.

Khúc sám hối trước Mẹ

.

Chủ nhật này (10-5) là Ngày của Mẹ. Trước ngày thiêng liêng này, những người con ở khắp nơi đã gửi đến Chào bạn trẻ những dòng thành kính về Mẹ, mà chúng tôi tập hợp lại thành:

Mời bạn đọc cùng chia sẻ cảm xúc, và thử một lần nhìn nhìn ngó lại mình.

Trần Ngọc Tú, Giảng viên (datquang10@gmail.com)

Món quà của con là sự sám hối

Mẹ lăn lộn giữa chợ đời bao ngày vì con.

Nhiều đêm khuya con giật mình thức giấc, thấy mẹ vẫn ngồi may áo cho con sau một ngày buôn bán. Vậy mà đã có lúc con muốn xé rách những bộ quần áo ấy khi tụi bạn chọc: “Mi mặc đồ quê mùa quá!”. Đó là khi con còn cắp sách đến trường.

Khi bước chân vào giảng đường ở một thành phố lớn, sống xa nhà trong một môi trường tự do, không giữ được mình trước những cám dỗ của phồn hoa, con sa vào những cuộc nhậu triền miên, những trò đỏ đen vô bổ..., đâu hay mỗi ngày buôn bán vất vả mẹ chỉ kiếm được mấy chục ngàn để dành cho anh em con ăn học.

Ra trường đi làm, vẫn thói quen nhậu nhẹt thời sinh viên, sau giờ tan sở con lại la cà theo mấy anh em ở cơ quan. Mẹ ngồi đợi con bên mâm cơm nhưng những lúc đó con làm sao ăn nổi. Sáng ra, thấy mẹ chiên cơm nguội, con lại chê: “Buổi sáng ăn cơm chiên khô khan lắm mẹ ơi!”. Con chẳng để ý sau lưng là tiếng thở dài của mẹ.

Cho đến một ngày, khi bị đau phải phẫu thuật, mẹ dặn: “Con về nhà lấy tiền tiết kiệm mẹ cất trong tủ để lo thuốc men”. Trong tủ có một quyển sổ rất dày và hai phong bì. Quyển sổ là nhật ký chi tiêu, những khoản chi phí cho anh em con ăn học và những dòng tâm sự của mẹ. Còn 2 phong bì: một chiếc đựng ít vàng mà con đoán là số tiền mẹ dành dụm được, chiếc kia có dòng chữ run run của mẹ: “Tiền để cưới vợ cho thằng hai”. Trong phong bì thứ 2 là 24 triệu đồng - đúng bằng tổng số tiền lương mà con đã gửi cho mẹ hằng tháng sau một năm con đi làm. Đến lúc này, hai mắt con đã đỏ hoe...

Chợt nhận ra: Cho đến bây giờ chưa có năm nào con nhớ đến ngày sinh của mẹ hay chúc mừng “Ngày của Mẹ”. “Ngày của Mẹ” năm nay con sẽ dành tặng cho mẹ một món quà thật ý nghĩa - đó là sự sám hối về những lỗi lầm của con trước mẹ. Mẹ ơi...

Trần Trà (Sinh viên năm 1 ĐH Văn Lang, TPHCM)

Lâu nay, con đã quen với sự chiều chuộng. Khi đi học xa, con mừng vì được sống tự do, khỏi bị mẹ la mỗi khi phạm lỗi. Kết thúc năm nhất, con mới thấy thực sự có lỗi với mẹ khi làm đồ án thất bại vì không thực sự cố gắng, nhưng lại tự chiều mình, không cưỡng lại sự ham thích trước những món đồ hấp dẫn, rồi điện thoại về xin tiền mẹ với đủ lý do này nọ. Mẹ ơi con xin lỗi. Tháng này con sẽ chi tiêu thật tiết kiệm, cố gắng tìm việc làm, không dồn gánh nặng trên vai mẹ nữa.

Yến Nhi (tranle.nguyetque@gmail.com

Cứ khóc đi Mẹ!

Nếu bạn hỏi một người con trai rằng điều gì làm họ sợ nhất, đa số câu trả lời sẽ là: “Nhìn thấy con gái khóc”. Vì khi đó họ cảm thấy mình bất lực, thấy “nóng ruột”, xót xa nhưng lại không biết nên làm gì, nói gì…

Mình không phải con trai, và cũng không sợ nước mắt. Mình sẵn sàng là bờ vai cho nhỏ bạn thân dựa vào những khi bạn thật buồn, bảo bạn hãy cứ khóc “cho đã đời” để ngày mai lại có thể sống trọn vẹn với những nụ cười.

