Chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn năm xưa Nguyễn Văn Thùy nay ở tổ 33 phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hết sức cảm động về những năm làm nhiệm vụ trên con đường huyền thoại ấy.
Anh Nguyễn Văn Thùy. |
Từ làng Ho (Quảng Bình), từng đoàn xe phủ kín lá ngụy trang, vượt cửa khẩu Cổng Trời sang đất Lào, băng qua những dốc dựng đứng và những đoạn cua cùi chõ như đèo Cô-pa-nhít, cua chữ A, vượt sông Bạt, bản Đông, đi sâu vào các kho bãi ở Nam Lào, để từ đó hàng được tiếp tục vận chuyển bộ cung cấp cho các mặt trận.
Trong những năm làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn có biết bao kỷ niệm sâu sắc mà dù đã qua nửa thế kỷ, anh Thùy vẫn còn nhớ rõ. Còn lớp trẻ chúng tôi khi nghe những mẩu chuyện của người CCB này lại càng thêm cảm phục về ý chí, bản lĩnh và tình đồng đội của thế hệ cha anh.
Anh Thùy kể: Sau Tết Mậu Thân 1968, anh em lái xe chúng tôi được phổ biến, ở mặt trận Khâm Đức (Quảng Nam), quân địch chặn hết đường tiếp tế từ đồng bằng lên, bộ đội, thanh niên xung phong bị đói, phải đào củ móng ngựa trong rừng để cầm hơi, vì vậy, đoàn xe chúng tôi có nhiệm vụ vận chuyển gạo vào càng nhanh càng tốt, nhưng chỉ được chạy vào ban đêm. Dù máy bay địch liên tục do thám, bắn phá, nhưng 5 chiếc Gat 63 chở đầy gạo, tắt hết đèn, vẫn lặng lẽ hướng tới mặt trận. Theo phương án, hễ máy bay địch phát hiện, đuổi bắn chiếc xe nào, thì chiếc ấy phải nhanh chóng rẽ sang đường khác, tạo điều kiện cho 4 chiếc kia chạy thoát.
Trong một lần xe của tôi bị máy bay địch phát hiện, tôi tăng ga, bật đèn, chạy ngoặt sang phía bãi trống. Máy bay địch lập tức đuổi theo bắn gần nửa tiếng đồng hồ. Tôi cho xe lao qua hết bãi trống đến khu rừng rậm, địch vẫn không bắn trúng. Biết đồng đội chạy đã xa, tôi tắt đèn xe, tiếp tục chạy sâu vào rừng. Máy bay địch mất mục tiêu, bắn vu vơ một hồi rồi bay đi nơi khác. Thế là, tôi cho xe quay trở ra đường, tiếp tục chạy vào Khâm Đức... Đi liên tục 5 đêm như thế, chúng tôi đã đưa được hơn 10 tấn gạo đến tiếp cứu kịp thời cho bộ đội và thanh niên xung phong đang thiếu ăn.
Một lần khác, đoàn xe của anh tiếp tục vào chiến trường Quảng Đà, gặp một tiểu đội thanh niên xung phong thuộc Tiểu đoàn Bà Thao, thấy phần ăn của các chị toàn sắn và muối hầm, cuộc sống quá khó khăn, các anh nhường phần cơm mang theo và các thứ đồ dùng cá nhân như khăn mặt, xà phòng, ba lô, quân trang… cho các chị.
Những năm lái xe ở chiến trường, anh Thùy đã bị nhiễm chất độc da cam và hiện nay một đứa con của anh cũng bị di chứng bởi loại chất độc này. Anh Thùy nói vui: Nhờ lái xe Trường Sơn mà tôi học được nghề sửa xe, bây giờ có việc để làm qua ngày.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM