.
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN (19-5-1959 - 19-5-2009)

Kỳ tích mở đường

.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá, ngăn chặn, hòng làm tê liệt tuyến đường chiến lược Trường Sơn. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 23-4-1967, Bộ Giao thông - Vận tải quyết định thành lập Ban Xây dựng 67, có quy mô như một Cục công trình, chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Tiền phương. Nhiệm vụ của Ban Xây dựng 67 là: Cùng với lực lượng quân đội, tổ chức mở đường và chiến đấu, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường Trường Sơn, giữ vững mạch máu tiếp vận cho tiền tuyến.

Ông Cao Xuân Can, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Ban Xây dựng 67 (giữa) đang trao đổi về vị trí mở đường 20 Quyết thắng.

Ban Xây dựng 67 tiếp nhận lực lượng công binh, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến từ các binh trạm dọc tuyến và từ nhiều đơn vị, địa phương, tổng quân số thường trực bình quân 8-10 nghìn người, thời kỳ cao nhất (1971) lên đến gần 25 nghìn người.
 
Từ năm 1967-1975, bộ đội, công nhân giao thông, TNXP, dân công hỏa tuyến thuộc Ban Xây dựng 67 đã liên tục mở đường và chiến đấu, bảo đảm giao thông trên 1.000km tuyến Đông Trường Sơn và 5 tuyến vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Chỉ tính từ ngày 1-1 đến 30-10-1968 (ngày giặc Mỹ buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 19 trở ra), địch đã đánh phá tổng số 11.860 trận với gần 200 nghìn quả bom, bình quân mỗi cây số đường phải chịu 311 quả. Có những trọng điểm bị ném bom đến 36 trận/ngày đêm với số lượng máy bay mỗi trận từ 4-12 chiếc.

Cuộc chiến đấu để bảo đảm giao thông trên các tuyến vượt Trường Sơn diễn ra quyết liệt từng giờ, từng phút. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua muôn nghìn tình huống cực kỳ khó khăn để giành thắng lợi. Từ phương châm ban đầu “địch phá-ta sửa ta đi”, đến “địch phá-ta cứ đi” và cuối cùng là quyết tâm “đánh địch mà đi”, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển lực lượng, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1970.

Sang năm 1971, Ban Xây dựng 67 được bổ sung hàng trăm xe ủi, xe xúc, máy móc, thiết bị để xây dựng công trình 71 trên cả 5 hướng vượt khẩu. Sau 9 tháng kiên cường vượt qua bom đạn địch, công trình 71 đã hoàn thành xuất sắc với kết quả: xây dựng mới, mở rộng đường và cải tạo hơn 100km đường trọng điểm, giữ vững con đường tiếp vận từ hậu phương lớn vào các chiến trường B, C, K, (miền Nam, Lào, Campuchia).

Với khẩu hiệu hành động: “Địch đánh ngày coi như không đánh; địch đánh đêm, xóa hẳn tắc đêm, hạn chế tắc giờ”, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã bám đường, bám trận địa, vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, quyết tâm giữ vững mạch đường thông suốt, nhiều người đã anh dũng hy sinh, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ. Vừa dứt tiếng bom rơi là mệnh lệnh ra đường: “Nhanh như sóc, mạnh như hổ”, ai nấy hối hả, tranh thủ từng phút khôi phục giao thông. Chính trị viên Đại đội 736 Nguyễn Thị Nậy hiên ngang  lên máy ủi, chỉ huy lái xe khắc phục quãng đường có bom nổ chậm, bị thương đến lần thứ 6 cũng không rời trận địa.

Chiến sĩ Đỗ Đăng Doanh ở Phân trạm C xung phong lái xe đi dọc tuyến đường có bom từ trường để kích nổ loại bom này. Trong khi đó, các kỹ sư Viễn, Hưởng, Thẩm thường xuyên lái ca nô chở máy PD67 kích nổ bom từ trường trên các dòng sông. Hễ nghe tiếng bom địch là anh Nguyễn Phong Lưu (ở Đội 25) nhanh chóng lái xe ủi băng ra đường, gạt đất đá, gạt cả bom chưa nổ, rồi bắn súng lệnh thông xe. TNXP Vũ Tiến Đề lái máy húc, gan góc giải tỏa đường dưới làn bom địch và bình tĩnh nói với đồng đội: “Dù tôi có hy sinh trên cần tay lái, hãy để cho tôi lấp nốt hố bom, thông đường cho xe qua”...