Nhưng với mẹ, mình lại là một người con thật hèn nhát. Có những đêm dài, nằm cùng mẹ trên một chiếc giường, cảm nhận thật rõ ràng bờ vai run rẩy và những tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ, thấy nỗi buồn dâng kín trong lòng, nhưng mình chỉ biết lặng im.

20 năm cuộc đời lớn lên trong vòng tay mẹ, cùng mẹ đi mòn những con đường đến trường, chung tay nấu những bữa trưa, bữa tối, trồng lớn những mầm non bé xíu…, nhưng sao vẫn có một khoảng trống vô hình nào đó ngăn cản mình mở lòng ra với mẹ. Những lúc mẹ buồn, sao mình không thể nhẹ nhàng ôm lấy mẹ như ôm nhỏ bạn? Không nói được dù chỉ một lời an ủi?

Hôm qua, trong ngày sinh nhật, mẹ tặng mình một món quà kèm lời nhắn nhủ: “Con gái của mẹ, mẹ biết con đã lớn, đã biết buồn vui giận hờn, mẹ biết những đêm con trằn trọc khó ngủ, những giọt nước mắt con hoen vàng chiếc gối. Con à, nỗi buồn sẽ vơi đi rất nhiều nếu được sẻ chia, mẹ vẫn luôn ở đây, rất gần con và sẵn sàng lắng nghe”.

Mẹ ơi, không chỉ trong Ngày của mẹ, mà tất cả những ngày còn lại trong cuộc đời, con muốn nói với mẹ rằng: con cũng sẽ luôn ở đây, rất gần mẹ và sẵn sàng chia sẻ, hãy cứ khóc đi mẹ nhé!

Cao Tài Lê Nguyên, Giáo viên (lenguyencaotai@gmail.com)

Hãy để con vấp ngã!

Con biết là đối với Mẹ, con là tài sản quý giá nhất, là tất cả của Mẹ. Chính vì thế, Mẹ luôn muốn bảo bọc, che chở cho con, đối với Mẹ con bao giờ cũng còn nhỏ dù con có là bao nhiêu tuổi. Mẹ hy sinh những ngày nghỉ chỉ với mục đích dành thời gian nấu cho con những món ăn mà con thích. Khi con ốm, Mẹ hy sinh cả giấc ngủ, thức trắng đêm để chăm lo cho con, bao giờ con thức dậy cũng bắt gặp ánh mắt Mẹ nhìn con đầy âu yếm… Bao giờ có món gì ngon, Mẹ cũng để dành lại cho con.

Con biết Mẹ lo lắng con sẽ vấp ngã trên đường đời nên lúc nào Mẹ cũng muốn bảo bọc cho con. Nhưng Mẹ ơi, sự bảo bọc của Mẹ đôi khi sẽ làm con thụ động, có thói quen ỷ lại, và đôi khi con nhận thấy: so với các bạn cùng lứa con rụt rè hơn hẳn, con còn dè dặt khi đến những nơi đông người.

Điều con muốn nói là Mẹ cứ để con được va vấp vài lần, được va chạm nhiều hơn với xã hội phức tạp. Dù lúc đầu, con sẽ gặp nhiều khó khăn, thất bại, nhưng chỉ có như thế con mới trưởng thành lên được. Con biết Mẹ lo lắng là con vấp ngã sẽ không đứng dậy được, nhưng xin Mẹ hãy an tâm, vấp ngã ở đâu con sẽ đứng lên ở đó, từ những lần vấp ngã trước con sẽ rút ra những kinh nghiệm để lần sau con không vấp ngã nữa. Vấp ngã, nhưng con vẫn sẽ đứng lên đàng hoàng. Xin Mẹ hãy tin ở con, vì con là con của Mẹ.

 

“Khi người tình cho bạn một tình yêu, thì trong trái ngọt đã có mùi vị của đắng cay. Nhưng tình yêu của Mẹ không vị lợi, ở trái tim người Mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa. Một người tình có thể ác độc với bạn, nhưng trong lòng người Mẹ thì chỉ có từ tâm.

Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có hủy diệt chứ không thể làm sinh nở một điều gì tốt lành. Chỉ có ở người Mẹ, bạn mới tìm được lòng chung thủy tuyệt đối. Hãy tin chắc rằng không có ở nơi nào có một lòng chung thủy tương tự như vậy nữa. Bởi vì đối với Mẹ, bạn luôn là mục đích đầu tiên và sau cùng”.

(Trích lời nhà thơ Đỗ Trung Quân)

 

;
.
.
.
.
.