.

Không được chủ quan, lơ là trước dịch cúm A/H1N1 và tiêu chảy cấp

.

(ĐNĐT)Ngày 14-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 732/CĐ-TTg yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A/H1N1và tiêu chảy cấp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương:

Mắm tôm sống, thịt chó có nguy cơ cao nhiễm phẩy khuẩn tả
1.Tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện khẩn số 639/CĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 về phòng, chống dịch cúm A(H1N1). Không được chủ quan, lơ là. Phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời; kiên quyết không để dịch xâm nhập, lây lan.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về các biểu hiện bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, đồng thời vận động mọi người tích cực tham gia việc phòng, chống dịch cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Thực hiện "ăn chín, uống sôi" để phòng tránh dịch tiêu chảy cấp và một số bệnh mùa hè khác.

3. Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo hệ thống y tế giám sát 24h/24/ dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc hệ thống y tế để phát hiện bao vây, dập dịch tiêu chảy cấp trong thời gian sớm nhất, kiên quyết không để lây lan.

c) Tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát chặt chẽ, nhất là tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1, không để lây lan.

d) Kiểm tra rà soát, bảo đảm đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến.

e) Định kỳ tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Huy động các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các điểm ăn uống đông người, các cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn tươi sống; các điểm giết mổ, việc vận chuyển và tiêu thụ thịt chó, thịt gia súc, gia cầm.

b) Tăng cường giám sát chất lượng các nguồn nước ăn và nước sinh hoạt, nhất là nước giếng, ao hồ, kể cả môi trường xung quanh nguồn nước để ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm, phát tán bệnh, bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

c) Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời ổ bệnh, người nhiễm bệnh, triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, cách ly và điều trị kịp thời người nhiễm bệnh.

d) Kịp thời báo cáo đầy đủ tình hình diễn biến dịch tại địa phương về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Yêu cầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tấn báo chí tích cực, chủ động tham gia, cùng chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và dịch cúm A/H1N1.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngoài 5 tỉnh là Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định đã có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, bước đầu đã kiểm tra phát hiện phẩy khuẩn tả trên thịt chó sống, tại một số điểm giết mổ chó và trên một số mẫu thực phẩm tươi sống khác. Dịch tiêu chảy cấp đang có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn. Bên cạnh đó, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới, đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

S.TRUNG
;
.
.
.
.
.