trồng cây xanh.

Từ trước đến nay, người dân chỉ có một suy nghĩ đơn giản, bảo vệ cây xanh chỉ đơn thuần là không được chặt cây, bẻ cành hay ngắt hoa. Ở những khu vui chơi giải trí, thỉnh thoảng xuất hiện những biển báo “Cấm đi trên cỏ” hay “Cấm bẻ cành, ngắt hoa”, tất cả dựa vào ý thức bảo vệ cảnh quan đô thị, bảo vệ màu xanh trên phố của chính người dân sinh sống ở đó. Nhiều cây mới trồng bị người dân tự ý nhổ đi và thay thế vào đó những loại cây mình ưa thích.
 
Một cán bộ đang công tác tại Công ty Cây xanh cho biết: “Khi ý thức của người dân hạn chế, chúng tôi rất khó kiểm soát cũng như góp ý kịp thời để bảo vệ cây xanh. Việc người dân cùng chung tay bảo vệ cây xanh đã là may mắn lắm rồi, vì có nhiều hộ bảo thủ, không chịu nhổ cây mình đã trồng để trồng loại cây mới theo quy định”.

Song song với ý thức người dân là sự bất cập trong công tác quản lý về phát triển cây xanh đô thị, không tập trung một đầu mối nên thiếu đồng bộ. Công ty Cây xanh chỉ quản lý, chăm sóc cây đã trồng trên các tuyến đường, KDC nên không có điều kiện nắm hết thông tin để có những biện pháp xử lý phù hợp. Nhân viên điện lực không phối hợp với Công ty Cây xanh trong thời gian cắt tán khi cây vướng vào đường dây điện; việc cắt tán cũng không bảo đảm kỹ thuật và mỹ quan. Hoặc đơn vị thi công mương thoát nước, cáp ngầm... thường xén rễ, làm cho cây xanh bị tổn thương và suy kiệt, rễ cây không phát triển vững chắc...

Bên cạnh những tuyến phố chính, KDC hoặc khu tái định cư, việc thiết lập các đai rừng dương liễu phòng hộ ven biển, các vành đai xanh cách ly nhằm cải thiện điều kiện tiểu khí hậu, che chắn gió bão, vừa bảo đảm các yêu cầu cảnh quan vừa phụ trợ cho hệ thống cây xanh các tuyến đường ven biển (Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà-Điện Ngọc) chưa được chú trọng. Do vậy, việc trồng cây xanh bóng mát, cây cảnh quan ở các tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn như gió, mặt bằng chưa thông thoáng để tiến hành trồng cây, tốn kém nhiều công sức và kinh phí nhưng vẫn khó đạt được yêu cầu đề ra.

Như vậy, việc bảo vệ và phát triển cây xanh không chỉ là cấm chặt cây, bẻ cành hay ngắt hoa, đi trên cỏ mà còn là ý thức của người dân cũng như những biện pháp chế tài trường hợp vi phạm, mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm các bên liên quan trong việc bảo vệ cây xanh đường phố (Công ty cây xanh, Điện lực, thoát nước, thanh tra, chính quyền địa phương…).

Công ty Cây xanh cũng đang tranh thủ mọi khả năng, cơ hội thuận tiện để phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án xúc tiến công tác trồng cây xanh tại các khu dân cư đã hoàn chỉnh hạ tầng, xác định chủng loại cây xanh được phép trồng trên từng tuyến đường… để đưa cây xanh bắt kịp nhịp phát triển cùng với kiến trúc đô thị, mang lại giá trị phát triển bền vững của thành phố trẻ bên sông Hàn.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.