Một đoàn xe tiếp vận đang vượt qua cua chữ A trên đường 20 Quyết thắng.

 

Trải qua cuộc chiến đấu kiên cường ấy, hàng trăm tên núi tên sông đã mãi mãi đi vào lịch sử. Sự dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ ở những trọng điểm đánh phá của địch như km 12, Chà Ang, Cà Roòng, cua chữ A, ngầm Ta Lê (đường 20 Quyết thắng), Bãi Dinh, Cha Lo, đèo Mụ Dạ (đường 12), Ka Kang, Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, cầu Long Đại (đường 15), K28, K44, Yên Ngựa (đường 10), Làng Ho, Vít Thù Lù (đường 16)... là những minh chứng hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Trong những tháng năm ác liệt đó, Ban Xây dựng 67 đã có 1.088 đồng chí hy sinh, hơn 3.000 đồng chí bị thương và hàng nghìn người bị nhiễm chất độc da cam. Đặc biệt, chỉ trong một đêm tại km 12 (đường 20), để chuyển được 33 can xăng qua trọng điểm này, 28 TNXP đã hy sinh.

Thế nhưng, mọi thủ đoạn thâm độc, mọi loại vũ khí tối tân của đế quốc Mỹ đều không ngăn được sức mạnh của lớp lớp thanh niên trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Ban Xây dựng 67. Bất chấp bom đạn quân thù, những con đường ngày càng mở rộng hơn, vươn dài hơn, nhanh hơn ra các mặt trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất  đất nước.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong những năm mở đường Trường Sơn, Ban Xây dựng 67 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác.     
    
 
NHỮNG KỶ LỤC VỀ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Tiểu đoàn cao xạ bắn rơi nhiều máy bay nhất

Trên toàn tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 36 cao xạ (E28) đã bắn rơi 157 máy bay Mỹ và là tiểu đoàn bắn rơi nhiều máy bay nhất.

Một trung đoàn mở 2.000km đường ô-tô

Trong 8 năm chiến đấu ở Trường Sơn, Trung đoàn 98 công binh - Đơn vị Anh hùng LLVTND đã mở hơn 2.000km đường ô-tô, 500km đường giao liên, khai thông 200km đường sông, bắc 403 cây cầu, bắn rơi 38 máy bay, diệt 137 tên biệt kích, thám báo.

Một chiến dịch bắn rơi 365 máy bay

Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), các lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 365 máy bay, diệt 8.105 tên địch, bắt sống 1.160 tên, phá hủy 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo.

Chiếc xe đạp thồ đầu tiên trên đường Trường Sơn

Đó là chiếc xe đạp nhãn hiệu Favorits, số khung 20.220, được đưa vào Trường Sơn năm 1961. Đại đội 9 (Đoàn 70) đã dùng chiếc xe này thồ được tổng cộng gần 2.000 tấn hàng vào chiến trường. Năm 1969, chiếc xe được đưa về trạm 34 do đồng chí Nguyễn Hồng, tiểu đội trưởng sử dụng thồ hàng vào, chở thương binh ra. Trong hai năm 1969-1970, người tiểu đội trưởng này đã chở 51 thương binh, 456 ba lô và hơn 1.000kg lương thực, thực phẩm.

Đi bộ bằng chiều dài vòng quanh trái đất

Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh gần 6 năm làm nhiệm vụ vận chuyển trên đường Trường Sơn đã đi qua tổng đoạn đường bằng độ dài vòng quanh trái đất. Kể từ khi nhập ngũ cho tới lúc bị thương vào đầu năm 1966, anh không hề bị đau ốm và chuyến hàng nào cũng gùi, thồ vượt chỉ tiêu.

TƯỞNG THỊ CẨN (st)

 
                                                                
L.V.T

;
.
.
.
.
.