Hai ông bà Hoàng Vinh Hiển và Tạ Thị Quế, ở tổ 3, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) thời trẻ đều là những thanh niên xung phong (TNXP) đã cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tham gia vào đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Vợ chồng CCB này đã kể cho chúng tôi nghe về một thời tuổi trẻ của họ trên con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa.
Vợ chồng ông Hiển, bà Quế. |
Ông Hiển kể: Trong quá trình mở đường, công tác giữ bí mật được đặt lên hàng đầu. Mở tới đâu phải ngụy trang tới đó. Từng bờ ta luy, từng tảng đá, mớ đất đào lên... đều phải lấy lá cây che kín để máy bay địch không phát hiện được. Có những đoạn đường đi qua bãi trống, ta phải dùng dây mây căng lên làm giàn, phía trên phủ dày những giò phong lan cùng một số loại cây lá khác để từ trên cao nhìn xuống cũng thấy giống như cây lá rừng tự nhiên.
Chúng tôi mở đường chủ yếu bằng cuốc xẻng, quang gánh, xe con rùa, xe cút kít và thuốc nổ. Đại đội được tăng cường một chiếc máy ủi C100 để dùng thi công những vị trí khó khăn nhất. Đến khi đường đã mở xong thì chiếc xe ủi này lại cùng TNXP làm nhiệm vụ trực chiến, nhằm giải tỏa nhanh những nơi bị địch đánh bom làm tắc đường và kéo xe sa lầy. Mùa mưa, chúng tôi phải chặt cây lót dày trên những đoạn bùn sình cho xe qua, vậy mà vẫn có những chiếc sa lầy, do chở hàng nặng.
Tuy nhiệm vụ chính là làm đường, nhưng đơn vị tôi vẫn luôn bảo đảm công tác trực chiến. Hễ khi có máy bay ném bom là bộ phận quan sát (đặt trên những điểm cao) có nhiệm vụ theo dõi, phân biệt bom nổ ngay và bom nổ chậm. Dẫu biết có bom nổ chậm, nhưng sau khi dứt trận bom là cán bộ, chiến sĩ toàn đại đội lao ra mặt đường, nhanh chóng sửa chữa những chỗ hư hỏng, sạt lở. Tôi canh đồng hồ được 45 phút là lệnh cho đơn vị khẩn trương chạy vào nơi ẩn nấp, bởi theo kinh nghiệm thì bom nổ chậm sẽ nổ sau 1-2 giờ. Và khi nó vừa nổ xong, cả đơn vị lại tiếp tục lao ra khắc phục đường, nhằm kịp thời bảo đảm giao thông thông suốt, không để tắc mạch máu tiếp vận cho miền Nam.
Nhiều đồng chí đã ngã xuống vì bom đạn địch, vì sập hầm, cây đổ..., nhưng cả đơn vị không ai nao núng. Khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường/Chết kiên cường, dũng cảm” dán trên vành mũ, trên ba lô, báng súng… Máy bay địch ném nhiều loại bom như bom phát quang, bom phá, bom bi..., mỗi loại mỗi kiểu sát thương khác nhau, nhưng nguy hiểm nhất là bom dây.
Loại bom này do một quả bom lớn nổ, văng ra nhiều “đoạn dây” vắt vào cành cây hoặc nằm rải rác trên mặt đất. Khi dứt trận bom, TNXP lao ra khắc phục đường vướng vào nó mới nổ. Sau những lần bị tổn thất, ta đã có giải pháp khắc phục bom dây là phải chú ý quan sát, phát hiện và chủ động làm cho nó nổ. Mặc dù vậy, TNXP chúng tôi vẫn bị thương vong vì loại bom này, nhất là về ban đêm...
Y tá Tạ Thị Quế quê ở Diễn Châu-Nghệ An, đầu năm 1968 tình nguyện vào Trường Sơn, công tác trong đội TNXP N44. Một năm sau, chị được điều về một trạm xá đóng ở km 23 trên đường 10. Tại đây, tình yêu của cô y tá trẻ Tạ Thị Quế và anh đại đội trưởng TNXP Hoàng Vinh Hiển đã nảy nở và cùng nhau hẹn ngày chiến thắng.
Bà Quế bồi hồi kể: Trạm xá chỉ có 7 người, nhưng có ngày tiếp nhận đến 35 thương, bệnh binh. Cả bác sĩ, y tá, hộ lý đều làm việc luôn tay, nhiều hôm cấp cứu liên tục hết ca này đến ca khác. Cấp cứu xong là khẩn trương chuyển về tuyến sau. Có lần, sau khi áp tải thương binh về Bệnh viện 112 (ở Lệ Thủy-Quảng Bình), tôi trở về đơn vị, trên đường gặp hai xe thương binh vừa bị máy bay địch bắn trúng. Bất chấp hiểm nguy, tôi lao vào tham gia băng bó, sơ cứu những người bị thương suốt một hồi lâu mới xong. Nhìn hàng chục đồng đội bị thương lần thứ hai, nhiều người đã tắt thở, lòng tôi đau quặn và càng thêm trào sôi mối căm thù bọn giặc trời Mỹ.
Trong những năm làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh binh trên đường Trường Sơn, tôi xót xa nhất là những lúc đồng đội hy sinh vì thiếu thuốc. Ở đại đội anh Hiển có hai trường hợp bị sốt rét ác tính, chỉ vì không có thuốc đặc trị nên đều tử vong khi chưa kịp chuyển lên trạm xá.
Ông Hiển rưng rưng khóe mắt, bùi ngùi nói: Đó là Chính trị viên phó đại đội Lê Hoài An và chiến sĩ Nguyễn Thị Xuân cùng quê ở Thọ Xuân-Thanh Hóa, bây giờ đã được cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 10, tôi đã nhiều lần đến thắp hương tưởng niệm và nhiều đêm nằm mơ thấy hai anh em đang hăng hái san sửa đường giữa tiếng gầm rú của máy bay địch.
Cùng làm nhiệm vụ trên một tuyến đường, nhưng anh Hiển, chị Quế lâu lâu mới được gặp nhau một lần, do địch đánh phá liên miên và cả hai đều rất bận. Mặc cho bom rơi đạn nổ, tình yêu của hai người vẫn bền bỉ cháy sáng, và đúng như lời giao ước ban đầu, anh chị đã chờ nhau đến ngày chiến thắng. Cuối mùa xuân 1975, hai người đã nên vợ nên chồng trong khúc khải hoàn ca của đất nước.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM